TTCT - Lần đầu tiên, hiệu quả cải cách hành chính ở cấp tỉnh và cấp bộ sẽ được chấm điểm hằng năm theo thang điểm 100 thông qua một bộ tiêu chí (Bộ Nội vụ đang xây dựng và lấy ý kiến). Thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN TIẾN DĨNH trao đổi cùng TTCT về những vấn đề thực tế đặt ra. Ông Dĩnh cho biết: bộ tiêu chí được xây dựng nhằm đánh giá khách quan, chính xác và toàn diện kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) đối với các bộ, ngành và địa phương cấp tỉnh, được lượng hóa bằng thang điểm chi tiết. Nhưng đây là vấn đề hết sức khó. Các cơ quan nhà nước, địa phương có thể tự đánh giá kết quả CCHC, nên hạn chế là người tự đánh giá mang tính chủ quan nhiều sẽ cho kết quả không chính xác. Do vậy, chúng tôi phải kết hợp giữa đánh giá bên trong (tự đánh giá) với đánh giá bên ngoài (đánh giá độc lập), chẳng hạn người dân, doanh nghiệp đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan nhà nước thông qua các phiếu điều tra. Điều quan trọng hơn nhưng rất khó đánh giá là tác động của CCHC đối với xã hội ra sao. Tôi nói khó vì khi chưa thực hiện CCHC đến khi thực hiện CCHC thì đời sống xã hội chuyển biến thế nào, môi trường đầu tư ra sao, kinh tế phát triển có tốt hơn không? Và nhất là niềm tin của người dân về hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước có tăng không? * Ông nói kết hợp cả hai phương pháp đánh giá, nhưng số điểm mang lại từ tự đánh giá chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với phương pháp đánh giá độc lập (66/100 điểm). Cơ cấu điểm như thế liệu có mang lại kết quả “mình tự khen mình làm tốt”? - Tôi cho rằng quan trọng nhất là đưa ra được các tiêu chí càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt, sẽ đảm bảo khách quan, hạn chế được tình trạng tự khen. Dù vậy, ở một số lĩnh vực hay một số trường hợp chúng tôi chủ trương sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát để đánh giá. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của CCHC là phục vụ xã hội nên để người dân và xã hội đánh giá. Như vậy phải kết hợp hai phương pháp đánh giá, còn việc cân đối tỉ lệ điểm mang lại từ mỗi phương pháp đánh giá như thế nào sẽ cân nhắc thêm. * Ở nhiều nơi, khi đo chỉ số hài lòng của người dân về thủ tục hành chính luôn cho kết quả rất cao (có nơi trên 90%), song trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri hay các diễn đàn khác nhau, người dân vẫn rất bức xúc về thủ tục hành chính, vẫn cho rằng còn quá nhiều phiền hà. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì? - Điều này cho thấy phải xem lại phương pháp đánh giá cũng như cách chọn mẫu điều tra, khảo sát. Tuy nhiên, phải thấy rằng còn nhiều lĩnh vực dân vẫn chưa hài lòng. Cần thống nhất với nhau một điểm là trong quá trình phát triển xã hội, nhu cầu tất yếu là lúc nào cũng phải CCHC, kể cả các nước tiên tiến. Quá trình này luôn bộc lộ mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý nhà nước và mong muốn ít bị ràng buộc nhất của người dân hay doanh nghiệp, nên phải liên tục cải cách. Nguyên tắc chung là phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp nhưng đồng thời vì mục tiêu chung, Nhà nước phải quản lý được để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội. Do vậy, đặt vấn đề luôn phải CCHC nhằm đảm bảo sự hài hòa đó. * Ông có bao giờ trực tiếp đi làm các thủ tục hành chính? - Có chứ, tôi đi với góc độ là người dân, người ta không biết tôi là cán bộ, cũng gặp chuyện hẹn hò giải quyết với thời gian rất dài trong khi vì công việc nên không có thời gian, tôi cảm thấy rất bức xúc. Mình cũng có cảm giác như người dân, đặt mình vào tâm trạng của bao nhiêu người dân khác cứ phải đối diện thường xuyên với những chuyện chờ đợi như vậy sẽ bức xúc. Thực tế đúng như người dân đánh giá: thủ tục hành chính vẫn rườm rà, phức tạp, nhiều chỗ chồng chéo. Nên nhiều năm qua và hiện tại vẫn xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung hết sức quan trọng, là một trong những khâu đột phá chiến lược. * Do quy định như vậy nên phải tuân thủ hay do chính người cán bộ làm chưa hết trách nhiệm, cố tình gây khó dễ để kiếm chác... Theo ông, tình trạng nào là phổ biến? - Có trường hợp quy định thời gian giải quyết kéo dài, ví dụ như 90 ngày. Bản thân thủ tục quy định như thế, nên trong quá trình cải cách cần xem xét để rút ngắn thời gian đó. Cũng cần thấy áp lực của công chức, nếu ấn định thời gian quá ngắn sẽ khó hoàn thành do có những việc phải qua nhiều bộ, ngành. Tuy đã có cơ chế liên thông nhưng không phải lúc nào cũng liên thông trơn tru. Đơn cử như Bộ Nội vụ cấp phép thành lập các hội, nhưng quá trình tiến hành thủ tục phải xin ý kiến một số bộ ngành liên quan. Quy định yêu cầu khi được hỏi ý kiến, trong 15 ngày phải trả lời nhưng hầu như phải mất 20-30 ngày mới nhận được hồi đáp. Và từ trước đến nay cũng chưa ràng buộc cụ thể nếu chưa trả lời hay không trả lời trong thời gian quy định thì coi như đã đồng ý, nên vẫn phải chờ đợi. Chế độ chính sách cho công chức như hiện nay quả thật không thể tạo điều kiện để họ làm việc say sưa. * Đội ngũ cán bộ, công chức quyết định khá nhiều hiệu quả CCHC. Vì sao không quy định cụ thể tiêu chí người dân đánh giá mức độ hài lòng của họ về tinh thần, thái độ, sự trong sạch trong đội ngũ... mà chỉ đưa tiêu chí chung về phẩm chất, đạo đức? - Đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với công chức hay cơ quan nhà nước là tiêu chí chung, trong đó có cả vấn đề tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ... Hài lòng ở đây được hiểu là hài lòng về tinh thần, thái độ làm việc, có nhũng nhiễu, tiêu cực hay không? Nếu dân thấy giải quyết không đúng thời gian, bị nhũng nhiễu thì chắc chắn họ sẽ trả lời là không hài lòng. Tôi vẫn trở lại cách đặt vấn đề về phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, bao hàm cả việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu... Vấn đề là cơ cấu điểm ở đây như thế nào cho hợp lý? Một cán bộ tham nhũng thì không thể gọi là có phẩm chất đạo đức tốt được dù lúc nào anh ta cũng tươi cười với dân. Trong phiếu điều tra, khảo sát cần có những câu hỏi để có thể làm rõ nguyên nhân vì sao người được hỏi cho ý kiến đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ là tốt hoặc không tốt, do thái độ hay do nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng... * Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được quy định kể từ lúc cán bộ thụ lý nhận được hồ sơ hợp lệ. Nhưng để có hồ sơ hợp lệ, người dân phải lên xuống năm lần bảy lượt, hôm nay nói thiếu cái này, hôm sau nói thiếu cái khác... Người dân cho rằng bị “hành là chính” nằm ở chỗ này. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? - Hay nhất là công khai mọi thứ. Muốn vậy phải hiện đại hóa. Thực hiện cơ chế một cửa, nơi nào hiện đại hóa thì họ đưa toàn bộ dữ liệu lên mạng. Hằng ngày người dân có thể kiểm tra được hồ sơ của họ đang ở chỗ nào. Đồng thời vẫn phải trở lại nguyên tắc của nền hành chính là công khai, minh bạch, nâng cao dân trí. Cán bộ công chức phải có trách nhiệm hơn, người dân am hiểu pháp luật hơn. Tags: Tham nhũngCải cách hành chínhTiêu cựcHiện đại hóaNguyễn Tiến Dĩnh
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.