Đẩy mạnh dùng xăng E5 sẽ hỗ trợ đầu ra cho nông dân trồng khoai mì. Trong ảnh: người dân đổ xăng E5 (xăng sinh học) tại cây xăng trên đường Pasteur, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Đó là khẳng định của ông Vũ Kiên Chỉnh, tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, một đơn vị sản xuất cồn sinh học (ethanol) tại Đồng Nai.
Mới đây, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng có chính sách hỗ trợ cây sắn (khoai mì), trong đó có việc tạm trữ sản phẩm khi vào chính vụ để tránh dân bị ép giá.
Các đề xuất về những chính sách hỗ trợ và phát triển đối với cây khoai mì là hoàn toàn đúng đắn.
Trên thế giới, khoai mì ngày càng được quan tâm hơn vì đây là loại cây đa tác dụng, dễ trồng, gắn với các chương trình xóa đói giảm nghèo của người dân vùng sâu, vùng xa.
Củ khoai mì vừa làm lương thực cho người, vừa làm được thức ăn cho chăn nuôi và vừa làm nhiên liệu sinh học (ethanol).
Tinh bột khoai mì còn được ứng dụng rất nhiều trong các ngành y tế, thực phẩm và công nghiệp khác.
Rõ ràng tiềm năng ứng dụng và nhu cầu tiêu thụ khoai mì ở Việt Nam và trên thế giới là rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Tại Việt Nam, khoai mì là một trong những loại cây trồng chủ lực bởi diện tích trồng trên 500.000ha, sản lượng lớn (trên 10 triệu tấn/năm) và mang lại kim ngạch xuất khẩu cao (trên 1 tỉ USD/năm).
Đây là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực kể từ năm 2012 đến nay. Thế nhưng, từ trước đến nay cây khoai mì ở nước ta không được quan tâm đúng mức như các loại cây trồng khác, ví dụ như lúa, bắp, mía...
Vì vậy, việc trồng khoai mì tuy nhiều nhưng thiếu quy hoạch, thiếu gắn kết với nhà máy chế biến, nên đến mùa thu hoạch thường xảy ra tình trạng được mùa rớt giá, thậm chí cần phải “giải cứu” hay tạm trữ mà Hiệp hội Sắn Việt Nam mới có công văn gửi Chính phủ.
Trồng trọt quy mô lớn mà không có hệ thống sản xuất đi kèm thì sẽ suốt ngày phải đi “giải cứu”. Việt Nam đã có trên 100 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì rồi, nếu đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học E5, E10 thì sẽ đảm bảo đầu ra cho người trồng khoai mì, không cần “giải cứu”.
Cụ thể, công suất thiết kế của các nhà máy chế biến ethanol trong nước hiện ở mức 360.000 tấn/năm, đã vượt quá nhu cầu sử dụng để thay thế hoàn toàn loại xăng A92 thành xăng sinh học E5 (5% ethanol).
Với tỉ lệ quy đổi 7kg khoai mì tươi ra 1 lít cồn sinh học, việc chuyển từ xăng A92 sang E5 có thể tiêu thụ được 1,4 triệu tấn khoai mì tươi; còn nếu các nhà máy ethanol chạy hết công suất thì sẽ tiêu thụ được 2,5 triệu tấn, tức 25% tổng sản lượng khoai mì cả nước.
Nếu tăng tỉ lệ ethanol trong xăng từ E5 lên E10 thì nhu cầu về dùng khoai mì sinh học sẽ còn cao hơn nữa.
Trước đây đã có nhiều kế hoạch sử dụng xăng E5 nhưng đều chưa triển khai rốt ráo. Có nhiều nguyên nhân như các công ty xăng dầu đầu mối chưa sẵn sàng vì thiếu kho bãi phối trộn, hệ thống phân phối chưa đáp ứng yêu cầu, giá xăng E5 còn cao, tâm lý e ngại của người tiêu dùng với loại xăng này...
Tuy nhiên, mới đây đã có tin vui là trong báo cáo trình Chính phủ về lộ trình thay thế xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, Bộ Công thương khẳng định từ ngày 1-1-2018, xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng A92 trên cả nước.
Những nhà sản xuất tinh bột sắn như chúng tôi không có mong muốn gì lớn hơn là những gì Chính phủ nói thì Chính phủ sẽ làm.
Ông Đỗ Ngọc Hùng (người dân TP.HCM): Ít điểm bán xăng E5 Tôi đã dùng xăng sinh học E5 kể từ khi loại xăng này có mặt trên thị trường vì trước đó có tìm hiểu thông tin về xăng sinh học cũng như lợi ích của loại xăng này với môi trường. Không giống như một số ý kiến cho rằng xăng E5 làm xe chạy không êm hay là gây chết máy, xe tôi đổ xăng E5 nhiều lần và không xảy ra bất cứ vấn đề gì và không thấy sự khác nhau khi đi xe đổ xăng E5 so với xăng A92. Chỉ có một vấn đề đối với người muốn chuyển sang dùng xăng sinh học là các điểm bán xăng E5 tại TP.HCM còn ít nên nhiều lúc muốn dùng cũng không có. Vì vậy, tôi cho rằng nếu thay thế hoàn toàn xăng A92 sang E5 thì việc sử dụng sẽ dễ hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận