Quan niệm "không thi không học" không biết hình thành từ bao giờ nhưng đã trở thành một thói quen rất khó bỏ như thực tế đã thấy vài năm gần đây.
Hệ lụy của học lệch
Việc học lệch để chăm chăm vào những môn thi, kể cả học thêm, luyện cách trả lời các bài trắc nghiệm với mục đích đạt được điểm cao trong xét tuyển vào đại học là sự lệch lạc trong giáo dục toàn diện con người.
Nhất là khi chúng ta đang chuyển từ việc chú trọng truyền thụ nội dung kiến thức sang hình thành, phát triển năng lực trên cơ sở kiến thức, kỹ năng, làm chủ việc học tập và có đạo đức tốt, thì xem ra việc học và dạy "vị thi cử" đã làm méo mó những định hướng của nghị quyết 29 và làm sai lệch mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều này dẫn đến nguồn nhân lực của đất nước, đặc biệt năng lực tích lũy trong mỗi cá nhân, sẽ dễ bị lệch lạc, mất cân đối hài hòa về nhân lực giữa các khối ngành.
Câu chuyện bạo lực học đường, thiếu kỹ năng mềm, giải quyết vấn đề sáng tạo... sẽ bị cản trở bởi văn hóa "không thi không học".
Mới đây, tại hội nghị phát triển giáo dục đại học 2023, một số doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng nhiều học sinh khá giỏi nhưng năng lực làm việc khó đạt được yêu cầu một phần là do cách học để thi tồn tại cả ở nhà trường phổ thông và đại học.
Việc rèn luyện kỹ năng thích ứng với bối cảnh mới đòi hỏi nền giáo dục luôn phải đổi mới từ mục tiêu chương trình dạy học, phương pháp giảng dạy, đo lường đánh giá cùng với sự tham gia từ cộng đồng xã hội. Giáo dục là phải rèn luyện thách thức, ngọc càng mài càng sáng, không thể ngụy biện là thi nhiều môn sẽ gây sức ép lên học sinh.
Thi tốt nghiệp theo kiểu đánh giá năng lực
Xu hướng thế giới những năm gần đây phát triển việc thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả đó để xét tuyển vào đại học với số môn không chỉ 4-5 môn như của chúng ta.
Hiệu quả của việc thi đánh giá năng lực học tập và kỳ thi mang tính quốc gia cho thấy không chỉ tác động đến chất lượng của toàn hệ thống, thay đổi cách học, cách kiểm tra đánh giá theo năng lực mà còn tác động đến việc làm và thu nhập của người học trong tương lai của các kỳ thi như vậy. Khi đánh giá năng lực tổng hợp, người học sẽ được kiểm tra với số môn học liên quan gia tăng.
Trung Quốc trong đề án cải cách thi kiểm tra đánh giá cho 25 năm sau, người ta có đến 10 môn thi. Một số bang ở Hoa Kỳ cũng yêu cầu số lượng môn thi tương tự như vậy.
Trong mấy năm qua, một số đại học và trường đại học đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Đây có thể là những bài học kinh nghiệm và tham khảo cho ngành giáo dục trong quá trình đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở ứng dụng công nghệ.
Chỉ có thi đánh giá năng lực học tập tổng hợp cộng với điểm hồ sơ đánh giá kiểm tra ở nhà trường được thực hiện khách quan, công bằng bởi thầy cô giáo và với sự kiểm soát của công nghệ mới hy vọng giảm bớt câu chuyện thi gì học nấy và rất đúng với nghị quyết 29 và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Quan niệm thi gì học nấy sẽ được thay đổi bởi văn hóa học gì thi nấy.
Về hiệu quả kinh tế, tối ưu nhất là chỉ còn một kỳ thi duy nhất, vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học. Sẽ không còn các kiểu thi đánh giá năng lực của các đại học và một số trường đại học, khiến xã hội bối rối và chi phí tham gia đánh giá nhiều lần tốn kém. Điều này về hiệu quả kinh tế thuyết phục hơn là chỉ thi tốt nghiệp bốn môn.
Còn về tác động của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kiểu đánh giá năng lực thì kinh nghiệm và nghiên cứu của nhiều quốc gia đã cho thấy những tác động tích cực đến khả năng học đại học, cơ hội việc làm và tăng trưởng của người học.
Trước những thách thức của bối cảnh trong nước và thế giới, việc để cho học sinh đối mặt với thách thức cũng là cách rèn luyện như người lính năm xưa trước khi ra trận. Nếu không được trang bị đủ kỹ năng, ý chí rèn luyện đeo ba lô nặng tập hành quân, chắc chắn chiến sĩ sẽ rất khó có đủ năng lực, sức khỏe để chiến đấu, đối chọi với những thách thức nơi chiến trường.
Nên có các trung tâm, công ty khảo thí
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nghiên cứu đánh giá và với tầm nhìn chiến lược xa hơn cần đào tạo những chuyên gia khảo thí có kỹ năng chuyên nghiệp để hình thành những trung tâm hay những công ty khảo thí làm nhiệm vụ dịch vụ công.
Cách làm hiện nay vẫn rất "mùa vụ", cứ đến hẹn lại lên kiểu ăn đong, mời một số người từ các trường về để ra đề thi trắc nghiệm khá nghiệp dư, thiếu ngân hàng thi đủ lớn để thử nghiệm trên một phổ rộng một cách khách quan.
Cho nên, đề thi thường xuất hiện những lỗi do không thực hiện đúng quy trình thiết kế thử nghiệm, phân tích trắc nghiệm các bộ câu hỏi.
Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chính sách về giáo dục, nhất là chính sách về thi cử, rất nhạy cảm nên cần có nghiên cứu khách quan, đánh giá tất cả những tác động có thể xảy ra khi ra quyết định thi cử để giảm thiểu rủi ro và nhất quán với định hướng phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm lấy cái bằng tốt nghiệp để xét vào đại học mà còn là trách nhiệm giải trình của ngành giáo dục, của các trường học với đồng tiền thuế của người dân chi ra thì như thế kết quả thu lại là gì.
Đồng thời, kỳ thi còn là thước đo để giúp hoàn thiện, đổi mới chính sách, giúp cho những "vùng trũng" về môn học nào đó phát triển, nâng cao cơ hội bình đẳng tiếp cận đến dịch vụ giáo dục tốt của đất nước.
Thăm dò ý kiến
Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2 + 2), gồm: thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận