Theo các nhà tâm lý học và giáo dục học, ca ngợi trẻ thật ra không giúp chúng tự tin hơn hay can đảm hơn. Trong trường học, câu hỏi “khen hay không khen?” luôn là vấn đề hóc búa với các thầy cô giáo và lời giải đến từ những khía cạnh bất ngờ. Khen trẻ em là cả một nghệ thuật - Ảnh: antiquitynow.org Thay vì đơn giản đáp lại những gì các em làm với những cụm từ nhận xét dễ dãi và buồn tẻ như “giỏi” hay “làm tốt lắm”, giáo viên nên nghiêm túc xem xét những bình luận mô tả cụ thể những gì học trò đã làm và khuyến khích các em nỗ lực hơn, theo các nhà nghiên cứu. Marshall Duke - chuyên gia tâm lý học - và Charles Howard - giáo sư tâm lý học ở Đại học Emory (Atlanta, Mỹ) - đều khẳng định điều đó trong các nghiên cứu mới công bố của họ. TRẺ CON HIỂU ĐÂU LÀ LỜI KHEN THẬT LÒNG “Được khen ngợi không hẳn giúp học trò hạnh phúc và nỗ lực hơn hay giỏi giang hơn - Duke nói với trang mạng chuyên về giáo dục Education World - Nó chỉ giúp các em giảm bớt áp lực trong một số tình huống cụ thể”. Xác định những điểm mạnh của trẻ và giúp phát huy những điểm mạnh đó mang tới cho các em sự tự tin lớn hơn là những lời khen, theo ông. Lời khen cũng mất hiệu quả nếu mọi học sinh đều được khen giống nhau. “Không thể em nào cũng giỏi tất - Duke nói - Những nhận xét trung thực và quan tâm thật sự tới các em thể hiện sự nhạy cảm của người thầy và có lợi hơn nhiều cho các em trong dài hạn so với những lời khen sáo rỗng”. Dù quan điểm không khen con hay học trò, thậm chí “yêu cho roi cho vọt” không có gì mới, quan điểm đó đang dần thắng thế trở lại trước những người tin rằng lúc nào cũng nên khen ngợi trẻ nhỏ, theo Benjamin Mardel - chuyên gia về giáo dục học ở Đại học Harvard. “Những lời khen như phát ra từ máy tự động là vô nghĩa - Mardel nói - Trẻ em hiểu hết. Chúng biết đâu là những nhận xét thật lòng. Lời khen và đánh giá học trò giỏi phải có cơ sở. Niềm vui và sự hứng thú tồn tại song song với một chút lo lắng và căng thẳng, đó là một phần của việc học”. Vì thế, thầy cô giáo nên giúp học trò tự tin hơn bằng cách tạo ra một không khí thoải mái và an toàn trong lớp, nơi các em thấy mình được hỗ trợ. “Điều đó quan trọng hơn lời nói” - Mardel giải thích. Việc có quá nhiều học sinh được đánh giá giỏi sẽ tạo ra điều mà các nhà giáo dục học gọi là “chứng nghiện lời khen” khi giá trị của học trò dựa trên những gì người khác - thầy cô, bạn bè, gia đình - phán xét, thay vì do chính các em nhận thức được. Một mục tiêu cực kỳ quan trọng của giáo dục là giúp trẻ nhỏ tự tìm thấy động lực để cố gắng trong cả trường học lẫn cuộc đời thông qua làm việc chăm chỉ, vượt qua những nỗi thất vọng và khó khăn. Các lời khen thành thực rất có ích để các em hiểu được thực tế, những điểm mạnh và yếu của mình. Để mạnh mẽ, tự tin, tự lập và có kỹ năng sống tốt, học trò phải được đánh giá đúng với sự thật. Các nghiên cứu của Duke và Howard cho thấy các trẻ quen thuộc với việc được đánh giá là “giỏi” và được khen ngợi liên tục có khuynh hướng lo lắng về năng lực của mình, sợ thất bại, không dám thử những điều mới và khó thích nghi với những va vấp. THẾ NÀO LÀ MỘT LỜI KHEN ĐÚNG? Các nhà nghiên cứu chỉ ra một số điểm cơ bản. Thứ nhất, lời khen phải là một sự công nhận và động viên, đừng là một lời khen vu vơ. Chẳng hạn: “Em hẳn đã phải dành rất nhiều thời gian học những từ mới này, nên giờ em có thể đọc và hiểu được cả bài!”. Thứ hai, phải khiến học trò thấy lời khuyên đó là cho riêng cá nhân em chứ không phải một lời khen đại trà, chẳng hạn: “(Tên học trò), tôi hài lòng vì có em trong lớp này”. Thứ ba, khen ngợi bằng cử chỉ có ý nghĩa rất quan trọng, hãy nhìn thẳng, mỉm cười, lắng nghe các em và thật sự cởi mở. Thứ tư, không phán xét các em mà thừa nhận những nỗ lực và tiến bộ, dù là nhỏ. Ngôn ngữ của lời khen phải rõ ràng, mạch lạc và càng cụ thể càng tốt. Cuối cùng, khuyến khích chính các em thảo luận và đánh giá những gì các em làm được bằng các câu hỏi gợi mở. Bí quyết chung với mọi nhà sư phạm, theo các chuyên gia, là phải chú ý vào việc khen ngợi các em đã cố gắng ra sao, chứ không phải các em giỏi việc gì hay quá tập trung vào kết quả. Một nguyên tắc khác, theo nhà tâm lý và xã hội học Timothy Wilson, “lời khen tối thiểu”, tức một sự khích lệ vừa đủ để giúp các em thấy vui và muốn cố gắng hơn nhưng không tạo ra ảo tưởng. “Giỏi quá, em thuộc hết bảng cửu chương rồi” nên được thay bằng “thầy (cô) đã thấy em rất cố gắng để nhớ bảng cửu chương. Thầy thật vui khi thấy em quyết không bỏ cuộc”. Tags: Khen thưởng học sinh
Bầu cử Mỹ: Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.