21/04/2009 08:40 GMT+7

Để không còn tranh cãi phí quản lý chung cư

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Tranh chấp giữa các chủ căn hộ chung cư và chủ đầu tư liên quan đến việc thu phí quản lý chung cư xảy ra ngày càng nhiều và gay gắt. Bộ Xây dựng chuẩn bị can thiệp bằng cách ra một thông tư và Sở Xây dựng TP.HCM đã có dự thảo quyết định về giá trần phí quản lý chung cư. Nếu những văn bản này được ban hành sẽ có những quy tắc chi phối và đặt ra một giới hạn, chứ không để các chủ đầu tư thao túng như hiện nay.

Thường trong các trường hợp tranh chấp, các chủ căn hộ luôn ở trong tình trạng phải coi chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng dịch vụ tiện ích không thể thay thế và họ chỉ cố làm thế nào “đấu tranh” với đối tác độc quyền này để có được mức phí dịch vụ hợp lý. Chủ căn hộ ở ta không thể làm được một việc mà chủ căn hộ ở nhiều nước làm được, là trong trường hợp giữa họ và nhà cung ứng dịch vụ tiện ích không có được tiếng nói chung thì mời nhà này đi chỗ khác, gọi nhà khác đến nói chuyện.

Đơn giản, vì nhà cung ứng dịch vụ tiện ích trong các câu chuyện ồn ào gần đây về chung cư, đồng thời cũng là chủ đầu tư, đều là chủ sở hữu của những công trình, thiết bị tiện ích phục vụ sinh hoạt. Họ đã chủ động giữ lại những tài sản ấy cho riêng mình trong quá trình “hộ hóa” chung cư; khi đưa chung cư vào vận hành, nghĩa là khi có người đến đó ở, họ tổ chức việc khai thác các tài sản này dưới hình thức cung ứng tiện ích phụ trợ rồi thu phí, càng lúc càng cao.

Lẽ ra đã gọi là chung cư thì về mặt pháp lý, tòa nhà chỉ có thể là tập hợp những căn hộ; mỗi căn hộ được cấu tạo từ hai phần - phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung. Phần sở hữu riêng bao gồm tất cả những gì ở bên trong căn hộ theo nghĩa hẹp, còn phần sở hữu chung là phần quyền của chủ căn hộ đối với tất cả các công trình, thiết bị phục vụ chung cho cuộc sống của mọi cư dân (nhà xe, cầu thang, hệ thống cung ứng điện nước, sân chơi...). Các công trình, thiết bị chung được chủ các căn hộ cùng nhau quản lý, khai thác.

Để làm được việc đó, họ tập hợp lại trong khuôn khổ một thiết chế tự quản gọi là hội nghị nhà chung cư. Nếu cần, hội nghị nhà chung cư có thể mời nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp đến giúp họ khai thác các tài sản ấy bằng cách mở thầu. Chủ đầu tư có thể đến dự thầu như bao nhiêu nhà thầu khác.

Không khó để nhận ra chìa khóa của câu chuyện tranh chấp: đó không phải là thiết lập sự quản lý của Nhà nước đối với việc ấn định mức phí quản lý chung cư mà là xóa bỏ tình trạng độc quyền trong việc cung ứng dịch vụ tiện ích tại các chung cư.

Muốn đạt được điều này, trước hết phải hoàn thiện luật pháp về phần cấu trúc quan hệ sở hữu trong khuôn khổ chung cư, đặc biệt phải loại trừ cho được khả năng xác lập quyền sở hữu của riêng một người đối với các tài sản phục vụ sinh hoạt hằng ngày của tất cả mọi người. Tức là cần sửa Luật nhà ở chứ không thể chỉ ban hành những văn bản có tính chữa cháy.

Phí quản lý chung cư sẽ được thu định kỳTP.HCM: Đề xuất phí quản lý chung cư tối đa 9.000 đồng/m2/thángSẽ hết chuyện tăng phí chung cư tùy tiệnPhí dịch vụ chung cư: cao quá!Căn hộ chung cư: nhập nhằng diện tích chung riêng“Chóng mặt” phí chung cưPhí dịch vụ chung cư ở TP.HCM: Nên lấy ý kiến dân

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên