Đây là chứng của viêm da cơ địa dị ứng, có thể gặp ở nhiều vị trí da khác nhau, nhưng rõ nhất là ở các đầu ngón tay, chân, gót chân. Vùng bàn tay, bàn chân bị á sừng thường khô ráp, tróc da, nứt nẻ ở rìa gót chân và đầu các ngón. Nếu không giữ gìn vệ sinh, người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát gây sưng tấy. Chứng á sừng không nguy hại đến sức khỏe, nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày; làm việc, đi lại khó khăn.
Mùa đông, khí hậu khô hanh làm cho chứng á sừng càng nặng lên. Còn mùa hè, triệu chứng này giảm, thậm chí khỏi hẳn, nhưng mùa đông năm sau lại tái phát.
Nguyên nhân gây chứng á sừng
Về căn sinh bệnh học, đến nay các nhà da liễu học xác định nguyên nhân gây chứng á sừng là do yếu tố di truyền trong gia đình về cơ địa dị ứng và môi trường tác động qua lại lẫn nhau.
Chứng á sừng không lây nhiễm, thường gặp ở các nhân viên nhà hàng, đầu bếp, người nội trợ, y tá, hộ lý (vì thường xuyên phải tiếp xúc với chất tẩy rửa, dầu mỡ, hoá chất, cồn, nước sát khuẩn) và một số người thiếu vitamin...
Điều trị
Đây là một dạng viêm da cơ địa dị ứng nên mạn tính, rất dễ tái phát lại. Khi điều trị dứt điểm, chứng bệnh sẽ dần ổn định; nhưng nếu không tránh được các yếu tố nguy cơ, sẽ nhanh chóng tái phát và tình trạng bong tróc da ngày càng nặng hơn. Bởi vậy, để điều trị hiệu quả, người bị á sừng cần đến các chuyên khoa da liễu để khám, xét nghiệm, từ đó bác sĩ chỉ định các loại thuốc phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc vì thuốc điều trị bệnh da liễu có nhiều tác dụng phụ.
Phương pháp điều trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng, tạo sừng như axit salixilic, diprosalic. Cần kết hợp với thuốc kháng sinh tác động ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân nếu bị nhiễm khuẩn phụ; dùng các thuốc chống nấm nếu có nhiễm nấm...
Sau liệu trình điều trị bằng thuốc, quan trọng nhất phải tránh các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhanh tái phát, cụ thể như: tuyệt đối không bóc vẩy da, chà xát kỳ cọ quá mạnh bởi khi chà hết lớp vẩy bong, bạn có thể thấy da đỡ sần sùi, nhẵn hơn, nhưng thực tế càng làm tổn thương lớp sừng, khiến quá trình bong da sau đó còn mạnh mẽ hơn. Hạn chế tối đa tiếp xúc với nước. Sau khi rửa chân tay, cần dùng khăn lau khô, nhất là các kẽ tay, kẽ chân. Nếu tiếp xúc với nước nhiều càng tạo thuận lợi để lớp sừng bong vảy. Khi chế biến thức ăn, tránh tiếp xúc với mỡ, gia vị bằng cách đeo găng tay.
Không ngâm chân tay với nước muối vì nước muối sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô và nứt sẽ rộng, sâu hơn.
Hạn chế dùng xà phòng có độ tẩy mỡ cao ở tay, chân. Khi tiếp xúc với xà phòng, xăng dầu cần đeo găng bảo vệ.
Vào mùa đông nên đi tất, đi găng tay bằng chất liệu cotton sớm hơn người khác để bảo vệ lớp sừng ở lòng bàn tay, chân.
Tăng cường ăn rau quả tươi để có đủ vitamin cho cơ thể nói chung và lớp sừng nói riêng. Duy trì thuốc giữ ẩm thường xuyên giúp tổn thương nhanh hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận