10/12/2024 09:11 GMT+7

Để giờ học thực hành được an toàn

Một sinh viên Trường cao đẳng Đắk Lắk tử vong trong giờ học thực hành nối điện mới đây là lời cảnh báo về an toàn cho sinh viên khi thực hành các môn học.

Để giờ học thực hành được an toàn - Ảnh 1.

Sinh viên trong giờ thực hành của khoa công nghệ nhiệt - lạnh tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cần làm gì để đảm bảo an toàn cho sinh viên khi thực hành?

Nắm chắc các nguyên tắc an toàn

ThS Nguyễn Quốc Văn - trưởng khoa cơ khí Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết khoảng 70% thời gian học ở các trường nghề là thực hành. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho sinh viên khi thao tác với máy móc hay trong các nhà xưởng rất quan trọng.

Trước hết các thầy cô sẽ phải dạy sinh viên nắm chắc các quy tắc an toàn tổng quan khi thực hành như an toàn điện, cháy nổ, máy móc... Ngày đầu tiên đến xưởng, sinh viên sẽ được hướng dẫn một lần nữa về các quy tắc an toàn, đúng theo với điều kiện thực tiễn của từng xưởng.

Chẳng hạn trong các xưởng phây, tiện cơ khí..., sinh viên bắt buộc phải đeo kính bảo hộ và đội nón khi đang chạy máy, tránh trường hợp phôi có thể bắn vào mắt, tóc. Các sinh viên nữ sẽ phải búi tóc để hạn chế trường hợp tóc vướng vào máy đang chạy gây nguy hiểm. Các bạn bắt buộc đi giày khi vào xưởng để đảm bảo an toàn điện, sinh viên đi dép sẽ không được vào xưởng.

Khi thực hiện các thao tác khoan, tiện trên máy, các bạn không được đeo bao tay như nhiều ngành học khác nhằm giúp các bạn duy trì được phản xạ nghề nghiệp khi đang làm việc tốt hơn, nhất là khi có rủi ro sự cố xảy ra. Ngoài ra, các bạn không được mặc áo dài tay để tránh vướng víu máy móc.

Theo ông Văn, vì đối tượng đứng máy là sinh viên còn thiếu kinh nghiệm nên chắc chắn sẽ không thể 100% lúc nào các thao tác máy móc cũng đúng kỹ thuật. Do vậy, ông cho biết phần lớn máy móc của khoa cơ khí tại trường là sản phẩm được các hãng sản xuất dành riêng cho sinh viên.

Các hãng tính trước một số kịch bản cho những sự cố mà sinh viên có thể mắc phải khi thao tác cài đặt một số cơ chế an toàn tự phá vỡ để máy ngưng hoạt động ngay lập tức.

"Điều này giúp sinh viên có thêm một sự đảm bảo an toàn khi thực hành", ông Văn nói.

TS Đỗ Chí Phi, trưởng khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết các hệ thống thực hành điện trong xưởng đều được lắp các CB an toàn, khi có sự cố thì điện sẽ bị ngắt.

Mỗi máy thực hành lại có một công tắc điện riêng. Sinh viên chỉ được đóng điện khi giảng viên yêu cầu. Nếu tự ý đóng điện khi thực hành, sinh viên có thể bị điểm 0 ngay lập tức.

Không để sinh viên tự ý thực hành

ThS Nguyễn Hoàng Tiến, phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Sài Gòn, cho biết hiện nay hầu hết các khoa của trường mở rộng áp dụng giảng dạy theo xu hướng gắn thực hành với doanh nghiệp.

Trong các tiết học thực hành, sinh viên sẽ học trực tiếp tại doanh nghiệp và do giảng viên là thợ, chuyên gia trong doanh nghiệp đứng lớp. Vì vậy các quy tắc đảm bảo an toàn khi thực hành các em sẽ phải tuân thủ đúng theo xưởng làm việc của doanh nghiệp ấy.

ThS Hoàng Quốc Long - hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành - chia sẻ để đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hành trong trường nghề, một trong những vai trò quan trọng nhất thuộc về các giảng viên thực hành.

Chẳng hạn trước giờ thực hành, thầy cô sẽ phải là người kiểm tra toàn bộ các dụng cụ thực hành, hệ thống máy móc, đặc biệt là về điện. Trong lúc thực hành, thầy cô là người giám sát, hướng dẫn thêm cho các em về những tình huống có thể xảy ra, dứt khoát không được "để mặc" sinh viên tự ý thực hành.

Khi sinh viên thực hành xong, thầy cô cũng sẽ là người kiểm tra lại một lần nữa. Ví dụ trong các nội dung thực hành điện - điện tử, sinh viên sau khi hoàn thành bài làm của mình, muốn đóng điện thì cũng phải được sự cho phép của thầy cô. Trong nhiều nội dung thực hành khác có liên quan đến máy móc, sinh viên cũng chỉ được mở máy khi thầy cô cho phép.

"Việc tuân thủ các quy định khắt khe không chỉ hữu ích cho việc đảm bảo an toàn của các em, mà còn giúp các em xây dựng được tác phong công nghiệp cho mình khi đi làm thực tế sau này", thầy Long nói.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, một kỹ thuật viên điện - điện tử có gần 20 năm làm việc tại TP.HCM, dành lời khuyên cho sinh viên khi thực hành rằng trước hết phải hiểu được máy móc, trang thiết bị mà mình sẽ thao tác trên nó.

Muốn hiểu được, trước hết phải đọc hướng dẫn sử dụng. Ngày nay nhiều loại máy có ghi sẵn hướng dẫn sử dụng bên trên thân và đầu máy. Nếu không có, sinh viên cũng có thể dễ dàng tra cứu trên Google.

Tính toán khi có sự cố xảy ra

ThS Nguyễn Ngọc Thạnh - trưởng khoa cơ khí động lực Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết việc đảm bảo an toàn cho sinh viên thực hành nghề còn phải tính toán khi có sự cố xảy ra.

Chẳng hạn, sinh viên khi thực hành ô tô thường phải tiếp xúc với xăng, dầu nhờn, dầu phanh… Trong trường hợp chẳng may văng vào mắt, sinh viên cần được sơ cứu trước. Vì vậy, đặt gần ngay nơi xưởng thực hành của khoa là khu vực và các dụng cụ rửa mắt và các trang thiết bị sơ cứu khác để dự phòng tình huống xấu nhất.

Để giờ học thực hành được an toàn - Ảnh 2.Nổ bình thí nghiệm trong giờ thực hành, 5 học sinh bị thương

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân có thể do học sinh tự ý cho các chất tác dụng với nhau gây phản ứng cháy nổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên