16/12/2018 14:24 GMT+7

Để học trò hạnh phúc: Bắt đầu từ những việc nhỏ

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau hai tháng được giao xây dựng "tiết học hạnh phúc", ngày 15-12, thầy cô giáo Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội ngồi lại với nhau để chia sẻ về những bài toán khó mà TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục trường, đặt ra.

Để học trò hạnh phúc: Bắt đầu từ những việc nhỏ - Ảnh 1.

Cô Hải Vân phát biểu tại hội thảo ngày 15-12 - Ảnh: V.HÀ

Đây là lần thứ hai, Trường Đinh Tiên Hoàng tổ chức hội thảo về "".

Hạnh phúc không phải điều gì quá lớn lao

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cách đây gần 30 năm từng được lập ra để thu nạp, giáo dục những học sinh bị xem là yếu kém, gây nhiều lỗi mà trường khác không chấp nhận.

Cũng bởi vậy, đội ngũ giáo viên các thế hệ của trường luôn được đặt vào các nhiệm vụ rất khó là giáo dục học sinh có cá tính mạnh, quậy phá, giúp học sinh "hổng kiến thức cả cấp học" có thể đạt yêu cầu giáo dục để tốt nghiệp...

Kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là "sức đề kháng" đủ để nhẫn nhịn và thoát khỏi bế tắc trong giáo dục các đối tượng học sinh phức tạp ở trường này luôn được đồng nghiệp ở nhiều trường đánh giá cao.

Với sự cương quyết nhưng thấu hiểu nỗi khó khăn của thầy cô giáo, TS Tùng Lâm cho rằng: "Khó vẫn phải làm và tôi muốn chúng ta cùng nghĩ cách, cùng bàn bạc. Tôi không áp đặt một cách làm chung mà khích lệ các thầy cô đưa ra sáng kiến", và thầy cho rằng chỉ cần thật lòng mong muốn điều tốt đẹp cho học sinh thì sẽ làm được.

Hai tháng trôi qua các tổ bộ môn của Trường Đinh Tiên Hoàng lao vào bàn bạc, rồi áp dụng các cách khác nhau trên lớp của mình.

Cô Hải Vân, một giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cho biết ban đầu cô áp dụng những cách làm cho học sinh thấy vui. Ví như vào lớp thì "khởi động" bằng các câu chuyện vui.

Biết học sinh quan tâm tới đội bóng Việt Nam trong trận bán kết, giáo viên vào lớp là hỏi các học sinh nam thích bàn thắng nào, thích cầu thủ nào, chiến thuật đội nhà đội bạn ra sao... Bàn luận sôi nổi nhưng khi hỏi đến bài tập, nhiều học sinh lại... căng thẳng.

"Tôi nhận thấy nếu hiểu hạnh phúc là học sinh được chơi, được vui... thì đó chỉ là nhu cầu hạnh phúc ở tuổi tiểu học. Còn học sinh lớp 12, hạnh phúc phải gắn với trách nhiệm, với ý nghĩa công việc các em đang làm, sẽ làm" - cô Hải Vân chia sẻ.

Thầy Phó Đức Vinh - giáo viên dạy toán - trao đổi trong hội thảo diễn ra ngày 15-12: "Nếu mình quan niệm lớn quá, nhiều tiêu chí quá về "hạnh phúc" sẽ khó lòng làm được. Sau một đợt loay hoay, tôi nghiệm ra hạnh phúc không phải điều gì lớn quá mà là những việc nhỏ giản dị thôi.

Ví dụ tôi nghĩ đến việc làm sao để trong giờ toán của tôi, học sinh càng ít áp lực càng tốt. Tôi không chỉ dồn tâm vào nhóm học sinh khá giỏi, cũng không chăm chăm chú ý đến những em quá yếu, tôi chú ý đến những học sinh từng yếu kém nhưng đang có những thay đổi rất nhỏ.

Tôi khích lệ sự thay đổi đó".

Lùi lại để gần học trò

Nếu nhân nhượng sẽ bị lấn tới, nếu dễ dãi, học sinh vui thích và quý thầy cô đấy nhưng sẽ không "nể sợ" và buông luôn trách nhiệm học tập. Đây là mâu thuẫn lớn trong hành trình đi tìm "tiết học hạnh phúc" ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Cô Nguyễn Tố Tâm, một giáo viên của trường, kể lại câu chuyện vừa xảy ra tuần trước: "Một học sinh xin ra ngoài khá lâu, khi trở lại lớp, tôi có hỏi thì em nói em đi vệ sinh và em khiến tôi thực sự sốc khi bảo "cô không tin thì đi mà ngửi"".

Đó là một học sinh nữ không phải nhóm các em không ngoan. Thường ngày em cũng quý mến tôi. Thế nên tôi càng sốc. Nhưng tôi phải cố gắng kiềm chế.

Tôi không trách mắng em học sinh đó trong lớp và vẫn tiếp tục dạy hết tiết học, để cho em có thời gian suy nghĩ về điều em phát ngôn. Hôm sau tôi mới gặp riêng em, tôi hỏi em đã suy nghĩ gì về phát ngôn của em với tôi.

Em học sinh đã nói lời xin lỗi và bảo em đã hiểu câu nói "nên uốn lưỡi 7 lần hãy nói" để không phạm sai lầm".

Về điều này, thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ tuy không còn ở vị trí hiệu trưởng nhưng những "ca" khó của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm bó tay, ông thường ở lại chờ đến cuối tiết học để gặp học sinh.

"Cũng có những trường hợp học sinh đáng bị phạt. Nhưng tôi không đề nghị phạt ngay mà lùi lại vài ngày, một tuần. Tôi không chỉ cho học sinh cơ hội mà cho mình cơ hội để nghĩ thêm, để hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động của học sinh.

Phạt học sinh thì dễ, nhưng làm thế nào để giúp học sinh đó thay đổi mới khó" - thầy Tùng Lâm trao đổi.

Rèn mình để lan tỏa cảm xúc tích cực

Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc.

Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn. Bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng có thể mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu chán nản. Với tâm trạng đó thì khó lòng có thể mang lại cảm giác hạnh phúc cho học sinh.

Tôi nghĩ bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến học sinh một trạng thái bình an. Nó được thể hiện ra bằng sự tươi tắn, bằng cách chia sẻ, tôn trọng học sinh.

Cô TRẦN THỊ THUẤN (giáo viên văn, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng)

dth-6-7(read-only)

TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với thầy cô giáo trong hội thảo - Ảnh: V.HÀ

Tháng 10-2018, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra yêu cầu xây dựng "tiết học hạnh phúc" sau khi công bố kết quả khảo sát về học sinh của trường. Theo đó, có tới 62,7% học sinh được hỏi có dấu hiệu stress, trong đó tỉ lệ ở nữ là 71,5%, nam là 54,7%.

Cách học sinh giải tỏa stress khác nhau: 46,4% tâm sự với bạn bè, người yêu; 41,8% không làm gì, tự chịu đựng; 12,5% hút thuốc lá, rượu bia, lạm dụng chất kích thích; 12,2% chia sẻ với cha mẹ.

Chỉ có 2,3% chia sẻ với thầy cô và 2% chủ động tìm đến phòng tư vấn tâm lý của trường.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên