Để hiểu về sự khách quan và chuyên nghiệp

TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH 05/10/2016 04:10 GMT+7

TTCT - Tại Hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của đề án 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có một khẳng định đáng chú ý: “Việc học ngoại ngữ là để phục vụ cuộc sống, công việc, không phải là để thi lấy chứng chỉ”.

Minh họa
Minh họa


phát biểu này rất trúng, khi “thị trường” cấp chứng chỉ ngoại ngữ dường như đang “loạn”. Hầu như mọi trường ĐH đều đang cung cấp cho người học các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tự nhận là tương đương các mức trình độ chuẩn theo yêu cầu của đề án 2020.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp “đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ” được các chứng chỉ như trên xác nhận ngày càng nhiều, nhưng sự kêu ca của các nhà tuyển dụng và thị trường lao động về trình độ ngoại ngữ của thanh niên Việt Nam không hề giảm, nếu không muốn nói là tăng.

Có thể nói các chứng chỉ ngoại ngữ do các trường ĐH của Việt Nam cung cấp hiện hầu hết chỉ có giá trị như một thủ tục hành chính để có thể đóng dấu “qua cửa” cho sinh viên ra trường, không có mấy giá trị dưới mắt nhà tuyển dụng, thậm chí ngay cả trong mắt người được cấp chứng chỉ.

Thị trường cần gì?

Nhu cầu có các chứng chỉ có giá trị để làm bằng chứng cho năng lực ngoại ngữ của người được cấp là có thực và hoàn toàn chính đáng, đặc biệt ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng ngày nay.

Đó là lý do tại sao Việt Nam hiện không chỉ có các chứng chỉ quốc tế tồn tại lâu đời như TOEFL, TOEIC, IELTS, Cambridge exams mà còn có thêm Aptis, Pearson và hứa hẹn có thêm chứng chỉ của nhiều tổ chức khảo thí khác nữa, mặc dù chi phí lấy các chứng chỉ quốc tế thường cao hơn các chứng chỉ của Việt Nam, thậm chí cao gấp nhiều lần.

Chính vì vậy, công tác khảo thí ngoại ngữ đã được xác định như một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án 2020 thời gian tới, để có thể cung cấp cho người học giấy chứng nhận năng lực (tức các chứng chỉ ngoại ngữ) có chất lượng và được xã hội tin cậy.

Nhưng liệu chúng ta có thể làm tốt công tác này, hay lại sử dụng kinh phí công để tạo ra những sản phẩm “nội địa” bị tẩy chay ngay trên sân nhà và phải sử dụng đến các biện pháp hành chính, thậm chí quyền lực để ép mọi người sử dụng sản phẩm của Việt Nam?

Cụ thể hơn, một trung tâm khảo thí ngoại ngữ đạt yêu cầu quốc tế đúng nghĩa cần phải có những điều kiện gì và được vận hành như thế nào để tạo ra những sản phẩm (ở đây là các bài thi nhằm cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ) tốt?

Để trả lời câu hỏi này chỉ cần vào các trang web của một vài tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín như ETS (là tác giả, đồng thời là người sở hữu nhiều sản phẩm khảo thí, trong đó có TOEFL và TOEIC) hoặc Cambridge English (tác giả và người sở hữu hệ thống bài thi tiếng Anh như KET, PET, FCE, CAE, CPE, đồng thời là đồng sở hữu sản phẩm IELTS nổi tiếng thế giới).

Bỏ qua các chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển, cơ cấu quản trị và nguồn thu, chỉ xét riêng các yếu tố liên quan đến việc vận hành của các tổ chức này, ta đã có thể thấy ngay sự phức tạp khủng khiếp của hoạt động khảo thí như một ngành công nghiệp mang tính chuyên môn rất cao.

Chẳng hạn để xây dựng các sản phẩm của mình, ETS có đội ngũ hàng ngàn chuyên gia về đo lường giáo dục, chuyên gia phát triển bài thi, các nhà nghiên cứu giáo dục về nhiều mặt như nghiên cứu chính sách, chương trình, tác động xã hội của thi cử lên chất lượng giáo dục...

Tình hình cũng tương tự với các tổ chức khảo thí khác như Cambridge English Language Assessment hoặc British Council với sản phẩm khảo thí tiếng Anh Aptis, tuy chỉ mới tồn tại được vài năm (ra đời năm 2012) nhưng đang rất được ưa chuộng do giá cả mềm và chất lượng được bảo đảm nghiêm ngặt.

Tất cả các tổ chức khảo thí vừa nêu có rất nhiều điểm khác biệt cả về cơ cấu tổ chức, quy mô, thị phần, sản phẩm, chiến lược cạnh tranh và nguồn lực (nhân lực, tài lực). Tuy nhiên bất chấp những khác biệt nói trên, các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp này đều có những điểm giống nhau như sau:

- Thường độc lập với công tác đào tạo, tuyệt đối không tổ chức dạy hoặc viết tài liệu luyện các bài thi của chính mình. Điều này là cần thiết để bảo đảm sự khách quan, công bằng và giá trị của bài thi.

- Có các chuyên gia viết câu hỏi thi thường gồm: (1) Nhân sự cơ hữu của tổ chức khảo thí là những chuyên gia về nội dung của bài thi, những người này nắm những vị trí chủ chốt như trưởng nhóm, trưởng bộ phận chuyên môn; số lượng không cần quá nhiều.

(2) Những nhân sự hợp đồng, không nhất thiết phải là giáo viên môn học nhưng phải được huấn luyện để viết câu hỏi thi phù hợp mục đích, trình độ và đối tượng của kỳ thi. Đây là lực lượng đông đảo nhất.

- Có bộ phận nghiên cứu và phát triển với các chuyên gia về khảo thí và nghiên cứu giáo dục, đặc biệt là các phương pháp định lượng. Bộ phận này chuyên nghiên cứu nhu cầu nhằm thiết kế các bài thi phù hợp và đảm bảo chất lượng quy trình xây dựng bài thi.

Đây chính là linh hồn của một tổ chức khảo thí; chính họ là người tạo nên chất lượng, thương hiệu và giá trị của bài thi.

- Có bộ phận kỹ thuật nhằm thực hiện phân tích số liệu sau khi thi để tìm hiểu những điểm bất thường, sai sót hoặc khả năng tạo sự thiên vị trong bài thi.

Các số liệu này được cung cấp kịp thời đến hai bộ phận nêu trên (chuyên gia viết câu hỏi thi và bộ phận nghiên cứu và phát triển) như những thông tin phản hồi cần thiết để thực hiện những điều chỉnh nhằm bảo đảm chất lượng của bài thi.

- Thông tin về bài thi (hình thức, cấu trúc, số lượng câu hỏi, thời gian làm bài, mục đích bài thi, đối tượng sử dụng...) và số liệu thống kê kết quả của các kỳ thi trước đó cùng những thông tin cơ bản về thí sinh (giới tính, dân tộc, độ tuổi, trình độ học vấn...) phải được cung cấp rộng rãi đến mọi người, tạo điều kiện cho sự giám sát của toàn xã hội đối với kết quả thi cử nhằm bảo đảm niềm tin của người sử dụng đối với các chứng chỉ được cấp.

Tất cả đặc điểm trên có thể tóm gọn trong 4 từ: độc lập, khách quan, chuyên nghiệp, minh bạch.

Nền móng ở đâu?

Khi áp dụng 4 đặc điểm nói trên vào các trung tâm khảo thí ngoại ngữ của Việt Nam, cụ thể là hai trung tâm thuộc hai ĐH quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM, có thể thấy rõ khoảng cách rất lớn trong hoạt động khảo thí của Việt Nam so với thế giới hiện nay.

Thông tin đầy đủ nhất mà hai trung tâm khảo thí này cung cấp là... lịch thi và cách đăng ký thi, còn các thông tin khác có rất ít hoặc không có.

Tuy nhiên, khi so sánh giữa Trung tâm khảo thí của ĐHQG Hà Nội với bài thi VSTEP (bậc 3-5) và Trung tâm khảo thí tiếng Anh của ĐHQG TP.HCM với bài thi VNU-EPT dựa trên chính các thông tin trên trang web của hai nơi này, có thể thấy mặc dù còn rất sơ sài nhưng sản phẩm VSTEP cũng đã chứng tỏ có hiểu biết những yêu cầu về tính chuyên nghiệp cần có và thực hiện được một vài hoạt động cơ bản (có đội ngũ chuyên gia thiết kế bài thi, có công bố minh bạch báo cáo xây dựng định dạng đề thi, có những thông tin về hoạt động chuyên môn như tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn khảo thí cho giảng viên, có nhiệm vụ nghiên cứu dù chưa thấy có các sản phẩm nghiên cứu, có ý thức kết nối với các tổ chức khảo thí và chuyên gia khảo thí quốc tế dù hoàn toàn không có thông tin).

Trong khi đó, hoàn toàn không thể tìm được các căn cứ khoa học để xây dựng định dạng bài thi VNU-EPT của Trung tâm khảo thí tiếng Anh thuộc ĐHQG TP.HCM, cũng không thể giải thích tại sao các điểm số của VNU-EPT lại có thể quy tương đương với các bài thi quốc tế khác và quy đổi sang khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Đó là chưa kể sự tương đương về điểm số giữa các bài thi quốc tế trong bảng so sánh với VNU-EPT cũng có những sai lệch với các bảng tương đương do chính các tổ chức quốc tế cung cấp dựa trên những nghiên cứu họ đã công bố rộng rãi.

Một điểm rất đáng lưu ý nữa là trên trang web VNU-EPT không chỉ có thông tin về các kỳ thi, mà còn giới thiệu cả việc... luyện thi VNU-EPT với một danh sách các địa điểm luyện thi - điều tối kỵ đối với một trung tâm khảo thí chuyên nghiệp vì vi phạm các nguyên tắc độc lập, khách quan đã nêu ở trên.

Có thể kết luận gì qua những quan sát trên? Có lẽ chỉ hai điều sau đây: nếu trung tâm khảo thí của một ĐH tầm cỡ quốc gia mà vẫn chỉ ở tầm một trung tâm đăng ký và tổ chức thi như được mô tả ở phần trên, thì chẳng có gì lạ nếu như các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ do các trường ĐH của Việt Nam cung cấp không hề có chút giá trị gì dưới mắt các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các nhà tuyển dụng quốc tế.

Điều này cũng cho thấy việc xây dựng một hệ thống khảo thí ngoại ngữ chuyên nghiệp cho Việt Nam còn là đường dài vạn dặm, chắc chắn vượt quá thời hạn của đề án 2020, nhưng những bước đầu tiên để đặt nền móng cho hệ thống ấy cần được thực hiện ngay bây giờ và có lẽ là ưu tiên cấp bách nhất để tạo ra những tác động tích cực cho việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận