TTCT - Khi các nước đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19, thách thức còn lại là gầy dựng lòng tin của công chúng với thuốc ngừa và đồng ý đi tiêm để đạt được mục tiêu cuối cùng là có đủ số người có kháng thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng bằng cách nào? Tranh "bài vaccine" của James Gillray vẽ năm 1802, mô tả cảnh bác sĩ Edward Jenner, người tạo ra vaccine ngừa bệnh đậu mùa, tiêm vaccine cho một người phụ nữ đang hoảng sợ và bò "mọc" ra từ bắp cơ thể những người khác. Nguồn: Getty ImagesTrong bài viết trên tạp chí The Economistngày 30-11, Katy Milkman, giáo sư Trường Wharton (Đại học Pennsylvania), cho rằng có thể ứng dụng khoa học hành vi trong việc thuyết phục người dân chịu đi tiêm chủng.Trước hết, cần hóa giải các mối lo của những người còn e ngại chuyện đi tiêm về tác dụng phụ cũng như tính an toàn của vaccine: các phương tiện truyền thông nên tăng cường nói về sự ủng hộ việc tiêm chủng thay vì ý kiến phản đối; cơ quan hữu trách phải có cách dập các thông tin sai lạc về vaccine lan truyền trên không gian ảo.Thứ nữa là tận dụng đặc tính tâm lý nhìn vào người khác để điều chỉnh hành vi của con người. Tấm thẻ “Tôi đã bầu” phát cho cử tri sau khi đi bỏ phiếu không chỉ là một phần thưởng nho nhỏ cho họ vì đã hoàn thành nghĩa vụ công dân, mà còn có tác dụng kích thích những người khác cũng đi bỏ phiếu. Milkman đề xuất có thể làm tấm thẻ “Tôi đã tiêm” để đạt hiệu ứng tương tự, cũng như khuyến khích mọi người “khoe” việc mình đi chích ngừa lên mạng xã hội hay báo tin cho bạn bè. Tóm lại, càng khiến việc tiêm ngừa trở nên phổ biến thì sẽ càng xoa dịu lo lắng của những người còn e ngại vấn đề an toàn của vaccine.Với những người còn đang lưỡng lự, nửa muốn tiêm nửa lại không, Milkman cho rằng có thể áp dụng các cơ chế thuyết phục truyền thống thông qua bắt buộc hoặc phần thưởng. Chẳng hạn bắt buộc tất cả nhân viên y tế và sinh viên phải tiêm để làm tiền lệ, hoặc trả tiền để người dân chịu tiêm. Tuy nhiên, việc trả tiền cần cân nhắc kỹ vì có thể phản tác dụng, dẫn đến ý nghĩ “việc đó chắc rủi ro lắm nên mới phải trả tiền đây”, nghĩa là càng làm vaccine mang tiếng xấu.Sau khi giải quyết xong khâu thuyết phục, thách thức kế tiếp là làm sao để người dân thật sự đi tiêm và tiêm đủ 2 liều như quy định. Một nghiên cứu cho thấy 30-60% những người nói sẽ làm gì đó, chẳng hạn tập thể dục hay đi khám sức khỏe, rốt cuộc chẳng làm gì cả. Nếu không có giải pháp, sẽ có rất nhiều người chỉ tiêm lần đầu tiên và không đi chích mũi còn lại.Milkman gợi ý các cách làm như gửi tin nhắn, thư hoặc email để nhắc người đã tiêm về việc tiêm mũi tiếp theo (cần nhắc sát thời điểm phải đi tiêm thay vì nhắc quá sớm), cho phép đặt lịch tiêm dễ dàng, tạo sự thuận tiện để người dân đi tiêm (không phải xếp hàng dài, lằng nhằng giấy tờ, di chuyển quá xa).Cuối cùng, Milkman cho rằng các giải pháp để việc tiêm ngừa không còn đáng sợ như phát thăm xổ số cho người đi tiêm, thậm chí “cho xe tải bán kem kèm tiêm vaccine miễn phí chạy vòng quanh với tiếng chuông vui tai” cũng nên được xem xét nghiêm túc. “Quan trọng là ta không chỉ nghĩ thận trọng mà còn phải sáng tạo. Các nhà hóa sinh đã làm xong phần việc của mình, đã đến lúc giới khoa học thần kinh làm việc để đem lại sự thay đổi” - Milkman kết thúc bài viết.Trong khi đó, trong bài viết “Làm sao để gây dựng lòng tin vào vaccine" trên The Atlantic ngày 12-12, Brendan Nyhan, giáo sư Đại học Dartmouth, cho rằng tìm cách sửa các quan niệm sai lầm về vaccine không hiệu quả bằng cách lan truyền các thông điệp khác, chẳng hạn như tập trung vào nguy cơ của các căn bệnh mà vaccine có thể phòng ngừa.Theo tác giả, “sứ giả” truyền các thông điệp này hiệu quả nhất chính là những chuyên gia y khoa được cộng đồng tín nhiệm. Ở tầm quốc gia, đó là bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, còn với mỗi cá nhân, đó là bác sĩ gia đình hay các đơn vị chăm sóc y tế tin cậy.Nyhan cũng cho rằng người nổi tiếng cũng có thể “làm gương” đi tiêm vaccine, giúp xóa bỏ các nghi ngại và khơi dậy lòng tin vào việc tiêm chủng. Việc ba cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama tuyên bố sẽ tiêm vaccine COVID-19, hay danh ca Elvis Presley từng tham gia chiến dịch vận động tiêm vaccine ngừa sốt bại liệt là những ví dụ.Tác giả cũng lạc quan cho rằng cách vaccine triển khai từ từ, ưu tiên cho người có nguy cơ cao trước khi chích trên diện rộng, cũng là một lợi thế: những người còn đang lưỡng lự sẽ có thể quan sát quá trình vaccine được tiêm, chứng kiến “những người họ quen biết và tin tưởng không chỉ ủng hộ vaccine mà còn để người thân và chính họ đi tiêm”, cũng như “giám sát” tính an toàn và hiệu quả của nó.Một điều thú vị là cả Milkman và Nyhan đều cho rằng những người chống vaccine không thật sự đáng lo, bởi họ chỉ là thiểu số (chiếm dưới 15% dân số Mỹ). Trên thực tế, theo Nyhan, Mỹ thật sự có nhiều lợi thế trong việc giành lấy niềm tin vào vaccine COVID-19: rất ít người Mỹ phản đối vaccine, và ngay từ trước khi có đại dịch, tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em và trẻ trong tuổi đi học luôn ở mức cao và ổn định.“Vẫn còn một số người lưỡng lự và cần phải cải tiến một số loại vaccine, nhưng không nên lẫn lộn giữa việc tồn tại một nhóm nhỏ những người chống vaccine và thái độ với vaccine ở cấp độ dân số rộng hơn” - Nyhan viết.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Dặm cuối gian nan của vaccine covid-19 Tiếp theo Tags: COVID-19VaccineAnti-vaccineVaccine COVID-19
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.