Tại Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) chung ngành nghề đã ngồi với nhau để thống nhất mang lại những chính sách đãi ngộ chung tốt hơn cho người lao động (NLĐ). Những bản thỏa ước lao động tập thể nhóm DN đầu tiên đang tạo ra những thay đổi để cả NLĐ và DN đều được lợi. Bản thỏa ước lao động tập thể mà nhóm doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng cùng ký là một liệu pháp để giữ chân người lao động-TRƯỜNG TRUNG. Sau hai năm thương thảo, đầu năm 2016, bốn DN du lịch tại Đà Nẵng gồm: Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP khách sạn Sài Gòn Tourane, Công ty TNHH du lịch - thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP du lịch Phương Đông Việt đã ngồi lại với đại diện của gần 1.000 NLĐ, trong đó 65% là lao động nữ, để cùng cam kết thực hiện những chính sách chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Đây là bản thỏa ước lao động tập thể nhóm DN hoàn thiện đầu tiên tại VN. Lợi ích cao hơn quy định chung Ông Hoàng Hữu Nghị, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng - trưởng nhóm thương lượng, cho biết trong số 24 điều khoản được ký kết của thỏa ước nhóm này thì có 12 nội dung NLĐ được lợi hơn so với quy định của pháp luật. Cụ thể: điều chỉnh mức lương thấp nhất trả cho NLĐ là 3.426.000 đồng/người/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm ít nhất 3,3%); tăng phụ cấp ăn ca từ 14.000 đồng/bữa lên 20.000 đồng; chế độ lễ tết thực hiện công khai với mức thấp nhất từ 500.000 - 2 triệu đồng... Cuối tháng 6-2016, năm DN điện tử Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) với gần 2.500 NLĐ cũng đã thương lượng, ký kết thành công bản thỏa ước lao động tập thể nhóm DN. Bà Phạm Thị Hằng, chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết quá trình xác lập thỏa ước rất nhiêu khê, trải qua hàng chục lượt gặp gỡ công nhân, DN với ba phiên thương lượng. Nhiều điều khoản về thời giờ làm việc, lương khởi điểm, phụ cấp đã nâng lên. “Công nhân có thêm một ngày nghỉ hè, 10 phút nghỉ ngắn giữa ca. Tiền lương ngừng việc theo quy định luật là 85% tăng lên 90%, tiền lương khởi điểm thấp nhất 3.745.000 đồng (cao hơn 345.000 đồng so với lương tối thiểu). Các khoản như tiền thưởng ngày 8-3, Tết Trung thu hay phụ cấp xăng xe 450.000 đồng/tháng đã được bổ sung khi trước đó DN chưa có hoặc phụ cấp xăng xe chỉ khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Tuy nhiên những gì trong thỏa ước chung chỉ là mức sàn, công ty nào đang thực hiện mức cao hơn thì phải tiếp tục duy trì” - bà Hằng nói. Anh Trần Hữu Lộc (Công ty CP du lịch Phương Đông Việt) cho biết bản thỏa ước mới ngoài tiền lương được tăng thì chính sách tăng lương hai năm một bậc (so với ba năm trước đây) khiến anh phấn chấn hơn. “Lâu nay với nhiều DN khối tư nhân, chỉ có quy định mức sàn thu nhập còn mức trần thì chưa có. Hầu hết NLĐ chỉ hưởng mức sàn, chỉ vài vị trí được hưởng mức trần. Thỏa ước nâng mức sàn lên, nhiều người được tăng thu nhập. Ngoài ra chúng tôi thấy được sự chia tính và đánh giá công sức lao động hợp lý hơn cũng như tạo được sự đồng thuận của nhiều bộ phận khác nhau. Với NLĐ làm công ăn lương, tăng vài phần trăm lương hoặc chính sách thưởng lễ tết, đột xuất kèm theo là sự khích lệ lớn để tạo thêm sự gắn bó với công ty” - anh Lộc cho biết. Những dấu hiệu tích cực Sau 6 tháng đặt bút ký vào bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours đã hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám” - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG. Chính sách tốt hơn đồng nghĩa chi phí đầu vào sẽ tăng. Theo ông Hoàng Hữu Nghị, chỉ riêng tiền chi cho việc điều chỉnh tăng lương theo cam kết trong thỏa ước, mỗi tháng bốn DN tốn thêm khoảng 1,4 tỉ đồng cho NLĐ. Giải thích lý do bỗng dưng muốn... tốn thêm tiền, ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc Công ty CP du lịch Việt Nam Vitours, chia sẻ bản thân DN khi làm ăn không ai muốn bỏ thêm tiền ở “đầu ra”, nhưng đối với những ngành, nghề phụ thuộc quá nhiều vào NLĐ thì việc thỏa ước để giữ chân cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ là cần thiết. “Bản thỏa ước này được chúng tôi xem như thông điệp với NLĐ rằng công ty có sự quan tâm đến họ hơn khi còn là DN nhà nước. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế bởi hiện nay “đầu não” của chúng tôi là ở Đà Nẵng, thị trường này phát triển quá nóng nên tình trạng nhân lực có trình độ, kinh nghiệm nhảy việc là có xảy ra. Với gần 500 nhân viên công ty cũng bị áp lực ghê gớm nên việc hành động, đãi ngộ tốt từ bây giờ là cần thiết” - ông Tùng nói. Mới triển khai được hơn nửa năm nhưng đã có những dấu hiệu tích cực đến với DN. Ông Tùng cho biết nếu như trong hai năm 2014 và 2015, công ty đều có những biến động trong nhân sự thì đầu năm 2016 đã hạn chế đáng kể. “Tất nhiên bản thỏa ước chỉ là một trong số các giải pháp, những con số như doanh thu sáu tháng đầu năm tăng hơn 30% hay con số biến động nhân sự ở một vài phần trăm chính là sự ổn định mà mọi DN cần có” - ông Tùng nói. Theo ông Trần Văn Ninh - phó giám đốc Công ty CP du lịch Phương Đông Việt, việc tham gia thỏa ước, thực hiện những cam kết có lợi hơn cho NLĐ là “chất xúc tác” khích lệ tinh thần, thái độ làm việc của NLĐ. Ông Ninh lý giải: “Ở một ngành công nghiệp nào đó thì tăng chi phí đầu vào đồng nghĩa với chi phí đầu ra tăng. Chi phí ấy do khách hàng trả, khi tăng lên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính cạnh tranh của DN. Nhưng đặc thù ngành du lịch không giống như các ngành, nghề khác bởi nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người và rất nhiều đầu mối khách hàng. Nếu chăm sóc tốt nhân viên, họ được khích lệ tinh thần nên thái độ làm việc của họ tốt. Họ chăm sóc khách hàng tận tình, làm khách hàng hài lòng thì giá cả công ty đưa ra có cao hơn một chút vẫn chấp nhận được. Thử đặt trường hợp ngược lại thì phía chịu thiệt đầu tiên chính là DN”.■ * Thêm 1.000 đồng tiền ăn cũng gian nan Thỏa ước lao động tập thể nhóm DN thuộc dự án Quan hệ lao động giai đoạn 2 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành, trọng tâm là thúc đẩy thương lượng tập thể đa DN hoặc đơn DN cùng ngành nghề, địa phương, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dưới sự điều phối, hỗ trợ của công đoàn cấp trên và sự phối hợp của các công đoàn cơ sở với nhau. Dự án triển khai tại năm địa phương (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai). Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay đã hoàn thành thương lượng tập thể nhóm và ký kết ba bản thỏa ước lao động tập thể nhóm gồm thỏa ước nhóm ngành du lịch của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, thỏa ước nhóm ngành may mặc của Liên đoàn Lao động Q.12 (TP.HCM) và thỏa ước nhóm ngành điện tử của công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng. Ông Nguyễn Phi Hổ, phó ban chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết TP đã vận động bốn DN ngành may ở Q.12 tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm DN và đã đạt được ba thỏa thuận về tiền thưởng (lương tháng 13), tiền ăn giữa ca và tiền hỗ trợ NLĐ hoàn thành tốt công việc, riêng chính sách tiền lương vẫn chưa đạt được đồng thuận. Theo ông, luật chưa quy định về thỏa ước lao động tập thể nhóm DN nên rất khó thuyết phục DN, họ có thể tham gia hoặc không. Việc tập hợp bốn DN ngồi lại đã rất khó khăn và việc kinh phí tăng khiến DN không thể đáp ứng. Có DN có tới 1.800 lao động, chỉ cần tăng 1.000 đồng tiền ăn giữa ca là chi phí một ngày tăng lên 1,8 triệu đồng, nhân lên hằng tháng, hằng năm chi phí rất lớn. * Lợi cả đôi bên Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết nguyên tắc quy định trong thỏa ước phải có lợi hơn so với quy định trước đó của DN. Đây cũng là loại thỏa ước mở, trong đó các DN cùng lĩnh vực chưa tham gia có thể đề nghị gia nhập thỏa ước và NLĐ ở các công ty mới gia nhập sẽ được hưởng lợi khi công ty điều chỉnh các chế độ còn thấp hơn so với thỏa ước lên mức ngang bằng. Bộ luật lao động quy định loại hình thỏa ước lao động tập thể, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước khác, chưa đề cập cụ thể đến thỏa ước lao động tập thể nhóm DN. Do đó, chưa có quy định mang tính pháp lý cho loại hình thỏa ước này. Theo ông Chính, việc các DN tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm sẽ tạo ra mặt bằng chung về thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và chủ DN hoạt động cùng một khu vực, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện các nước đang hướng đến thỏa ước lao động tập thể ngành, nhóm nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các DN cũng như các ngành, khu vực. Điều đó có lợi cho cả NLĐ và DN, một mặt giúp NLĐ cải thiện về lương và điều kiện làm việc, đồng thời giúp giảm tỉ lệ biến động lao động vì NLĐ sẽ ít có động cơ để chuyển từ DN này sang DN khác khi các điều kiện tương tự được áp dụng cho tất cả các DN. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì điều này sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của DN khi DN có sự ổn định nhất định. Tags: Thỏa ước nhóm doanh nghiệpGiữ chân người lao độngThỏa ước lao động
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.