23/08/2016 08:30 GMT+7

Để dân không bị kết tội oan

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TTO -  Từ vụ quán cà phê Xin Chào hay điện thoại “cùi bắp” suýt bị khởi tố cho thấy dù hành vi bình thường, người dân có thể bất ngờ lẫn bàng hoàng khi thấy mình là... tội phạm.

*** Error ***
Anh Dương Trọng Tiến (phải) - người mua bán, sửa chữa điện thoại “cùi bắp” - và cha tại nhà riêng sau khi nhận quyết định không khởi tố bị can của Công an Q.10 ngày 8-8 - Ảnh: KIM ANH

​Những quy định của luật pháp không rõ ràng hoặc không đầy đủ có thể đẩy người dân với hành vi có thể là hoàn toàn bình thường vào thế bị kết tội vi phạm pháp luật.

Khi nói đến tội phạm là nói đến những hành vi vi phạm Luật hình sự và bị khởi tố, chế tài theo quy định của luật này.

Và khi lý giải về hiện tượng tội phạm, người ta thường nói đến các lý do như ý thức pháp luật kém, trình độ dân trí thấp, nghèo đói, thất nghiệp...

Tuy nhiên, khi quan sát đời sống xã hội của chúng ta trong thời gian qua, có lẽ cần nói đến một nguyên nhân cũng khá quan trọng, đó là những quy định của luật pháp không rõ ràng hoặc không đầy đủ. Tức là hành vi có thể là hoàn toàn bình thường nhưng bị kết tội vì những khiếm khuyết của luật pháp.

Quả vậy, những vụ việc như quán cà phê Xin Chào hay chủ tiệm sửa chữa buôn bán điện thoại “cùi bắp” ở quận 10 (tp.hcm) suýt bị khởi tố cho thấy dù hành vi của người dân là hoàn toàn bình thường, không phải là hành vi xấu, hành vi gây nguy hiểm cho xã hội để có thể bị xem là tội phạm, nhưng họ vẫn có thể bị trở thành tội phạm do các cán bộ thực thi pháp luật áp dụng luật không đúng, diễn giải các điều luật quy định theo cách thiệt thòi cho người dân.

Chẳng hạn vụ việc mới đây liên quan đến quán cà phê Xin Chào cho thấy người thực thi pháp luật đã áp dụng quy định không còn hiệu lực. Mà việc cán bộ hiểu sai hay áp dụng luật bất lợi cho người dân lại có thể xuất phát từ việc các điều luật được viết ra không rõ ràng và mang tính đa nghĩa, khiến việc diễn giải theo cách nào là tùy vào nhận thức và thái độ của cán bộ thực thi pháp luật.

Đồng thời, có thể luật là rõ ràng nhưng trình độ của cán bộ thực thi pháp luật bị hạn chế khiến họ hiểu sai luật và áp cách hiểu này lên hành vi bình thường của người dân.

Một việc khác là người dân có thể trở thành tội phạm vì thiếu các quy định của pháp luật. Câu chuyện mới đây về việc nhiều địa phương chưa đưa ra quy định về mức “thu nhập thấp” theo nghị định 78/2015 để áp dụng cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng là một điển hình về việc người dân hoàn toàn có thể trở thành tội phạm vì thiếu quy định của pháp luật chứ không phải do sự cố tình làm trái của họ.

Do đó, khi nhìn nhận về hiện tượng tội phạm cũng cần phải nhìn lại về phía Nhà nước xem có phải chính Nhà nước cũng có trách nhiệm khi ban hành các quy định luật pháp không rõ ràng, ban hành luật không đầy đủ và trình độ cũng như thái độ của các cán bộ công chức thực thi pháp luật thuộc bộ máy nhà nước.

Đồng thời, nếu đã có quy định rồi thì cũng phải làm sao cho người dân biết để họ không trở thành tội phạm một cách vô tình, bởi từ lâu những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã quen với việc tự kinh doanh chứ chưa có thói quen trước khi kinh doanh phải tìm hiểu luật lệ liên quan đến việc kinh doanh nhỏ lẻ của mình.

Thế nên, khi ban hành một luật nào đó, chính quyền địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng cần có cách phổ biến rộng rãi để người dân được biết và áp dụng để không trở thành phạm nhân một cách oan uổng.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên