​Để giáo viên không bị bạo hành

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TT - Ai trong chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng khi đọc những bài viết về tình trạng "giáo viên cũng bị bạo hành."

Cô Phạm Thị Thùy (TP.HCM) - một cô giáo cách giáo dục học sinh rất linh động và tràn đầy tình yêu thương
Cô Phạm Thị Thùy (TP.HCM) - một cô giáo cách giáo dục học sinh rất linh động và tràn đầy tình yêu thương

 LTS: Sau bài viết “Khi giáo viên cũng bị bạo hành” (Tuổi Trẻ 28-3) - do chính các giáo viên bày tỏ những tâm tư, tình cảm của mình khi bị bạo hành - Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm phản hồi. Để kết thúc vấn đề này, Tuổi Trẻ xin được trích đăng bài viết của hai tác giả Nguyễn Hoàng Chương và Trần Thành Nghĩa.

Ai trong chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng khi đọc bài viết nói trên, và càng buồn hơn khi đọc những bình luận của bạn đọc ngay dưới bài báo. Là một nhà giáo tôi có mấy chia sẻ:

Với nhà trường: Trường nào cũng muốn giữ nghiêm nội quy, kỷ luật. Nhà trường kỷ cương mà. Nhưng khi “hữu sự” lại giải quyết rất lúng túng. Học sinh yếu, hay nghỉ học, hỗn với thầy cô... đuổi ư?

Cứ chần chừ, nghĩ các em đã hư, giờ ra khỏi trường các em chắc sẽ hư hơn, nên lắm lúc không chỉ giáo viên mà cả lãnh đạo trường cũng... nhẹ tay! Thôi thì “còn nước còn tát” và giữ sao cho em đừng quậy phá là được. Chưa kể một số trường tư thục nếu đuổi học sinh thì... giảm thu!?

Nhà trường có vị thành tích không? Tỉ lệ học sinh bỏ học cao thì kẹt lắm. Rồi phải kể đến nhà trường mình hiện nay vẫn còn tình trạng lạm thu, trường đã thế còn về nhà là... tiền học thêm, “mua - bán” sòng phẳng nên hệ lụy là thầy cô mất thiêng trong suy nghĩ của học sinh.

Và rồi dạy - học, thi nặng nề về lý thuyết, áp đặt. Buồn hơn là có không ít điều thầy cô chỉ nói và học sinh ghi chép thôi, còn thầy cô không làm hoặc ít làm gương thật sự. Và thật lo lắng là học sinh biết được điều đó, vậy nên “sản phẩm” có khuyết tật thì trách ai bây giờ?

Chất lượng đầu vào các trường sư phạm những năm qua còn thấp, các trường CĐ sư phạm, trung học sư phạm ít có học sinh khá thi vào, học sinh giỏi chắc càng hiếm hoi hơn.

Chỗ đứng trang trọng của thầy cô trong tâm khảm của phụ huynh, học sinh bị... lung lay nhiều. Đã vậy đồng lương thấp, đời sống khó khăn nên thầy cô phải làm đủ nghề tay trái để xoay xở... Từ không tôn trọng dẫn đến bạo hành giáo viên khi có vấn đề chắc không xa.

Phụ huynh thì đa dạng: Không phải ai cũng cảm thông, thấu hiểu, tôn trọng thầy cô của con mình đâu! Muốn con hay chữ thì... quà đều đặn là được rồi và thực tế không ít trong số đó đã đạt được mục đích. Hình ảnh người thầy nhạt nhòa cũng từ đó mà ra.

Có học sinh cá biệt thì cũng có phụ huynh... cá biệt (tất nhiên không phải là tất cả). Giáo viên an phận thì ngại đụng chạm, còn nếu giáo viên mạnh tay xử lý thì nhận lại “khủng bố” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Học sinh thì sao? Nhà trường không có đủ “văcxin” để miễn nhiễm với những tác động từ bên ngoài vào học đường. Lại nữa đạo đức xuống cấp, lối sống ích kỷ, thực dụng khá phổ biến trong học sinh, nên bạo lực học đường, bạo hành cả với thầy cô cũng không có gì quá khó hiểu. Lo hơn, những học sinh ngoan thì không ít trong số đó chỉ biết học để... vinh thân.

Điều quan trọng bây giờ là làm gì và làm như thế nào?

Trước hết, tạo hành lang pháp lý cho sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương, các đoàn thể. Thực tế cho thấy nơi nào làm tốt sự phối hợp này thì những bất an trong nhà trường sẽ ít hoặc không xảy ra. Phụ huynh, học sinh cá biệt có thể họ không ngại nhà trường, nhưng còn chính quyền, đoàn thể, bà con lối xóm thì họ không thể phớt lờ.

Hai, thầy cô dạy giỏi, yêu thương học sinh, biết tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống luôn là sự lựa chọn của phụ huynh, học sinh. Được tín nhiệm, trân trọng thì khó mà bị... bạo hành. Và quan trọng hơn là thầy cô hãy đối xử công bằng với học sinh.

Ba, nhà trường cần minh bạch mọi hoạt động, xây dựng nội bộ đoàn kết. Một nhà trường năng động, thân thiện sẽ không có đất để bạo lực học đường, bạo hành giáo viên tồn tại. Chớ lạm thu và hãy sử dụng đồng tiền đóng góp của phụ huynh tiết kiệm, đúng mục đích.

Thầy cô và học sinh phải luôn là trọng tâm mọi hoạt động trong trường. Nhà trường lắng nghe nguyện vọng và giải quyết nhanh chóng đi kèm với việc quan tâm đến thầy cô và học sinh khó khăn (mọi ấm ức thường bắt đầu từ đây!).

Trong lúc chờ những thay đổi lớn, thiết nghĩ những việc làm nêu trên sẽ góp phần quan trọng mang lại sự bình yên trong học đường, điều mà ai cũng mong đợi.

Trái ngọt, trái đắng

Vài ba năm trở lại đây, giáo viên bỗng trở nên mất giá.

Hầu như chuyện gì có liên quan đến giáo dục, nói tới nói lui cuối cùng giáo viên cũng bị...lãnh đủ. Học sinh đánh nhau, giáo viên bị đình chỉ công tác. Học sinh nghỉ học, giáo viên mà đi vận động không được, tại giáo viên làm công tác chủ nhiệm không tốt.

Học sinh lười học, tại giáo viên không chịu đổi mới phương pháp giảng dạy. La rầy học sinh, đụng chạm đến thân thể học sinh là vi phạm Luật giáo dục. Đánh học sinh một roi phụ huynh nổi giận. Chưa bao giờ “chén cơm” của giáo viên bị đe dọa như bây giờ.

Rất nhiều giáo viên có tâm huyết với ngành, với nghề nhưng vì “cơ chế” đã vậy phải cắn răng chịu hoặc làm ngơ, giả điếc mà lương tâm không yên. Đứng trên bục giảng, chẳng giáo viên nào lại không mong muốn học trò mình ngoan, học trò mình giỏi.

Nhưng giờ đây thấy học trò có thái độ học tập không tốt, đạo đức xuống cấp, không dám la rầy vì sợ học trò nổi hứng nghỉ học luôn. Khi đi vận động có chính quyền địa phương, cán bộ phòng GD-ĐT đi theo. Đến nhà hỏi lý do vì sao bỏ học, nhiều học sinh “chơi ác” nói tại thầy kia mắng chửi, cô kia dạy không hiểu xem như... giáo viên tiêu tùng!

Giáo viên phần lớn cũng muốn yên thân, có ý kiến gì bức xúc trong cuộc họp cũng không dám nói thật, nói thẳng sợ mình bị cấp trên “đánh dấu”. Thành ra nhiều người cũng an phận, để con thuyền giáo dục trôi đi đâu cũng mặc.

Cấp quản lý thường đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao?”. Ví dụ như tại sao thái độ học tập của học sinh kém? Tại sao học sinh đánh nhau? Tại sao đạo đức học sinh xuống cấp? Đáp án của những câu hỏi tại sao ấy là: do giáo viên.

Ít ai nghĩ cơ chế quản lý giáo dục ngày nay không có giải pháp cho chương trình học tập mang tính ổn định lâu dài. Cải cách liên tục, cái mới chưa áp dụng hiệu quả, cái mới khác nối tiếp nhau ra đời.

Bên cạnh đó, những quy định, quy chế đã vô hiệu hóa quyền hạn của giáo viên, khiến giáo viên “bị trói” trong vấn đề giáo dục đạo đức học sinh. Học sinh ngày nay có rất nhiều quyền mà giáo viên không dám “rớ” tới.

Trong giáo dục, đội ngũ giáo viên rất quan trọng. Khi họ làm nên “trái ngọt” nhiều người cùng hưởng, khi có “trái đắng” họ nhận về phần thiệt thòi...

TRẦN THÀNH NGHĨA

 

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên