Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - một trong ba trường ĐH vừa được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng tự chủ - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngay cả các nước phát triển đang thực hiện tự chủ toàn diện cũng đã trải qua quá trình hàng trăm năm hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực tự chủ của các trường để đạt được tự chủ toàn diện, mức độ cao như ngày nay. Chúng ta đi sau, không cần nhiều thời gian như những nước đi trước nhưng cũng phải đủ để chuyển đổi từ cơ chế đến nhận thức, ý thức và nâng cao năng lực tự chủ cho toàn hệ thống".
Thứ trưởng Lê Hải An
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS LÊ HẢI AN - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: "Việc cử đại diện của Nhà nước vào hội đồng trường sẽ được giao cho "cơ quan quản lý có thẩm quyền" - trong trường hợp này là cơ quan đề xuất, đầu tư thành lập, đầu tư xây dựng, phát triển trường ĐH công lập - để đảm bảo quyền sở hữu nhà nước đối với các trường công".
Cần thời gian để hoàn thiện chính sách
* Từ hơn một năm trước, bộ đã xúc tiến để ba trường trực thuộc thí điểm bỏ cơ quan chủ quản, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện được? Bỏ cơ quan chủ quản đang gặp phải thách thức gì khiến lộ trình này có vẻ phải chậm lại?
- Vai trò của cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập đã có sự chuyển đổi so với trước đây, trong đó vai trò chính là thực hiện quyền đại diện của sở hữu nhà nước trong các cơ sở GDĐH này. Như vậy, việc dần xóa bỏ "cơ chế bộ chủ quản" hiện nay đã được Luật GDĐH giải quyết cơ bản.
Những nội dung còn lại chủ yếu phải được giải quyết ở các quy định khác như quy định về chế độ công chức, viên chức nhà nước và cơ chế bổ nhiệm cán bộ; cơ chế cấp ngân sách nhà nước thông qua cơ quan chủ quản; cơ chế sở hữu nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công...
Những quy định nêu trên hiện cũng đang có kế hoạch sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nghị quyết 19/NQ-TƯ năm 2017 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đồng bộ với Luật GDĐH.
Như vậy, vấn đề dần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản không phải là có thách thức gì xuất hiện, có trở ngại gì buộc phải chậm lại hay được - mất gì, mà là cần thời gian để xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, đồng thời cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng, kiểm định chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, quản trị của toàn hệ thống để đáp ứng yêu cầu tự chủ ĐH ngày càng toàn diện.
Tuy nhiên, chủ trương dần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường phải thực hiện đồng thời với chủ trương "bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập" như quan điểm đã chỉ rõ tại nghị quyết 19 của trung ương.
PGS-TS Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dự và phát biểu khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: DANH TRỌNG
* Theo luật, hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng lâu nay hội đồng trường trong nhiều trường ĐH chỉ mang tính hình thức, nút thắt nào phải được mở?
- Trong thời gian qua, nhiều hội đồng trường chỉ là hình thức, chưa có thực quyền vì các quyền của hội đồng trường còn khái quát, chung chung, khó triển khai thực hiện.
Luật GDĐH được sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định chi tiết quyền của hội đồng trường theo 10 nhóm quyền khá cụ thể, từ xây dựng "luật" của trường như quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính đến quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch tài chính, phương hướng phát triển hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự hiệu trưởng và các chức danh quản lý trong quy trình bổ nhiệm cán bộ...
"Nút thắt" phải được mở là các chủ thể phải thực hiện "đúng người, đúng vai, đúng việc". Cơ quan quản lý phải thực hiện đúng vai là cơ quan xây dựng chính sách, tiêu chuẩn chất lượng, kiến tạo phát triển, kiểm tra giám sát thực hiện, xử lý vi phạm...
Hội đồng trường, hiệu trưởng và các chức danh quản lý phải xác định đúng thành phần, đúng người có tâm, có tầm và thực sự quan tâm đến sự phát triển của nhà trường, xác định được phương hướng, mục tiêu chiến lược, xây dựng được mô hình quản trị, quản lý hiệu quả để phát triển nhà trường.
Tự chủ có điều kiện
* Từ chỗ giao một số trường được thí điểm tự chủ đến chỗ sẽ áp dụng tự chủ cho cả hệ thống theo luật mới, bên cạnh những lợi ích còn điều gì khiến Bộ GD-ĐT lo lắng?
- Việc mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH sẽ tạo ra động lực cạnh tranh giữa các trường để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỉ lệ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế...
Quá trình đó cũng buộc các nhà quản lý GDĐH phải năng động, chuyên nghiệp hơn trong việc xác định mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường, tái cấu trúc bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, huy động các nguồn lực để phát triển và không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý...
Tuy nhiên, tự chủ ĐH là một quá trình, đã được bước đầu thực hiện từ khi thành lập các ĐH ở Việt Nam và quá trình đó không chỉ một chiều thuận lợi. Vì vậy, Luật GDĐH cũng không mở rộng tự chủ cho cả hệ thống như nhau.
Luật quy định: quyền tự chủ là quyền của cơ sở GDĐH... được giao trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH. Nghĩa là cơ sở nào có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì có quyền tự chủ.
Khó khăn nhất để thực hiện thành công tự chủ ĐH là nhận thức về tự chủ, điều kiện quản lý, trình độ quản lý, quản trị GDĐH ở các cấp, các trường, các chủ thể có liên quan (như hội đồng trường, hiệu trưởng, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục...) chưa thực sự đồng bộ so với nhu cầu quản lý, quản trị GDĐH tự chủ.
* Luật GDĐH được giới thiệu có nội dung sửa đổi bao trùm là tự chủ ĐH. Vậy tại sao sau khi luật ban hành mà trong nghị quyết của Chính phủ vẫn tiếp tục thí điểm mở rộng, bổ sung quyền tự chủ cho ba trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM?
- Về phạm vi áp dụng thì từ 5 ĐH đến 23 trường thí điểm tự chủ và hiện nay là mở rộng cho toàn hệ thống. Về nội dung tự chủ thì từ hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự... đến quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, được giao trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, các cơ sở GDĐH - đặc biệt là trường công lập - ngoài Luật GDĐH còn phải thực hiện nhiều quy định khác như quy định về quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Luật viên chức, Luật đầu tư công, Luật ngân sách, Luật quản lý, sử dụng tài sản công... và chủ trương, đường lối của Đảng đối với phát triển GDĐH.
Mặt khác, khi ý thức, nhận thức về tự chủ, văn hóa chất lượng, điều kiện quản lý, trình độ quản lý, quản trị GDĐH chưa thực sự đồng bộ, thông tin chưa thực sự đầy đủ để xã hội và người học tự đánh giá thì cần áp dụng cơ chế thí điểm tự chủ toàn diện trước khi áp dụng trong toàn hệ thống.
Luật sắp thực thi, sao chưa có văn bản hướng dẫn?
* Thời điểm luật chính thức có hiệu lực đã cận kề (1-7), nhưng các văn bản hướng dẫn chưa có sẽ gây khó khăn thế nào cho việc thực thi?
- Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện kế hoạch ban hành các văn bản hướng dẫn và rà soát các văn bản dưới luật khác. Hiện nay, bộ đã trình Chính phủ nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Văn bản này đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và hoàn thiện, đang được trình ký ban hành trong thời gian gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận