Hình ảnh thường thấy ở nhiều ngã tư đường tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta là lòng nhân ái: thương người. Không ai có thể làm ngơ trước một người biến dạng thân thể: miệng méo xệch, tay chân nổi những nốt sần sùi, run lẩy bẫy… đang cầu xin một vài đồng bạc lẻ.
Thế là không ít người cầm những tờ giấy bạc 2.000 - 5.000 đồng để làm một nghĩa cử nhân đạo, từ thiện.
Khi ta cho một người nào cái gì khi họ ở trong hoàn cảnh bất hạnh thì ngoài việc giúp đỡ họ vượt qua khó khăn nó còn làm cho ta được vui vẻ hạnh phúc.
Tuy nhiên ngoài ý nghĩa nhân văn đó, trên bình diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… vấn đề thật không thuần túy đơn giản như vậy.
Thêm vào đó, mặt trái của vấn đề là có kẻ lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái của con người để hưởng lợi, thậm chí chúng còn nhẫn tâm tổ chức chăn dắt người già lẫn trẻ em để trục lợi một cách vô nhân đạo.
Trước đây, báo chí đã phanh phui nhiều vụ ăn xin giả: giả nhà sư, giả tàn tật như cụt tay, chân, giả bệnh nan y như phong cùi, lở loét toàn thân.
Người viết bài này có người bạn hiện là chủ một số căn hộ cho toàn là đối tượng "ăn xin giả" thuê ở quận Tân Phú TP.HCM.
Anh cho biết, thủ đoạn của bọn này là chúng xuống xe khi gần tới điểm ăn xin, sau đó dùng một số hóa chất làm cho mặt mũi, tay, chân, da bị biến dạng trông rất tội nghiệp và thế là chúng "đủ điều kiện" để ăn xin nhiều điểm trong 24 quận, huyện TP.
Tùy theo nơi, cũng như số tiền mà chúng thu được nhiều hay ít, chúng điện thoại cho người chở đi ăn xin tiếp nơi khác hoặc về nhà trọ.
Trong một xã hội tiến bộ không thể có những người ăn xin, ăn xin thật cũng như giả lang thang khắp các nơi đô thị, đường phố, tỉnh thành. Hình ảnh này vừa làm mất vẽ mỹ quan đô thị vừa tạo cái nhìn không tốt dưới mắt người nước ngoài vừa tạo ra sự bất công trong các thành phần làm kinh tế:
Không thể để lòng tốt của con người bị lợi dụng. Ăn xin không thể được một số người lười lao động coi là một nghề dễ kiếm tiền mà không cần nhiều công sức.
Xã hội không thể có người ăn bám cũng như lợi dụng vào sự tử tế, lòng thương của con người mà trục lợi bất chính, những con người làm xấu đi bộ mặt xã hội, làm xói mòn truyền thống nhân đạo.
Thật là vô lý khi số tiền thu nhập hàng ngày của chúng gấp đôi ba lần thậm chí hàng trăm lần công nhật của một công nhân miệt mài trong xưởng máy suốt cả 8 giờ, người nông dân "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mỗi ngày.
Không thể nhìn thực trạng người ăn xin như "bắt cóc bỏ dĩa" mà cho rằng đây là một vấn nạn nan giải.
Một giải pháp căn cơ nhất là có sự tích cực của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và sự chung sức chung lòng của toàn xã hội.
Không thể để chính quyển cơ sở xã, phường không nắm được các đối tượng ăn xin mà phải tích cực vào cuộc. Thường xuyên rà soát địa bàn quản lý của mình để từ đó có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp thích hợp cho họ.
Không thể để những tiêu cực trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội những địa phương khác xảy ra như trường hợp vài năm gần đây ở Nghệ An, mà cam lòng để cho nạn ăn xin tồn tại.
Không thể thiển cận khi "nói không với hành động cho tiền người ăn xin" là cuộc vận động phi đạo đức, trái với truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Không thể nhất thời "cho" tiền người ăn xin một cách "tùy tiện". Vô hình trung không giải quyết vấn nạn mà còn góp phần phát sinh nhiều hệ lụy không mong muốn trong xã hội.
Phát huy cái được và quyết tâm khắc phục những cái chưa được để mạnh dạn giải quyết vấn nạn ăn xin một cách căn cơ và bền vững.
Vấn đề ở đây là: giải quyết vấn nạn ăn xin không dễ, nhưng cho dù đường còn xa, không đi là không thể đến.
Bạn có đồng tình với nhận định: cho tiền người ăn xin là thể hiện hào hiệp không đúng chỗ? Làm cách nào để dẹp được nạn chăn dắt ăn xin? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận