Để hiểu chính sách của ông Trump

NGUYỄN VẠN PHÚ 20/03/2018 05:03 GMT+7

TTCT - Rất có khả năng thế giới sẽ đi vào một giai đoạn căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài, thỉnh thoảng bùng lên xung đột vì thuế hay rào cản cho một sản phẩm cụ thể nào đó. Tức sẽ không có chiến tranh thương mại nhưng cũng chẳng có thương mại trong hòa bình.

Một làn sóng bảo hộ thương mại mới đang đe dọa thương mại toàn cầu?. Ảnh: steelavailable.com
Một làn sóng bảo hộ thương mại mới đang đe dọa thương mại toàn cầu?. Ảnh: steelavailable.com

 

Nếu chỉ đọc các dòng Tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ta sẽ không thể nào hiểu được vì sao ông ta có thể có quan điểm lạ kỳ như thế về thương mại thế giới.

Ví dụ mới đây nhất trước khi chính thức công bố mức thuế mang tính trừng phạt đối với thép và nhôm nhập khẩu, ông viết trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng” rồi cho ví dụ: “Khi chúng ta hụt 100 tỉ đôla với một nước nào đó rồi họ chảnh chọe thì đừng buôn bán với họ nữa - chúng ta thắng lớn. Dễ quá!”. Sau đó ông Trump còn viết: “Nếu ta không có thép, ta không có quốc gia!”.

Một thương vụ điển hình

Chẳng lạ gì hầu như các nhà kinh tế trên thế giới đều lớn tiếng chê bai chính sách bảo hộ kiểu cũ của ông Trump. Lập luận thường thấy nhất là thuế đánh lên nhôm, thép sẽ làm giá thành các sản phẩm sử dụng nhôm, thép từ ôtô đến lon bia tăng cao, tác động lên sức mua của dân Mỹ.

Hàng bán không được sẽ dẫn tới thất nghiệp, nhà máy đóng cửa - tác động tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế còn lớn gấp bội lần những hiệu ứng tích cực tạm thời cho ngành sản xuất thép ở Mỹ.

Ngay cả những chính khách cùng Đảng Cộng hòa với ông Trump cũng phản đối như Thượng nghị sĩ Rand Paul cho rằng thuế đánh lên thép, “thực chất là thuế đánh lên người tiêu dùng”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Paul Ryan nói: “Khi ta áp thuế, miếng bánh sẽ nhỏ đi cho mọi người”.

Báo chí Mỹ, cũng như báo chí Việt Nam, mời các thầy giáo kinh tế lên giảng vì sao chính sách thuế của ông Trump là sai lầm. Một thầy ở Kentucky cho ví dụ thuế đánh lên thép và nhôm sẽ làm máy giặt đắt hơn, thoạt tiên người tiêu dùng có thể không để ý khi mua máy giặt họ phải bỏ thêm 100 đôla nhưng 100 đôla này không tiêu ở chỗ khác nữa nên nhà hàng, tiệm tạp hóa... đều bị ảnh hưởng bởi thuế nhôm thép.

Nhưng chẳng lẽ Tổng thống Trump và bộ sậu cố vấn kinh tế của ông không biết điều sơ đẳng này hay sao? Nên nhớ ông Donald Trump trước khi làm tổng thống đã là nhà kinh doanh kỳ cựu. Mọi chuyện đối với ông là “thương vụ”, là “mặc cả” bằng các đòn bẩy anh có trong tay.

Rõ ràng nhìn lại, chính sách thuế đánh lên thép và nhôm của ông là một đòn mặc cả hơn là chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Với cử tri là công nhân thép, ông Trump nhấn mạnh nỗi đau khi thấy nhiều nhà máy thép phải đóng cửa vì thép nhập khẩu được các nước trợ giá rồi bóp méo tỉ giá để tràn ngập thị trường Mỹ. Ông hứa hẹn sẽ nhanh chóng tạo lập sân chơi bình đẳng mới, nhà máy thép Mỹ sẽ tuyển thêm công nhân và mọi người sẽ rất hài lòng.

Nhưng ngay trong tuyên bố áp thuế thép và nhôm, Tổng thống Donald Trump dành ra hai ngoại lệ cực lớn: không áp thuế thép, nhôm nhập từ Canada và Mexico!

Nếu thực lòng thực thi lời hứa với công nhân thép thì lẽ ra ông ta phải nhắm ngay đến Canada, hiện là nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ; Mexico cũng đứng thứ 4 chứ đâu phải ít. Thế nhưng với hai nước này, Mỹ đang ráo riết tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (NAFTA); thò ra chiêu thức miễn trừ này, Mỹ trông chờ hai nước kia đáp trả bằng một số nhượng bộ nào đó. Với ông Trump, vậy là đã đạt mục đích ông muốn nhắm tới.

Việc sử dụng chính sách thuế như một công cụ mặc cả được chính ông Trump thừa nhận ở lễ công bố chính thức. Ông nói ông sẽ dành quyền nâng hay hạ thuế đánh lên thép và nhôm tùy từng nước cũng như quyền rút nước này ra, bổ sung nước kia vào danh sách chịu thuế.

Giả thử ông Trump áp dụng một mức thuế đồng nhất 25% cho thép và 10% cho nhôm với tất cả các nước, đây có thể là sự khơi mào cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, liên quan đến hết thảy các nước. Nhưng chỉ bằng một tuyên bố như trên, cuộc chiến thương mại sẽ biến thành các cuộc thương lượng, mặc cả riêng lẻ giữa Mỹ và từng nước xuất khẩu mà không ai dám đứng ngoài vì sợ thua thiệt.

Thử hỏi nay Canada và Mexico có còn tuyên bố trả đũa Mỹ, có còn đòi kiện Mỹ ra WTO nữa không?

Sẽ không có thương mại trong hòa bình

Ngoài Canada và Mexico, trước mắt ông Trump còn hứa hẹn sẽ xem xét miễn thuế cho Úc vì “chúng ta có quan hệ gần gũi với Úc. Chúng ta đang có thặng dư thương mại với Úc. Một nước tốt, một đối tác lâu dài” - ông nói. Ông còn nói các nước khác cứ thương thảo với đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer nếu họ muốn dàn xếp để khỏi bị đánh thuế.

Tờ The New York Times suy đoán EU và Hàn Quốc cũng có thể chớp lấy cơ hội này, đưa ra một số nhượng bộ nào đó để khỏi bị áp thuế.

Tuy nhiên đừng trông chờ vào các cuộc mặc cả kín đáo, theo kiểu có đi có lại với ông Donald Trump; ông ta sẽ tung hê lên Twitter ngay một cuộc dàn xếp nào có lợi cho ông hay có thể dùng để khoe với dân Mỹ rồi tiếp tục dùng nó để trả giá với một nước khác.

Marina Whitman, giáo sư kinh doanh và chính sách công của Trường đại học Michigan, nhận xét: “Như thường thấy, Tổng thống Trump khởi đầu bằng quan điểm cực đoan rồi sau đó theo thời gian mà điều chỉnh [cho phù hợp]. Tuy nhiên, cách làm này thì giới kinh doanh chấp nhận được, còn giới chính khách đại diện cho cả một quốc gia có chịu không là một điều khác vì nói cho cùng, chẳng khác gì kiểu rung cây nhát khỉ”.

Chính vì hoàn cảnh này mà The New York Times bình luận rất có khả năng thế giới sẽ đi vào một giai đoạn căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài, thỉnh thoảng bùng lên xung đột vì thuế hay rào cản cho một sản phẩm cụ thể nào đó. Tức sẽ không có chiến tranh thương mại nhưng cũng chẳng có thương mại trong hòa bình.■

Những con số biết nói

Thép nhập khẩu của Mỹ chiếm khoảng 1/3 thép sử dụng trong nước, và khoảng 7% tổng kim ngạch thép thương mại toàn cầu. Theo Bộ Thương mại Mỹ, mức thuế 24% như đề xuất sẽ khiến lượng thép nhập vào Mỹ giảm 1/3, tương đương với 1/10 nhu cầu thép trong cả nước.

Một phân tích của Trade Partnership, một cơ quan tư vấn, nói giá thép và nhôm tăng bởi thuế trong ngắn hạn sẽ tạo ra 33.000 việc làm trong các ngành sản xuất những kim loại này, nhưng lại khiến nước Mỹ mất đi 179.000 việc làm trong các ngành phụ thuộc vào nguyên liệu là thép và nhôm.

Tuy nhiên, tính bối cảnh cả nền kinh tế thì các con số không quá lớn: trong năm 2017, Mỹ đã tạo ra thêm 2 triệu việc làm thuần (tức tổng số việc làm tạo ra trừ số việc làm mất đi). Với quy mô của nền kinh tế Mỹ, thì chi phí trực tiếp của các khoản thuế là không đáng kể. Một nghiên cứu chính thức của Quỹ Tổng thống Bush cho thấy ảnh hưởng lên GDP của Mỹ chỉ là 30 triệu USD (0,0003%).

Tuy nhiên, mối nguy với Mỹ là các tác động gián tiếp: lớp thứ hai và lớp thứ ba. Các nước khác nhiều khả năng sẽ trả đũa, khiến hàng hóa Mỹ khó tiếp cận những thị trường trên toàn thế giới.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là về Canada và Mexico, hai bạn hàng vào loại lớn nhất của ngoại thương Mỹ. Năm 2016, Canada bán 88% lượng thép xuất khẩu cho Mỹ, còn Mexico là 73%. Liên minh châu Âu (EU), trong khi đó, là đối tác thương mại bán nhiều thép nhất cho Mỹ tính về khối lượng và giá trị. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, EU đã lên một danh sách hàng nhập khẩu Mỹ sẽ bị đánh thuế “trả đũa” 25%, với tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này vào EU là 3,5 tỉ USD. H.M.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận