Cảm xúc trước tiên là trong xã hội này vẫn còn nhiều tấm lòng giàu nhân ái luôn biết rung động và sẻ chia cơm áo cho những người bất hạnh quanh mình. Ai cũng cảm thấy vui khi được tin nhờ vào sự chia sẻ của những người có lòng, em Xâng đã được tiếp nhiều máu tươi hơn, cơ thể đã hồng hào hơn, đã ăn được chút ít, từ đó hi vọng nhiều hơn về cơ may được cứu chữa (ghép gan), chí ít thì thời gian còn được nhìn thấy cuộc sống của em cũng sẽ dài hơn trước.
Nhưng cũng từ đó, chắc hẳn trong lòng mỗi người không khỏi gợn lên ý nghĩ: Phải chăng ngành y nói riêng và xã hội nói chung đã không làm hết trách nhiệm của mình? Vì điều này sẽ rất vô lý đối với người dân nhiều nước tiên tiến, ở đó khi tiếp nhận người bệnh cần chữa trị, các bệnh viện không cần biết họ là ai, khả năng chi trả viện phí như thế nào, tất cả y bác sĩ tập trung cứu chữa họ qua cơn nguy kịch trước, rồi mọi việc “hạ hồi phân giải”.
Ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có VN, “nằm chờ chết do không có tiền chữa trị” là một thực tế thật đáng buồn, nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó. Chúng ta cũng không thể trách bệnh viện với một khả năng ngân sách luôn đuối sức trong cuộc rượt đuổi với vật giá và nhu cầu chữa bệnh ngày càng tăng cao của người dân, một tập thể y bác sĩ mà đa số có thừa tâm huyết nhưng cuộc đua tranh cơm áo gạo tiền đã làm chân tay họ mỏi rã rời.
Suy cho cùng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho nhiều nghịch lý tồn tại hằng ngày như một thách thức, đó là sự cách biệt giàu - nghèo quá lớn vốn là căn bệnh trầm kha trong các xã hội đang phát triển. Chắc hẳn nhiều lần trong đầu mỗi chúng ta không khỏi lởn vởn câu chuyện “ngụ ngôn” đầy ấn tượng về hai người dân và một con gà, một bài học cho những ai mải mê chạy theo tăng trưởng GDP mà lơ là “chỉ số hạnh phúc” của mỗi con người trong xã hội. Từ nhiều nghịch lý, chiếc bánh GDP chỉ chia đều cho mọi người trên lý thuyết, còn trên thực tế có những người tìm đỏ mắt cũng không thấy một mẩu vụn còn rơi rớt để ăn.
Các nhà quản lý kinh tế hãy xót lòng khi nghĩ rằng bên cạnh một em Xâng may mắn trên, còn có hàng ngàn em Xâng khác mà xã hội dù có giàu lòng nhân ái đến đâu cũng không cưu mang hết được. Vấn đề cần giải quyết là làm sao thu ngắn cách biệt giàu - nghèo ngày càng nhỏ lại, để mỗi người dân được chia nửa “con gà GDP” một cách thiết thực hơn, tránh tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận