27/01/2010 07:21 GMT+7

Để đất công không thành đất "ông"

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Không hẹn mà gặp, những việc làm thiếu gương mẫu của một số quan chức cấp tỉnh mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố trong thời gian vừa qua ít nhiều đều dính dáng đến đất đai. Dù là vụ việc diễn ra ở Hòa Bình, Bình Thuận hay là Đồng Tháp, Bình Dương... ở đâu chữ “đất” cũng có trong kết luận của cơ quan chức năng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng phát biểu trong lĩnh vực đất đai, thanh tra ở đâu cũng thấy sai phạm. Chắc rằng không phải ngẫu nhiên mà “tư lệnh” ngành thanh tra đưa ra nhận định như vậy. Kỷ luật nghiêm từ Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể mang tính răn đe cao, nhưng chừng nào cơ chế quản lý đất đai hiện nay chưa được mổ xẻ kỹ càng để có chính sách chặt chẽ hơn, chừng đó tình trạng biến đất công thành đất “ông”, thậm chí “lấy đất của dân cấp cho cán bộ”, vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ.

Bức xúc vì một số tiêu cực liên quan đến chuyện thu hồi đất đai để làm dự án kinh doanh, tại phiên họp đầu năm 2010 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay từng đề cập việc nếu là dự án khu công nghiệp thì Nhà nước đứng ra quyết định thu hồi đất, còn dự án nhà ở đô thị thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân... Người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ cần phải rà soát thể chế, để làm sao việc thu hồi đất phát triển đô thị hài hòa được lợi ích trước hết của người dân - “người sử dụng đất đai ngàn đời ở đó”, thứ hai là lợi ích của Nhà nước cũng là của toàn dân, thứ ba là lợi ích của chủ đầu tư.

Nghị định 69 về giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành vừa qua đã bổ sung các quy định theo hướng có lợi cho người dân, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cần có những chính sách đồng bộ hơn không chỉ ở tầm nghị định mà phải sửa đổi Luật đất đai. Rà soát, hoàn thiện thể chế để chặn đường chia chác đất công, chặn đường trục lợi từ đất thu hồi mà bỏ qua quyền lợi của người dân là cần thiết. Càng cần thiết hơn nếu thể chế tạo ra được một hành lang pháp lý minh bạch để hài hòa lợi ích của các bên có liên quan. Đô thị hóa không thể bằng mọi giá để rồi khiếu kiện đất đai ngày càng phức tạp, tạo được sự phát triển hài hòa từ đất đai mà ở đó vị trí của người dân là “trước hết” sẽ góp phần loại trừ những trường hợp chủ đầu tư câu kết với quan chức hoặc tự bản thân quan chức tìm cách kiếm lợi bất chính từ đất đai. Bao giờ cũng vậy, những chính sách hướng đến lợi ích của người dân thường nhận được sự đồng thuận cao.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên