09/01/2018 11:47 GMT+7

Đề cao tinh thần tự học

N.H. thực hiện
N.H. thực hiện

TTO - Trong số 113 học sinh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tích cực” cấp TP năm nay, nhiều gương mặt đã đạt những giải thưởng cao ở các kỳ thi học thuật, khoa học cấp quốc gia và năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện.

Đề cao tinh thần tự học - Ảnh 1.

Đinh Sơn Hoàng - Tấn Trúc Hạnh Đoan - Phạm Hoàng Ân (từ trái qua) - Ảnh: NVCC

Đinh Sơn Hoàng (Trường THPT Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM), Tấn Trúc Hạnh Đoan (THPT Gia Định), Phạm Hoàng Ân (THPT Long Thới) là ba gương mặt nổi bật trong số đó.

Nhịp sống trẻ có cuộc trò chuyện cùng cả ba học sinh về những nỗ lực của bản thân trong học tập cũng như trong các hoạt động.

* Bên cạnh việc học tập tốt ở trường, các bạn đều có nhiều giải thưởng ở các kỳ thi học thuật, khoa học cấp thành phố và quốc gia. Các bạn có thể chia sẻ bí quyết học tập của bản thân để có những kết quả tốt?

- Sơn Hoàng: Ở trường, chúng mình được dạy nhiều về tính tự giác, đề cao tinh thần tự học, thầy cô chỉ hỗ trợ những kiến thức nền tảng và sẵn lòng giúp đỡ. Nhờ vậy, môi trường học của chúng mình được tự do, thoải mái hơn. 

Riêng mình, bên cạnh việc học thì tìm hiểu những vấn đề khác trong cuộc sống bằng cả niềm say mê, tò mò muốn khám phá hơn thái độ miễn cưỡng. Gia đình cũng để mình lựa chọn những gì mình thích, giúp mình phát huy hết khả năng của bản thân.

- Hạnh Đoan: Để có những kết quả tốt ở các kỳ thi, ngoài sự giúp đỡ, hướng dẫn từ gia đình, thầy cô, bạn bè..., mình luôn đặt bản thân ở thế chủ động. Mình đã cùng bố mẹ lập ra kế hoạch sơ lược để mọi thứ diễn ra trong tầm kiểm soát và sức khỏe cho phép. 

Quá trình được học tập và đốt cháy hết mình đã khiến mình trưởng thành hơn và tự tin chúng ta có thể phá bỏ mọi định kiến, rào cản nếu có sự rèn luyện và cách nhìn phù hợp.

- Hoàng Ân: Mình không chỉ học lý thuyết ở trường mà còn học thực hành qua những giờ thí nghiệm, thực nghiệm và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Ngoài giờ học, mình tìm hiểu thêm ở thư viện và các nguồn tài liệu mở trên mạng, giúp mình ngoài văn hóa thì trau dồi thêm ở các lĩnh vực khác.

* Đối với các bạn, sự chủ động, độc lập trong học tập cũng như trong cuộc sống được thể hiện ra sao?

- Sơn Hoàng: Từ gia đình đến nhà trường đều gần như để mình được độc lập trong học tập, đó là một điều may mắn mình có được. 

Sự độc lập, chủ động nếu được sử dụng đúng cách có thể được xem như "kim chỉ nam" đưa ta đến với thành công, vì lúc đó ta sẽ học được cách lắng nghe con tim mình thật sự muốn gì và chọn gì, được sống với đam mê, được thỏa sức vẫy vùng sáng tạo thì ta sẽ làm điều ấy thật sự tốt nhất có thể, hơn là bị ép vào một khuôn khổ nhàm chán.

- Hạnh Đoan: Đối với mình, sự chủ động, độc lập được thể hiện ở mọi việc trong học tập, đời sống nếu ta thật sự có quyết tâm, có thành ý. 

Ví dụ mình nên là người chủ động theo dõi các hoạt động học tập, các kỳ thi bên ngoài, phong trào sôi nổi để tự chuẩn bị tâm thế cho mình. Khi làm chủ thế trận, ta sẽ biết đặt câu hỏi, lên tiếng nói, biết học tập, biết tiếc nuối và rút ra được nhiều hơn. 

Đôi khi chính phong thái tự tin lại đem đến cho ta những cơ hội bất ngờ, những mối quan hệ tốt mà nếu thụ động, giậm chân một chỗ thì sẽ chẳng bao giờ đến.

- Hoàng Ân: Sự chủ động, độc lập trong học tập thể hiện ở chỗ chúng ta biết mình đang học điều gì và giáo viên đang dạy điều gì, những kiến thức bạn học có vai trò ra sao trong cuộc sống. Khi đã tìm được lợi ích của những kiến thức đó, bạn mới có thể có hứng thú trong việc học. 

Chủ động trong học tập còn là sự chủ động tiếp cận kiến thức, có điều gì thắc mắc phải hỏi giáo viên và tìm hiểu ở các nguồn tài liệu mở. 

Chủ động trong cuộc sống, đặc biệt đối với các bạn trẻ là chủ động tìm ra sở trường, sở thích của mình, chủ động vạch ra hướng đi, kế hoạch cho tương lai, dám theo đuổi ước mơ của bản thân.

* Hoạt động xã hội khi còn ngồi trên ghế nhà trường mang lại cho mỗi người những bài học gì?

- Sơn Hoàng: Mỗi hoạt động xã hội như một bài học thực tế. Những chuyến đi vùng sâu, vùng xa thì càng đi, mình càng thấy người dân còn nghèo, mình biết thương đất nước hơn và người trẻ phải có trách nhiệm làm sao để đất nước giàu đẹp hơn.

- Hạnh Đoan: Mỗi một hoạt động ngoại khóa là một câu chuyện, là cơ hội để có thêm kinh nghiệm và những người bạn quý giá. Mình từng đến thăm làng thiếu niên Thủ Đức, thấy rằng tuy có khởi đầu không may mắn nhưng các bạn vẫn rất lạc quan, đầy nghị lực, học tập tốt. Điều đó giúp mình nhận ra rất nhiều điều bổ ích cho bản thân, giúp ta trưởng thành hơn.

- Hoàng Ân: Tất cả hoạt động tình nguyện giúp mình nhận lại nhiều giá trị cuộc sống, sự thấu hiểu, sẻ chia, mở mang cuộc sống.

TP.HCM tuyên dương "Sinh viên 5 tốt", "Học sinh 3 tích cực"

Hôm nay (9-1), TP.HCM tổ chức kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên (9-1-1950 - 9-1-2018), khởi động bằng lễ dâng hoa tại tượng đài liệt sĩ Trần Văn Ơn trong công viên Bách Tùng Diệp (Q.1).

Thành đoàn, Hội Sinh viên VN TP.HCM sẽ vinh danh 102 cá nhân và hai tập thể đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cùng 113 "Học sinh 3 tích cực" cấp TP năm 2017.

Các cá nhân và tập thể đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" với năm tiêu chí: học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, hội nhập tốt, tình nguyện tốt. Còn danh hiệu "Học sinh 3 tích cực" được trao cho các bạn học sinh THPT ứng với tiêu chí: tích cực trong học tập, tích cực rèn luyện trong đạo đức lối sống, tích cực rèn luyện sức khỏe - tham gia các hoạt động xã hội.

Q.LINH

N.H. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên