20/05/2015 16:20 GMT+7

Để không bị nói xấu, người Việt phải thay đổi hành vi

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP
PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP

TTO - Tham gia diễn đàn: ​Làm gì khi đất nước bị nói xấu?, Tuổi Trẻ Online đã nhận được bài viết của PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP (nguyên trưởng khoa nhân học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM).

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP (nguyên trưởng khoa nhân học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

Theo PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP, muốn người nước ngoài không còn nói xấu chúng ta, bản thân mỗi người VN phải tự nhìn lại mình để thay đổi. Trong đó, cùng với giáo dục làm thay đổi ý thức thì cái quan trọng hơn là giáo dục hành vi. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết này. 

Hai thói xấu ăn vào xương máu của người Việt

"Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19-5 đưa ra chủ đề  rất hot: Tại sao đất nước tôi bị nói xấu? nhân sự việc một thầy giáo nước ngoài nói về sự xả rác bừa bãi ra đường của thanh niên Việt Nam. Dư luận xã hội phê phán việc làm này của giới trẻ khi lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm với cái nhìn “phản tỉnh”.

Người Việt là dân tộc nông dân nhưng là nông dân của xã hội tiểu nông. Xã hội tiểu nông sản sinh ra tầm nhìn, cách nghĩ, lối sống cũng rất tiểu nông.

Văn hóa truyền thống Việt Nam có nhiều cái tốt đã được nói nhiều, nhưng cũng không ít cái xấu mà gần đây khi tiếp xúc với văn hóa các dân tộc khác trong bối cảnh xuyên văn hóa, người Việt đã phản tỉnh nhận ra cái xấu của mình. 

Nhiều thói xấu của người Việt, trong đó có hai thói xấu trở thành tập tục của lối sống tiểu nông là thói tùy tiện và lối sống tiểu kỷ (ích kỷ đến nhỏ nhen) dẫn đến thiếu ý thức cộng đồng.

Thói tùy tiện kéo theo đó là tính vô kỷ luật, thậm chí bất chấp luật pháp.

Lối sống tiểu kỷ dẫn đến chỉ biết cái tôi của mình, không quan tâm đến lợi ích của người khác, của cộng đồng.

Người Việt phải nói là dân tộc ở bẩn

Khi tôi đang học đại học, cố GS Trần Quốc Vượng và cố PGS Vương Hoàng Tuyên nói rằng: người Việt không có văn hóa đi nhà vệ sinh. Văn hóa đi nhà vệ sinh do người phương Tây truyền sang.

Rác được các bạn sinh viên bỏ lại ngay tại nơi mình ngồi uống nước, trò chuyện buổi tối (ảnh chụp tối 20-11) - Ảnh: Quang Định

Các thầy dẫn dụ: ở làng quê trước đây không nhà nào có hố xí. Cả làng đi vệ sinh ngoài đồng hay ngoài đê, gần biển thì ra bãi biển. Đi vệ sinh ngoài đồng được thi vị hóa “nhất quận công nhì ỉa đồng”.

Phải thay đổi thói quen, tập tục không chỉ bằng nhận thức mà cả bằng hành vi ứng xử hằng ngày. Giáo dục hành vi và các kỹ năng sống từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội từ trẻ con đến người lớn tuổi sẽ làm thay đổi thói quen khi ý thức thường là thay đổi chậm do quán tính và sức ỳ của tập quán.

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP

Thậm chí đến thời văn minh đô thị rồi, có nhà vệ sinh tập thể nhưng có người vẫn cho phân vào túi nilông vứt xuống đường cho chó dọn. Các hộ gia đình nông dân Việt thường có ao nhà như là tiểu hệ sinh thái, dùng nước tưới rau, giặt quần áo, có cầu tõm thay nhà vệ sinh và tắm ao “ta về ta tắm ao ta”.

Thập niên 1960 của thế kỷ 20 có một phát minh không lớn nhưng ý nghĩa xã hội thì rất lớn. Đó là ông Trịnh Xuân Bái sau được phong Anh hùng lao động nhờ phát minh “hố xí hai ngăn” và phát động phong trào “sạch làng, tốt ruộng” , thì văn hóa đi nhà vệ sinh mới được hình thành và phát triển ở nông thôn miền Bắc.

Văn hóa truyền thống đã vậy, văn hóa, văn minh hiện đại còn tệ hại hơn, khi đô thị hóa và công nghiệp hóa, chất thải, rác thải dư thừa người ta vứt bừa khắp nơi từ bãi tắm khu du lịch đến công viên, các nơi công cộng, trừ nhà mình. Đô thị trở thành bãi rác và người dân buộc phải sống chung với rác.

Ô nhiễm môi trường trở thành vấn nạn dường như vô phương giải quyết, chỉ còn vang vọng những tiếng kêu cứu.

Người dân, giáo viên, học giả lên tiếng cho rằng ý thức mọi người kém, nhất là thanh niên, cần pháp luật ra tay xử phạt nặng sẽ giảm thiểu tình trạng nói trên. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Khi hành vi xả rác đã trở thành thói quen, tập tục rất khó xóa bỏ ngày một ngày hai.

Giải pháp quan trọng nhất là giáo dục

Lâu nay giáo dục Việt Nam vấp phải sai lầm chỉ chăm chăm vào việc giáo dục nhận thức, lý thuyết và cho rằng từ nhận thức đúng sẽ thay đổi hành vi.

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng hiểu xả rác là hành vi xấu nhưng tự bản thân mỗi người vẫn cứ làm, rồi tự mình kêu than môi trường xuống cấp và đổ lỗi cho người khác, còn mình thì vô can. Phải thay đổi cách thức giáo dục. Cùng với giáo dục làm thay đổi ý thức thì cái quan trọng hơn là giáo dục hành vi.

Phải tập và dạy cho từ trẻ nhỏ đến người lớn những hành vi văn hóa mà họ phải làm không thể khác được. Phải dạy đi toilet đúng chỗ, trong túi, balô, cặp công tác mọi người phải có túi nilông bỏ vào ngăn riêng những vật thải cá nhân, sau đó bỏ vào thùng rác công cộng hay gia đình như trẻ con, người lớn phương Tây từng làm.

Tôi thấy người phương Tây xì mũi vào giấy vệ sinh hay bã kẹo cao su vào khăn lau, sau đó bỏ vào túi, không bao giờ vứt ra đường. Người Việt Nam ít có ai làm thế.

Phải thay đổi thói quen, tập tục không chỉ bằng nhận thức mà cả bằng hành vi ứng xử hằng ngày. Giáo dục hành vi và các kỹ năng sống từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội từ trẻ con đến người lớn tuổi sẽ làm thay đổi thói quen khi ý thức thường là thay đổi chậm do quán tính và sức ỳ của tập quán.

Thêm nữa, phải có biện pháp giáo dục bằng dư luận xã hội lên án, dùng cả luật pháp để phạt nặng như Singapore  đã làm. Thí dụ điển hình nhất là việc cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm tưởng chừng không làm được nhưng thành công ngoạn mục.

Mặt khác, về mặt quản lý môi trường cần đầu tư công sức và trí tuệ để triển khai xử lý rác thải như sản xuất các túi rác thải theo sự phân loại các chất thải cho từng hộ gia đình bằng cách tiếp thị xã hội túi rác thải để thay đổi thói quen người dân.

Tôi rất đau lòng khi thấy những công nhân dọn vệ sinh phải tiếp xúc với đủ loại rác thải nguy hiểm như rác thải y tế, rác thải rắn, thủy tinh đựng chung trong túi nilông.

Cần học những bài học kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản về vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường là việc làm cấp bách hiện nay".

Làm gì khi đất nước bị nói xấu?

Bạn sẽ phản ứng thế nào trước những lời nhận xét không tích cực của người nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam?

Bạn có đồng tình với quan điểm cho rằng cần nhìn thẳng vào cái chưa đẹp và triệt tiêu nó?

Bạn chọn cách gì để góp phần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của người nước ngoài về những điều chưa đẹp của Việt Nam?

Mời bạn cùng chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình về vấn đề này. Bạn có thể email đến [email protected] hoặc để lại bình luận dưới bài viết này.

TTO 

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên