Nguyên nhân lớn khiến cuộc thi nhận được sự quan tâm là nhờ đề cao tính khả thi của các công trình dự thi.
“Tri thức trẻ vì giáo dục” là cuộc thi khuyến khích những ý tưởng đóng góp cho ngành giáo dục dành cho các trí thức trẻ dưới 35 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Tri thức trẻ vì giáo dục đã nhận được nhiều bài dự thi của các trí thức trẻ ở các tỉnh như Yên Bái, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP.HCM, Cần Thơ… Nhiều trí thức trẻ đánh giá rằng những cuộc thi đề cao tính khả thi của công trình dự thi như “Tri thức trẻ vì giáo dục” là điều mới mẻ và hứa hẹn sẽ đem lại những khởi sắc cho ngành giáo dục.
Cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” đề cao tính khả thi của các tác phẩm dự thi - Ảnh: BTC cung cấp |
“Những cuộc thi như “Tri thức trẻ vì giáo dục” với tiêu chí đặt tính khả thi của công trình lên hàng đầu sẽ khuyến khích sáng tạo một cách nghiêm túc” – Thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984, ngụ tại Yên Bái) chia sẻ. Với lý do này, thầy giáo Lê Văn Cường đã gửi công trình Lịch sử thế giới bằng 3.456 câu thơ lục bát đến chương trình. Mong muốn lớn nhất của thầy giáo trẻ này là tác phẩm của mình sẽ được các chuyên gia của Tri thức trẻ vì giáo dục công nhận và quan trọng hơn, công trình này sẽ được phát hành rộng rãi như một tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy môn Lịch sử.
Một tác phẩm gửi về Tri thức trẻ vì giáo dục |
Cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” còn nhận được sự tham của nhiều tri thức trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Tất cả các tác giả đều mong muốn được ngành giáo dục lắng nghe những chia sẻ của mình cho ngành giáo dục. Tác giả của công trình “Bệnh thành tích trong giáo dục” – học sinh Võ Thành Nguyên (Học sinh lớp 10, Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Em mất 5 ngày để viết hết ra hết những tâm tư của mình chỉ mong chấm dứt tình trạng “học vì điểm số ” đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ”. Tác giả sinh năm 2000 này còn tin rằng nếu bạn bè cùng trang lứa biết đến “Tri thức trẻ vì giáo dục”, chắc chắc họ cũng sẽ tích cực tham gia chương trình vì học sinh là “đối tượng trong cuộc” với nhiều ý tưởng để nâng cao chất lượng giáo dục.Cũng đánh giá cao về tiêu chí khả thi của các công trình dự thi, thầy giáo Ma Quốc Đảo, (sinh năm 1988, ngụ ở TP.HCM) đã gửi về “Tri thức trẻ vì giáo dục” công trình “Áo tri thức”. Thầy giáo này tâm sự rằng anh đã mất 6 năm tìm tòi nghiên cứu công trình này nhưng vẫn chưa thể đưa công trình này vào thực tế. Tác giả Ma Quốc Đảo chia sẻ: “Tôi đã anh gõ cửa nhiều cơ quan liên quan và cầm cố cả số đỏ để tìm cách quảng bá và nhận rộng ý tưởng “Áo tri thức” nhưng vẫn chưa thành công. Cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục là hi vọng cuối cùng để tôi mang “Áo tri thức” ứng dụng vào thực tế”.
Cũng là một tác giả trẻ, anh Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1994, ngụ ở Nghệ An) cho biết anh đã dốc hết tâm huyết để hoàn thành công trình dài 29 trang mang tên “Đóng góp đổi mới giáo dục Việt Nam năm 2016” để gửi về “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Để hoàn thành 29 trang này, anh Nguyễn Văn Ninh mất 10 ngày và ngày nào anh cũng thức đến 2-3 giờ sáng.
“Tri thức trẻ vì giáo dục” không chỉ nhận được sự quan tâm của các đối tượng trong ngành giáo dục mà con thu hút nhiều trí thức trẻ từ nhiều ngành nghề khác nhau. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Nhân viên văn phòng, sinh năm 1985, ngụ tại Long An) đánh giá chương trình “Tri thức vì giáo dục” là một chương trình thiết thực để tìm kiếm nhiều ý tưởng hay cho giáo dục Việt Nam nên chị sẽ giới thiệu các đồng nghiệp cùng tham gia.
Thời gian nhận bài dự thi kéo dài đến hết ngày 30-9-2016. “Tri thức trẻ vì giáo dục” hứa hẹn sẽ còn tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều trí thức trẻ từ nhiều ngành nghề khác nhau.
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ thực hiện. Chương trình dành cho trí thức trẻ là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi. Người dự thi tham gia chương trình bằng cách gửi về Ban Tổ chức các công trình, sáng kiến mới thuộc lĩnh vực giáo dục như phương pháp dạy học, các sáng chế dụng cụ học tập hoặc công trình nghiên cứu giáo dục. Năm 2016, cuộc thi được phát động rộng rãi trên toàn quốc và bắt đầu nhận hồ sơ tham dự từ ngày 28-4 đến 30-9-2016.
Dựa trên tiêu chí về tính khả thi và tính mới để chấm giải, trong khoảng 12 – 15 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/công trình. Hình thức tham gia chương trình Để tham gia chương trình, các cá nhân, nhóm tác giả: gửi bản thuyết minh (hoặc hiện vật) công trình, sáng kiến qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ban Tổ chức chương trình trước ngày 30-9 hằng năm. Hồ sơ xét chọn ghi rõ: họ và tên tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả; tên công trình, sáng kiến; cơ quan (đơn vị); địa chỉ; điện thoại của tác giả, tập thể tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm sáng tạo. Ban tổ chức không gửi lại cơ quan, đơn vị, tác giả, nhóm tác giả những hồ sơ phạm quy, gửi không đúng quy trình. Địa chỉ nhận hồ sơ: Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại 04 6263 1852 đồng thời gửi bản mềm (file .pdf, .docx, .doc, .pptx, .ppt hoặc các file thiết kế sản phẩm) tới địa chỉ email: [email protected]. Hoặc Ban Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Số 60A, Hoàng Văn Thụ, Phường.9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại 08 3997 3838. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập vào website: www.trithuctrevigiaoduc.com. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận