Trong tình thế phải đối mặt với muôn vàn cơn gió ngược, đạt mức tăng trưởng 4,24% là rất đáng mừng. Và đây có thể cũng là căn cứ để Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra mức phấn đấu cho năm nay là tăng trưởng 6%.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể phấn đấu để đạt được mức tăng trưởng này không? Câu trả lời là có, nếu như...
Cả ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều đã được khai thác ở giới hạn gần như cuối cùng của chúng. Nếu có những phản ứng chính sách kịp thời và phù hợp, chúng ta vẫn có thể phát huy hơn nữa các động lực này.
Trước hết là xuất khẩu. Xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nếu các nước thuộc thị trường xuất khẩu của chúng ta còn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát thì cầu của thị trường này về cơ bản khó lòng có được sự tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, một sự tăng lên nhất định vẫn sẽ xảy ra, vì mùa mua sắm cuối năm đang đến. Vấn đề là chúng ta có đủ năng lực và sự linh hoạt để tiếp nhận các đơn hàng mới và với thời hạn giao hàng ngắn hơn hay không? Mà muốn các doanh nghiệp có thể chấp nhận đơn hàng với thời hạn ngắn hơn thì mọi thủ tục hành chính có liên quan phải được cắt giảm tối đa và phải được giải quyết hết sức nhanh chóng.
Ngoài ra, nhờ chính sách miễn thị thực vừa được ban hành, lượng du khách quốc tế đổ vào nước ta đang tăng lên rất đáng kể.
Chín tháng vừa qua, tổng lượng khách du lịch nước ngoài đổ vào nước ta đạt 8,9 triệu người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Cuối năm cũng là mùa du lịch của nhiều nước trên thế giới, vì vậy hy vọng số lượng khách du lịch đổ vào nước ta sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Vấn đề là làm sao để những vị khách du lịch nước ngoài này sẽ lan truyền những thông tin tốt đẹp về nước ta để lôi kéo nhiều hơn nữa những vị khách du lịch khác. Phản ứng chính sách ở đây phải là nâng cao hơn nữa chất lượng của dịch vụ du lịch.
Chính quyền các địa phương cần triệt để ngăn chặn tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo khách. Đây phải được coi là một phản ứng chính sách không thể thiếu để thúc đẩy du lịch cả đối với khách quốc tế lẫn khách nội địa.
Trụ cột thứ hai là đầu tư. Tốc độ giải ngân đầu tư công đã tăng lên đáng kể. Hy vọng tốc độ này sẽ còn được nâng lên cao hơn, bởi vì nhiều vấn đề cơ bản về thủ tục và giải phóng mặt bằng đã được giải quyết.
Các dự án đầu tư công đã có thể tập trung mọi nỗ lực vào việc triển khai công việc nhờ đó sẽ đóng góp cho việc tăng trưởng GDP, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả nền kinh tế.
Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính ở đây. Quốc hội cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ; Chính phủ cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các bộ ngành và các địa phương. Chỉ còn có ba tháng, mọi chuyện đều cứ phải trình lên trình xuống là sẽ mất hết thời gian.
Đầu tư tư nhân đang giảm sút rất lớn. Cần phải có các phản ứng chính sách kịp thời để thúc đẩy đầu tư của tư nhân. Chỉ có đầu tư của tư nhân về dài hạn mới giúp chúng ta có được một nền kinh tế thật sự phát triển, năng động và bền vững.
Cần giảm thiểu tối đa rủi ro chính sách; cần phải hạn chế tối đa việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Khôi phục lòng tin là một công việc khó khăn, nhưng đây là một công việc cần phải làm và phải làm một cách quyết liệt, nhất quán.
Động lực cuối cùng là tiêu dùng. Khó có một chính sách gì có thể thúc đẩy tiêu dùng tăng một cách đột biến được. Nhưng vấn đề là phải xử lý được tác động tiêu cực của yếu tố tâm lý. Nếu mọi người dân đều cảm nhận kinh tế đang khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn thì phản ứng tự nhiên là cắt giảm tiêu dùng.
Kinh tế nước ta có thật sự khó khăn không? Tất nhiên là có khó khăn. Cả thế giới đang khó thì chúng ta không thể dễ, nhưng kinh tế cũng có những điểm sáng mà nếu chỉ duy trì tâm lý tác động tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng tiêu dùng.
Nếu thúc đẩy được nhanh đầu tư công, đầu tư tư nhân và cả yếu tố tâm lý tiêu dùng trong dân thì sẽ gỡ được nút thắt quan trọng để đạt mức tăng trưởng 6% như Thủ tướng đặt ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận