TTCT - Giải ngân đầu tư công 2 tháng cuối năm bằng 10 tháng đầu năm. Con số đó nói lên điều gì? Độ lệch giữa kế hoạch và thực tế chi ngân sách toàn cầu giai đoạn 2010-2021. Nguồn: WBTính đến hết ngày 19-10, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 24.199 tỉ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao cho cả năm 2023.Trong tháng 11, UBND TP.HCM đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm nay.Đến ngày 21-12, theo thông tin từ trang tin điện tử của Đảng bộ TP.HCM, dự kiến cuối năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt hơn 48.500 tỉ đồng, nghĩa là tăng hơn gấp đôi so với mức giải ngân của 10 tháng đầu năm.Con số 48.500 tỉ đồng này vẫn thấp hơn xa so với mức 70.000 tỉ đồng mà trung ương giao cho TP.HCM theo kế hoạch. Nghĩa là mục tiêu giải ngân đạt 95% sẽ không thành công, nhưng cũng có thể đạt được 70%. Điều đáng nói là chỉ trong chưa đầy 2 tháng mà TP.HCM đạt được thành quả tương đương trong 10 tháng trước.Có mấy câu hỏi được đặt ra ở đây. Thứ nhất, giải ngân được gần 70% là tốt hay không tốt? Thứ hai, vì sao giải ngân mấy năm gần đây luôn thấp? Thứ ba, làm sao để bớt "chạy nước rút" vào dịp cuối năm?Đạt 70% là tốt hay không tốt?Thật ra thực tế giải ngân lệch so với kế hoạch là chuyện tất yếu sẽ xảy ra trong toàn bộ quá trình lập kế hoạch chi tiêu ngân sách, nước nào cũng vậy. Một thước đo mà các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu sử dụng để đánh giá và so sánh mức độ hiệu quả của thực thi chi tiêu công là mức lệch của chi ngân sách so với phần ngân sách đã được lên kế hoạch.Theo một đồ thị tính bình quân độ lệch giữa ngân sách được lập với ngân sách chi tiêu thực tế mà Ngân hàng Thế giới (WB) thu thập cho giai đoạn 2010-2021, thì Việt Nam cũng không thuộc hàng quá tốt hay quá tệ. Chúng ta duy trì độ lệch 5-10% so với ngân sách đặt ra trong thập niên trước. Ở một số nước, ngân sách chi tiêu thực tế còn lệch hơn 15% so với kế hoạch. Tuy nhiên, nếu chỉ tính vài năm gần đây thì Việt Nam lại gặp vấn đề: giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 chỉ đạt 67,27% kế hoạch, nhiều khả năng năm nay có cải thiện, nhưng cũng sẽ có khoảng cách đáng kể so với mục tiêu.Có một điểm rất quan trọng để nói đến ở đây. Đó là cách làm của nhiều nước mà tôi được biết thông qua tiếp xúc với người làm nghiên cứu về ngân sách như ở Úc và Anh: họ lên kế hoạch, rồi cuối năm so sánh chi tiêu thực tế, có quy trình soát xét và chuẩn y, thế thôi. Tôi không thấy người ta có "phong trào chạy nước rút" để xài tiền như ở Việt Nam. Kế hoạch không đạt thì tìm hiểu nguyên nhân, là do lập kế hoạch quá xa rời thực tế, hay do trục trặc khâu nào trong giải ngân, hay các dự án bị đình trệ (điều thường xuyên diễn ra). Rồi sau đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho năm sau.Thước đo lệch bao nhiêu so với ngân sách để đánh giá hiệu quả và xác định đâu là nơi cần quan tâm cải thiện, không phải để dùng để chạy chỉ tiêu. Vì nếu ai cũng chạy chỉ tiêu, đạt 99-100% kế hoạch ngân sách bằng cách này hay cách khác thì những thước đo đó không còn giá trị gì nữa.Vì vậy, con số đạt 35% hay 70% của TP.HCM không phải tốt hay xấu, mà là một thước đo để chỉ ra rằng có vấn đề cần điều chỉnh và cần quan tâm đến tất cả các khâu về lập kế hoạch lẫn giải ngân. Tất nhiên nếu nhìn ở khía cạnh đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thì nó không quá tốt vì tăng trưởng GDP sẽ liên quan mật thiết đến con số chi đầu tư trong nền kinh tế. Nhưng tôi lại muốn đặt ngược vấn đề là tại sao chúng ta lại phải quá quan tâm đến một con số GDP trong ngắn hạn của một năm? Điều chúng ta nên quan tâm phải là làm sao đạt được mức tăng trưởng tiềm năng và bền vững trong dài hạn, chứ không phải một chỉ tiêu ngắn hạn.Nếu đặt góc nhìn như vậy, thì sẽ bớt đi các sức ép về chạy nước rút giải ngân và dành thời gian, công sức để phân tích nguyên nhân, tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên do nhiều sức ép, chính quyền TP.HCM lại phải phát động chạy nước rút giải ngân. Đây là sự khác biệt với cách làm ở những nước mà tôi biết kể trên.Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta dị biệt. Chúng ta đơn giản là có khác với một số nước, và chắc chắn sẽ giống với một số nước khác có cùng hệ thống khuyến khích và thưởng phạt với công chức trong chuyện giải ngân đầu tư công. Ví dụ, trong câu chuyện của TP.HCM, theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, giải ngân đầu tư công dưới 80%, thủ trưởng sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm. Mà những áp lực lên TP.HCM chắc là phải đi từ một động lực thưởng phạt cao hơn từ phía trung ương.Câu hỏi cần đặt ra là, hệ thống khuyến khích và thưởng phạt đó có hợp lý không? Vì sao cần "ép chạy nước rút" trong khi câu chuyện nên tập trung giải quyết hai câu hỏi khác, căn cơ hơn, là "vì sao giải ngân mấy năm gần đây luôn thấp", và "làm sao để bớt "chạy nước rút" vào dịp cuối năm".Ảnh: NY TimesVì sao "có tiền mà không tiêu được"?Câu chuyện "có tiền mà không tiêu được" nổi lên những năm gần đây và thường xuyên diễn ra tình trạng chạy nước rút đầu tư công cuối năm. Vì sao như vậy? Có thể thấy, đầu tiên là liên quan đến việc lập kế hoạch không sát thực tế, thứ hai là sự thiếu linh hoạt trong điều chỉnh chi tiền đã được lập kế hoạch.Lấy ví dụ một trường hợp của quận Gò Vấp sẽ thấy được nhiều điều. Trong các địa phương ở TP.HCM thì Gò Vấp là quận đạt tỉ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất, mức 99%. Đến cuối tháng 10, tỉ lệ giải ngân của địa phương này đạt khoảng 81%. Để đạt mức 99%, quận Gò Vấp kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận điều chỉnh vốn không thể giải ngân sang dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.Chia sẻ việc đạt kết quả này, ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch UBND quận Gò Vấp - lý giải về số vốn không thể giải ngân là do ban đầu đề xuất dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm. Quận đã rà soát số hộ bị ảnh hưởng, diện tích để lên dự toán vốn đầu tư công. Đến lúc TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư thì chính quyền quận mới bắt đầu quy trình kiểm đếm, đo đạc, lúc này phát sinh từng hộ diện tích đền bù đã giảm xuống so với thực tế. Do đó quận đề xuất giảm nguồn vốn đầu tư công được giao của năm 2023 với phần tiền bồi thường của đường Dương Quảng Hàm, chuyển nguồn tiền đó sang dự án rạch Xuyên Tâm.Trong trường hợp này, chúng ta thấy hai vấn đề. Một, lập kế hoạch lúc nào cũng có khác biệt so với thực tế. Thường trong quá trình lập kế hoạch, nhiều hoạt động thực tế chưa thể tiến hành nên con số chỉ là "đoán" trong khả năng tốt nhất. Chắc chắn sẽ có sai lệch. Hai, khi có sai lệch thì có thể tìm giải pháp điều chỉnh, mà trong trường hợp của quận Gò Vấp là điều chỉnh vốn không thể giải ngân sang dự án khác, miễn có lợi cho an sinh xã hội và nền kinh tế.Vấn đề là để điều chỉnh mục tiêu giải ngân thì phải có được sự linh hoạt cần thiết, có cán bộ dám làm và cấp trên dám điều chỉnh. Chung quy lại cũng nằm ở cơ chế. Cần có một cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có một khung pháp lý thoải mái hơn trong vấn đề điều chỉnh các mục tiêu chi ngân sách trên các địa bàn.Thế nhưng có một rào cản khác trong chuyện tưởng như "dễ" này. Đó là niềm tin. Trong một giai đoạn có nhiều đại án lớn về tham nhũng, về phê duyệt sai, về trục lợi chính sách, niềm tin đã xói mòn không ít và chắc chắn trong tâm trí những người giám sát trong Chính phủ, Đảng, và Quốc hội có sự lo ngại nhất định về những "điều chỉnh" như vậy. Và thế là sẽ xuất hiện những tầng nấc giám sát nhất định, trở thành tình trạng quá nhiều thủ tục và hạn chế. Rồi hệ quả là khó tiêu tiền, hay không dám mạnh tay tiêu tiền mấy tháng đầu năm. Chỉ đến khi bị thúc ép thì mới có chuyện chạy nước rút cuối năm.Những thảo luận ở trên chỉ ra rằng từ kế hoạch đến thực tế luôn có khoảng cách, và chuyện chi không đạt mục tiêu là bình thường. Cái bất thường là những pha nước rút thần tốc 2 tháng chi bằng 10 tháng rõ ràng cho thấy đang có những rào cản về cơ chế, hệ thống động lực tạo ra những chỗ tắc nghẽn trong chuyện chi tiền ngân sách.Những điều này cần được mổ xẻ một cách thẳng thắn để tránh những pha nước rút các năm sau. ■ "Cái bất thường là những pha nước rút thần tốc 2 tháng chi bằng 10 tháng rõ ràng cho thấy đang có những rào cản về cơ chế, hệ thống động lực tạo ra những chỗ tắc nghẽn trong chuyện chi tiền ngân sách. Tags: Đầu tư côngKế hoạch chi tiêuChi tiêu ngân sáchVốn đầu tưXài tiền
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài Truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.