Để hội phụ huynh không phải là 'hội phụ thu'

TRƯƠNG ANH NGỌC
TRƯƠNG ANH NGỌC

TTO - Sự "nhiệt tình" của các Hội phụ huynh học sinh đến từ đâu? Từ sự tác động của nhà trường, sự "sốt sắng" của chính cha mẹ học sinh trong việc "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"?

Để hội phụ huynh không phải là hội phụ thu - Ảnh 1.

"Đến trường luôn là đến với những niềm vui"... Con gái tác giả Anh Ngọc trong ngôi trường ở Ý - Ảnh: NVCC

Dư luận đang bàn tán xôn xao sau khi một phụ huynh lên tiếng đòi phải giải tán các ban phụ huynh chỉ vì quá nhiều các khoản "đóng góp tự nguyện". Thực ra vấn đề này không hề mới. 

Nó đã âm ỉ từ rất nhiều năm nay, mỗi khi năm học mới bắt đầu, nhưng chỉ trở nên đặc biệt nóng bỏng khi sự bức xúc bùng nổ vì khoản tiền lạm thu có con số quá lớn.

Sự "nhiệt tình" của các Hội phụ huynh học sinh đến từ đâu? Từ chính sự thiếu thốn của nhà trường, khiến nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp phải "tác động" theo cách nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, tới các phụ huynh? 

Hay từ sự "sốt sắng" của chính cha mẹ học sinh trong việc "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", nên từ lâu, họ đã cho rằng, việc duy trì tình trạng đóng góp trên hình thức tự nguyện, thậm chí đóng góp nhiều hơn nhu cầu thực tế?

Theo quan điểm của người viết, vấn đề nằm ở cả hai phía. Khi phúc lợi xã hội từ tiền thuế của người dân không đủ khả năng chi trả cho những điều kiện tối thiểu liên quan đến cơ sở vật chất và nhiều thứ khác của hệ thống trường công, cái ví của các phụ huynh đương nhiên được nhắm tới, và phụ huynh đành phải chấp nhận thực tế (điều này thì chắc chắn không được chấp nhận ở các nước phát triển, cả giáo viên lẫn cha mẹ phụ huynh sẽ bãi khóa và xuống đường biểu tình).

Nhưng sự "nhiệt tình" thái quá còn có một lý do khác. Một bạn đọc từng chia sẻ với tôi qua tin nhắn riêng trên Facebook rằng cha mẹ không thể không đóng tiền một khi lớp và trường yêu cầu họ làm việc ấy, với những lý do luôn được cho là chính đáng. 

"Tôi không thể làm khác được", cô viết. "Tất cả các phụ huynh đều sợ con mình bị "trù", nên đành chấp nhận chi tiền cho các khoản thu, nhưng trong lòng chằng vui chút nào!". 

"Đấy là chưa kể đến rất nhiều khoản khác cho những ngày đặc biệt, như ngày 8-3, 20-10 hay 20-11, Tết nhất", cô viết thêm.

Nếu theo lời cô bạn viết thì rõ ràng chuyện học của con cháu chúng ta cực kỳ phức tạp, và trên thực tế, cũng là tế nhị. 

Hệ thống trường công, với hình thức phụ huynh cắn răng chịu đựng lạm thu để con cái "yên ổn" thực ra chẳng khác gì việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở đảo Sicilia phải đóng tiền bảo kê cho mafia để yên tâm làm ăn.

Họ chỉ phá vỡ "luật im lặng" chỉ vì không chịu nổi nữa, khi số tiền càng lớn và nhiều khoản quá vô lý, chứ thực ra họ đã im lặng "đóng góp" rất nhiều năm. Như một lẽ đương nhiên hoặc như là một điều phải chấp nhận.

Có người hỏi tôi, ở trường con tôi (một trường trong hệ thống trường công ở nước ngoài), hội phụ huynh có thu tiền không? Câu trả lời là họ TUYỆT ĐỐI không có nhiệm vụ thu bất cứ khoản gì của nhà trường, vì bất cứ lý do gì.

Họ làm đúng nhiệm vụ là một trong ba đỉnh của tam giác gia đình - nhà trường - học sinh. Những chuyện khác liên quan đến cơ sở vật chất đã có nhà nước lo.

Câu hỏi ngược lại cho chính chúng ta: nhà nước, với tiền thuế chúng ta đóng, đã thực sự lo cho con cái chúng ta thế nào, khiến phụ huynh, ngoài tiền thuế đã đóng như một trách nhiệm bắt buộc với xã hội, lại phải móc túi trả cho rất nhiều những khoản khác nữa, biến hội phụ huynh thành "hội phụ thu"?

TRƯƠNG ANH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên