12/03/2015 08:34 GMT+7

Đọc Thông reo ngàn Hống: Đề cao trách nhiệm của kẻ sĩ

NGUYỄN KHẮC PHÊ thực hiện
NGUYỄN KHẮC PHÊ thực hiện

TT - Đọc Thông reo ngàn Hống (NXB Trẻ), bạn đọc phát hiện nhiều điều bất ngờ khác về Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - nổi tiếng với câu thơ Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!

Nhà văn Nguyễn Thế Quang - Ảnh: T.Diệp

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thế Quang - tác giả Thông reo ngàn Hống:

* Trước hết, ông muốn “giới thiệu” với độc giả một chân dung Nguyễn Công Trứ thế nào?

- Với một nhân vật như Nguyễn Công Trứ, có thể “tiếp cận” từ nhiều góc độ, nhưng tôi vẫn viết theo lối “truyền thống” vì tôi quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử là sự khám phá bản chất của lịch sử, là sự đối thoại với lịch sử, đối thoại với hiện thực.

Tiểu thuyết được phép hư cấu, nhưng tiểu thuyết lịch sử phải bám vào hiện thực, phải có tính chân thật cao mới có sức thuyết phục người đọc.

Tôi thích cách nghĩ của nhà văn Trung Quốc Nhị Nguyệt Hà (*): “Ðại sự bất hư, tiểu sự bất câu” - “Bất cầu chân hữu, đản cầu hội hữu” (có nghĩa là “Sự việc lớn không thay đổi/ Sự việc nhỏ không câu nệ gò ép đúng sự thực” - “Không cần có thật/ Chỉ cần có thể có thật”).

Nhắc đến Nguyễn Công Trứ còn là nhắc đến “chiến tích” khai sinh vùng đất ven biển rộng lớn ở đồng bằng Bắc bộ và nỗi đam mê ca trù cùng những cuộc tình gần như bất tận...

Do đó, với Thông reo ngàn Hống, người đọc sẽ nhận ra một Nguyễn Công Trứ có công lao lớn về nhiều mặt và cốt cách cao đẹp, đa dạng.

Ông làm quan nhiều nơi, trải nhiều cảnh ngộ, nhưng vẫn một lòng trung quân ái quốc an dân.

Mặt khác, ông không chỉ là một ông quan giỏi, mà là một nhà thơ tài hoa, một tài tử có tầm văn hóa lớn: khôi phục quán Trung Tân, gìn giữ tiếng hát người Tày...

Bạn đọc còn thấy một Nguyễn Công Trứ thích hành lạc, rất đa tình mà vẫn chung tình: nhiều vợ mà vẫn rất quý vợ cả, rất trân trọng Hiệu Thư - một đào nương có sắc, có tài...

Tuy vậy, mạch chủ yếu của tác phẩm không phải là “thiên tình sử”. Tác giả cũng không khai thác nhiều các giai thoại, không quá lưu ý cái “ngất ngưởng” (tên một bài thơ) của Nguyễn Công Trứ mà đi sâu vào nỗi đau, sự giằng xé tâm trạng của kẻ sĩ trước thời cuộc, thể hiện tập trung ở Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát...

Ảnh: Nhã Linh

* Nỗi đau và sự giằng xé ấy trước thời cuộc, trước họa ngoại xâm khiến Nguyễn Công Trứ gần gũi với chúng ta hơn, nhưng liệu có bị tác giả “hiện đại hóa” không?

- Tôi nghĩ đây là quyền hư cấu được phép và hợp lý của người viết tiểu thuyết lịch sử. Vả lại, thời đó các danh sĩ cùng chí hướng vẫn luôn tìm dịp gặp nhau để xướng họa thơ văn, giãi bày những điều gan ruột của mình.

Còn đi sâu khai thác tâm trạng nhân vật là thế mạnh của người viết tiểu thuyết. Sống trong thời đại phong kiến suy thoái, vua quan thì hèn nhát, tầm nhìn hẹp, lại độc quyền chuyên chế, thối nát, giặc “Tây dương” thì lăm le xâm lấn Tổ quốc, những con dân đất Việt, lại là kẻ sĩ có khí phách như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, dù sống cách chúng ta hơn thế kỷ, cũng có cách nghĩ gần gũi với chúng ta, trong đó tính phản biện được đặc biệt lưu ý.

Không phải tác giả “hiện đại hóa” mà đây chính là cốt cách của những nhân vật như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát...

* Như vậy, chính tính cách nhân vật đã làm nổi bật vấn đề được khai thác trong tác phẩm: hoàng đế và kẻ sĩ, quyền lực và trí thức. Ðây cũng là vấn đề đã được tác giả thể hiện trong tiểu thuyết Nguyễn Du...

- Vâng. Nhưng ở Thông reo ngàn Hống được phát triển rộng hơn, sâu hơn, đa dạng hơn: có cả những đóng góp, cả những hạn chế, sai lầm của kẻ sĩ.

Trách nhiệm của kẻ sĩ trước sự hưng vong của đất nước được đặt ra rõ hơn. Tôi đã viết cuốn sách với tất cả tâm huyết cùng nỗi đau và khát vọng của tác giả muốn đề cao trách nhiệm của kẻ sĩ, của trí thức trong mọi thăng trầm của lịch sử.

Tất cả những điều ngợi ca hay phê phán đều đứng trên lập trường dân tộc, từ ý thức trách nhiệm cao của kẻ sĩ mọi thời.

______________

(*) Tác giả viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng ở Trung Quốc, được mệnh danh là “nhà văn hoàng đế” do ông đã sáng tác ba bộ tiểu thuyết: Khang Hi đại đế, Ung Chính hoàng đếCàn Long hoàng đế.

NGUYỄN KHẮC PHÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên