Như vậy, "Đã uống rượu bia - không lái xe" (gọi tắt là "Đã - Không") không còn là khẩu hiệu vốn chỉ nghiêm khắc với tài xế ôtô, nay áp dụng cho cả người lái xe máy. Nếu thực hiện nghiêm, đó thật sự là "xáo trộn" khi nhiều người phải thay đổi thói quen cũ.
Cuộc sống người Việt gắn liền với xe máy. Lâu nay luật cho phép người lái xe máy uống bia rượu nhưng không được vượt nồng độ cồn theo quy định, từ đó hình thành thói quen uống rồi vẫn lái xe. Luật mới không cho phép giữ thói quen này.
Nhưng thói quen không thể thay đổi trong một vài tháng. Sau giờ làm về thẳng nhà, không ghé quán nhậu chỉ vì lý do uống rồi ai đưa về, xe máy bỏ đâu? Thật khó. Hay tan tiệc cưới, tiệc sinh nhật... các ông đã "sương sương", còn các chị và cánh xe ôm "để em đưa anh về...!".
Chẳng mấy ai làm như vậy. Nhậu vẫn lái xe, quán nhậu cứ thế mọc lên ở mọi nơi...
Rồi đây các quán nhậu, nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện không còn phải đau đầu tìm chỗ giữ xe cho thực khách. Nhưng họ phải tìm kiếm, tổ chức xe ôm, taxi đưa khách đã uống rượu bia về nhà.
Nhà sản xuất rượu bia, quán nhậu cũng sẽ có "sáng kiến" để khách hàng thoải mái nhậu, không còn lo chuyện đường về. Nhưng dù sáng kiến cao siêu đến đâu cũng khó giảm hết phiền toái xảy ra với dân nhậu khi không còn được cầm lái sau lai rai.
Liệu có còn duy trì được thời hoàng kim khi mở quán nhậu bởi lúc nào cũng đông khách? Sau này kinh doanh của nhà hàng, quán nhậu có bị ảnh hưởng?
Dân nhậu và người kinh doanh đang nghe ngóng xem điều luật "Đã - Không" được thực thi nghiêm hay lại như quy định "Cấm hút thuốc nơi công cộng" - cấm mà như không bởi chẳng phạt được mấy ai.
Có cơ sở để tin rằng điều luật "Đã - Không" này không có số phận như vậy. Bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải "thiết tha", quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" mới thành điều luật.
Bởi xã hội bức xúc khi có quá nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng do rượu bia nhưng hạn chế rượu bia lại vô cùng khó khăn. Rồi dư luận cũng nói về sức mạnh của các doanh nghiệp rượu bia và chặng đường đầy gian truân của Luật phòng chống tác hại rượu bia...
Vì thế trong thời gian chờ luật có hiệu lực, cần phải "giữ lửa" bằng cách tuyên truyền thật kỹ, chuẩn bị chu đáo, triển khai mạnh mẽ, thuyết phục để điều luật "Đã - Không" đi vào cuộc sống. Chính quá trình chuẩn bị này sẽ có tác dụng hình thành thói quen "để em đưa anh về" ngay từ khi luật chưa có hiệu lực.
Để mọi người tin rằng không có gì lay chuyển được quyết tâm hạn chế rượu bia nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông. Đã uống rượu bia - Không lái xe. Đã ban hành luật - phải thực hiện nghiêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận