Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại thôn 2, xã Quảng Tâm, Tuy Đức (Đắk Nông) triển khai 12 năm trước, nay đã thành khu dân cư
Tuyến đường liên thôn từ UBND xã Quảng Tâm về hướng khu du lịch thác Đắk G’lun đi ngang khu dân cư đông đúc, yên bình. Ít ai biết rằng, suốt 12 năm nay, khu này là "điểm nóng" lấn chiếm đất đai khiến chính quyền địa phương đau đầu.
Phạt tiền tỉ, vẫn không sợ
Dẫn chúng tôi đến đây, anh Lâm - cán bộ địa chính xã Quảng Tâm - ngán ngẩm cho biết đây là ‘khúc xương’ trong công tác quản ý đất đai, xây dựng tại địa phương.
Theo anh Lâm, đến nay, UBND các cấp đã lập gần 80 biên bản vi phạm hành chính nhưng nạn chiếm đất, làm nhà càng nghiêm trọng.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ban hành 10 quyết định xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất khu công nghiệp để làm nhà, trồng cây lâu năm với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.
Trong số những vụ lấn chiếm, có nhiều trường hợp không tìm được đối tượng vi phạm, tỉnh buộc phải ra quyết định yêu cầu xã khắc phục hiện trạng… Theo anh Lâm, tất cả các trường hợp bị lập biên bản, xử phạt hành chính đều bị buộc khắc phục hiện trạng, trả lại đất cho khu công nghiệp trong vòng 30 ngày.
Lúng túng trong xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 12-2009, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm, do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (Công ty Đại Gia Thuận) làm chủ đầu tư, trên diện tích gần 35ha, với số vốn đầu tư là 90 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm.
Đến nay, sau hơn 12 năm, những gì Công ty Đại Gia Thuận triển khai chỉ là căn nhà bảo vệ rộng khoảng 10m2, cổng chính dang dở và một số trụ bêtông.
Hạng mục nhà bảo vệ, ngay cổng chào khu công nghiệp dở dang, bỏ hoang đến nay
Sau nhiều lần làm việc, yêu cầu gia hạn nhưng… mất liên lạc với chủ đầu tư, tháng 11-2019, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Nông đã có quyết định thu hồi chủ trương dự án. Đến năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 35ha đất và giao về địa phương quản lý nhưng lúc này, toàn bộ diện tích đất đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm xây nhà, trồng cây, chưa thể cưỡng chế, thu hồi.
Ông Đặng Văn Cương, chủ tịch UBND xã Quảng Tâm, cho biết để dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất như hiện nay là vào những năm 2009-2010, khi nhận đất nhưng chưa triển khai, Công ty Đại Gia Thuận cho nhiều người dân thuê, mượn đất được giao để trồng hoa màu.
Nhiều người đã xây nhà, làm ăn ở đây hơn 10 năm, việc giải tỏa, thu hồi đất là rất khó khăn
Khi doanh nghiệp không triển khai dự án, nhiều người đã cố ý lấn chiếm đất, có nhiều trường hợp sang nhượng trái phép bằng giấy tay. Những trường hợp lấn chiếm, đến mua đất tiếp tục làm nhà, trồng cây trên đất dù biết đó là hành vi vi phạm. Khi cụm công nghiệp thành khu dân cư, địa phương cũng nhiều lần định cưỡng chế, thu hồi đất nhưng người dân chống đối, thành điểm nóng mất an ninh trật tự.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - khẳng định có trách nhiệm của xã, huyện trong việc quản lý đất đai, xây dựng tại Cụm công nghiệp Quảng Tâm. Các quyết định xử phạt hành chính của tỉnh là phải phạt do mức phạt vượt thẩm quyền của xã, huyện. Công tác quản lý đất đai, thu hồi đất vẫn thuộc trách nhiệm UBND huyện Tuy Đức.
Ông Lê Trọng Yên khẳng định sẽ giữ quy hoạch, quyết giải tỏa
Ông Yên nói thêm, đến nay đã thu hồi chủ trương đầu tư của Công ty Đại Gia Thuận nhưng diện tích đất 35ha vẫn sẽ tiếp tục quy hoạch là đất làm cụm công nghiệp, không hợp thức hóa cho khu dân cư.
"Việc cưỡng chế, giải tỏa đất tại đây phải làm nhưng thuộc trách nhiệm của huyện. Địa phương phải tính toán phương án… để tiến hành thu hồi đất, lập lại kỷ cương", ông Yên nói.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết đây là việc nhạy cảm, nên hiện chưa có kế hoạch, phương án nào cho việc thu hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận