Phần mì xào bò có giá 200.000 đồng/suất bị du khách tố "chặt chém" - Ảnh từ bài viết nhân vật Lưu Phương Linh đăng tải lên mạng xã hội
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này tham dự diễn đàn Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém".
Là một người từng bị "chặt chém" khi đi du lịch, cá nhân tôi hết sức cảm thông với tâm trạng của các du khách khi gặp phải những tình huống không hay như thế, đồng thời cảm thấy phẫn nộ với cách hành xử của những người bán hàng, làm dịch vụ du lịch.
Cũng bởi chính họ đã làm méo mó, xấu xí thêm hình ảnh của du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ ngành du lịch vừa được phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Hiện tượng "chặt chém" đa số đều xuất phát từ việc những người bán hàng lợi dụng tâm lý chủ quan, ngại hỏi giá trước của khách hàng để tính thêm tiền, thổi giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với thực tế.
Thậm chí, khi khách hàng có phản hồi, thắc mắc về giá cả còn nhận lại thái độ thiếu thiện cảm, đe dọa, thách thức từ họ. Đặc biệt, những vị khách nước ngoài thường là đối tượng dễ bị "chặt chém" nhiều nhất.
Từ thực tế cho thấy trong mỗi mùa cao điểm về du lịch, dư luận liên tục chia sẻ những bức xúc bởi vấn nạn "chặt chém". Có cảm giác mỗi du khách trong hành trình du lịch, khám phá các danh lam thắng cảnh đều có nguy cơ rơi vào những "cái bẫy" hoặc bị mai phục bởi vô vàn chiêu trò "chặt chém". Chính điều này gây nên nỗi ám ảnh, sợ hãi thay vì niềm vui, sự thích thú như mường tượng của nhiều du khách.
Cách đây vài năm, bản thân tôi cũng từng rơi vào trường hợp bị "chặt chém" khi sử dụng dịch vụ môtô nước tại một bãi biển ở Nha Trang.
Dù đã cẩn trọng hỏi trước về giá cả nhưng không ngờ trong quá trình di chuyển, người chủ của môtô nước ngồi sau đã chỉnh đồng hồ nhanh lên.
Do không có bằng chứng gì để đối chiếu nên tôi đành phải trả tiền đầy đủ dù biết mình bị lừa. Tuy số tiền không thật sự lớn nhưng hành vi gian dối này khiến bản thân cảm thấy buồn bực, không vui trong suốt chuyến đi và đương nhiên là chẳng có ý định quay lại Nha Trang thêm một lần nào.
Thiết nghĩ, việc bán hàng chộp giật, "chặt chém" du khách, thậm chí tệ nạn móc túi, cướp giật vẫn tồn tại ở một số nước du lịch phát triển như Pháp, Ý… nhưng các đối tượng tham gia lại chủ yếu là người nhập cư đến từ nước khác chứ không phải là dân địa phương.
Nhìn chung, quốc gia nào cũng có vấn đề riêng trong quá trình phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải tìm ra giải pháp và thực hiện nó một cách hiệu quả trong thực tế. Nếu không thể thanh tẩy triệt để và đồng bộ vấn nạn "chặt chém" này thì tương lai của ngành du lịch Việt Nam sẽ thật sự khó khăn.
Riêng cá nhân tôi, trước khi chờ sự thay đổi đồng bộ từ ngành du lịch, đã tự tích lũy cho mình một số kinh nghiệm để hạn chế tình trạng bị động, rơi vào cảnh bị "chặt chém" khi đi du lịch.
Trước mỗi chuyến đi, chúng ta nên tìm hiểu chi tiết thông tin về địa phương, đất nước sắp đến để có kế hoạch chi tiết.
Cụ thể, chúng ta sẽ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, lịch trình ăn uống các bữa chính, bữa phụ ra sao, tham khảo trước giá cả tại đó như thế nào. Từ đó, chúng ta sẽ chủ động hơn trong những chuyến đi, hạn chế các phiền toái.
Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều diễn đàn về chủ đề du lịch đều có thông tin hữu ích dành cho chúng ta. Đây là cách để mỗi chúng ta trở thành khách du lịch thông thái, hạn chế tối đa tình trạng bị "chặt chém", tăng giá tại các điểm du lịch.
Khi đến dùng bữa tại các nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, chúng ta nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước.
Với một số nơi không ghi rõ giá, bạn nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi món ít nhưng thanh toán nhiều. Ngoài ra, chúng ta không nên tin tưởng tuyệt đối vào hóa đơn của nhà hàng bởi sai sót hoàn toàn có thể xảy ra.
Các chủ nhà hàng tại những điểm du lịch thường có rất nhiều chiêu trò khác nhau để bàn ăn hoặc hóa đơn của bạn tăng thêm nhiều món, dù bạn không gọi. Cũng vì lẽ đó, du khách nên kiểm tra lại hóa đơn một cách chi tiết trước khi rút ví thanh toán.
Bên cạnh đó, điều cần thiết nhất để hạn chế tình trạng "chặt chém" khi đi du lịch chính là không ngại mặc cả. Nhiều chủ quán vì đánh trúng tâm lý ngại hỏi giá của khách đã tranh thủ tăng giá tiền của sản phẩm, dịch vụ gấp nhiều lần so với thông thường.
Thế nên, thay vì chấp nhận chịu thiệt, chúng ta hãy tinh ý mặc cả để mua được món hàng hoặc sở hữu dịch vụ tốt khi đi du lịch.
Ngoài ra, việc ghi lại một số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương cũng là gợi ý cực kỳ tốt cho du khách. Cũng bởi, phần lớn chúng ta khi bị "chặt chém" thường ngậm bồ hòn làm ngọt hoặc không chịu đựng được thì chọn cách đăng tải bài viết trên trang mạng xã hội, chứ không muốn đôi co, cãi nhau tại nơi xa lạ.
Việc liên lạc và báo cáo với chính quyền địa phương sẽ cực kỳ hữu dụng cho khách du lịch trong trường hợp có xảy ra tranh chấp, xô xát, nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho bạn.
Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận