07/02/2017 15:21 GMT+7

Để các làng nghề phát triển bền vững

BẢO TRUNG - HUỲNH VĂN MỸ THựC HIệN
BẢO TRUNG - HUỲNH VĂN MỸ THựC HIệN

TTO - Dù đã có được những bước tiến đáng kể trong chuyện làm ăn từ bối cảnh kinh tế thị trường rộng mở, nhưng các làng nghề quanh cố đô Hoàng Đế vẫn chưa tận dụng được hết ưu thế có được của mình.

*** Error ***
Một hộ dệt truyền thống ở làng dệt Nam Phương Danh gặp khốn khó trong phát triển - Ảnh: H.V.M.

Để giúp mô hình làng nghề độc đáo này phát triển, thăng tiến theo hướng bền vững cần sự hỗ trợ của nhiều ngành chức năng liên quan tại địa phương. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với chính quyền tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn về vấn đề này.

- Ông Hồ Quốc Dũng (chủ tịch UBND tỉnh): Câu chuyện về các làng nghề bên thành Hoàng Đế là chủ đề xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của thị xã An Nhơn và tỉnh Bình Định, do đây là cụm làng nghề truyền thống với rất nhiều nghề, tất cả đều có năng lực phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế của địa phương đi lên.

Hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua đổ về đây tham quan, mua sản phẩm và có nhiều đoàn dừng lại các làng nghề nhiều ngày.

Với họ, đó là một trải nghiệm tuyệt vời cùng bà con địa phương bên đền đài, bên tháp cổ và thành quách ven dòng sông Côn của đất kinh thành xưa.

* Vậy thì chính quyền tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn đã có những hỗ trợ nào giúp sự phát triển của những làng nghề này, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Ảnh: VĂN LƯU

 

- Tỉnh chúng tôi đã luôn quan tâm đến việc hỗ trợ bà con ở các làng nghề quanh thành Hoàng Đế.

Dù điều kiện kinh phí khó khăn nhưng tỉnh đã hoàn tất chương trình xây dựng đường bêtông nông thôn, nối quốc lộ 1, quốc lộ 19, nối hệ thống giao thông tỉnh lộ về các làng nghề.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí để bà con ở đây đưa sản phẩm làng nghề của mình tham gia các hội chợ, triển lãm các nơi trong nước.

Đây là cách để các làng nghề tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng các nơi, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Về chiều sâu, ngành chức năng của tỉnh đã giúp cho hai sản phẩm là bún song thằn và rượu Bàu Đá có được thương hiệu tập thể làng nghề do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Các sản phẩm còn lại ở các làng nghề khác thì tỉnh đang lo đăng ký thương hiệu.

* Còn về hỗ trợ vốn - điều quan trọng hàng đầu với người sản xuất ở các làng nghề?

- Hiện tại mỗi hộ làng nghề được vay từ 100-150 triệu đồng để phát triển sản xuất. Thực ra chúng tôi biết rằng bà con rất cần nguồn vốn ưu đãi lớn hơn nhiều và thời gian vay vốn kéo dài nhiều năm.

Chính vì vậy, chúng tôi đã có phương án và chuẩn bị triển khai. Sắp tới sẽ họp với bà con các làng nghề, các nghệ nhân và địa phương thôn, xã với mục đích vận động bà con thành lập các hợp tác xã làng nghề (truyền thống) hẳn hoi.

Khi có các hợp tác xã làng nghề này, sẽ có đề án phát triển cụ thể thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay với nguồn vốn ưu đãi rất lớn, thời gian vay vốn nhiều năm thì bài toán về vốn sẽ được giải quyết.

Chúng tôi nghĩ phải giúp vốn như vậy thì mới giúp các làng nghề truyền thống bên thành Hoàng Đế phát triển một cách ổn định và căn cơ.

Bà con yên tâm làm các sản phẩm tinh xảo, đặc sắc hơn và giá cả sản phẩm sẽ cao hơn, khách hàng và du khách đến các làng nghề sẽ nhiều hơn, họ bỏ tiền nhiều hơn để chọn mua nhiều sản phẩm tốt, lúc đó đời sống bà con sẽ an cư, lạc nghiệp.

* Một số làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế có thế mạnh để phát triển... Tỉnh đã có dự án nào nhằm quy hoạch những làng nghề nổi bật ở khu vực này?

- Đây là điều đã được chúng tôi đặt ra từ hai ba năm nay nhằm phát huy thế mạnh sản xuất của cư dân làng nghề, giúp tăng trưởng kinh tế làng nghề và cả cho địa phương.

Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương lập quy hoạch chi tiết một số làng nghề, và hiện sở này đang lập dự án đầu tư quy hoạch cho ba trong số năm làng nghề trọng tâm từ nay đến năm 2020.

Theo đó, trước mắt sẽ tiến hành quy hoạch làng nghề rượu Bàu Đá với kinh phí 100 tỉ đồng theo phương thức Nhà nước và nhân dân địa phương cùng làm.

* Du lịch làng nghề là một trong những lực đẩy đáng kể cho sự phát triển của làng nghề. Hầu hết làng nghề quanh thành Hoàng Đế đều ở gần hoặc không mấy xa các di tích lịch sử - văn hóa có tiếng của Bình Định. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh nhà có thiết lập tour du lịch, tham quan các di tích trong vùng kết hợp du lịch các làng nghề quanh thành Hoàng Đế?

- Ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Định): Cái lợi của việc kết nối du lịch làng nghề với du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa - hai loại sản phẩm du lịch vốn có khá nhiều và có địa chỉ gần gũi nhau ở Bình Định, đặc biệt là trục di tích thành Hoàng Đế và Bảo tàng Quang Trung - là điều các ngành chức năng tỉnh đã thấy.

Tuy vậy việc thực hiện vẫn chưa được tiến hành nhanh trước hết vì một số làng nghề ở đây còn khá hạn chế về đường sá giao thông.

Thêm nữa, chính vì hạn chế đó mà du khách đến các làng nghề chưa được đông lắm nên các làng nghề thiếu sự liên kết chuỗi hộ sản xuất cùng tạo ra các mẫu sản phẩm phù hợp cho du khách.

Họ cũng chưa lập được các tổ hợp, chưa đặt vấn đề tiếp thị, trưng bày sản phẩm để khách tham quan hay cùng tham gia sản xuất sản phẩm để mua về hay thưởng thức tại chỗ nhằm hấp dẫn du khách.

Về thương hiệu, dù các làng nghề có những sản phẩm là đặc sản nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tầm thương hiệu... Đây là vấn đề mà các làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế cần được các ngành chức năng hỗ trợ thực hiện, trong đó có ngành du lịch.

Đáng nói là tỉnh Bình Định vừa có quyết định thành lập Sở Du lịch. Với chức năng, vai trò cụ thể của mình, Sở Du lịch tỉnh nhà sắp tới sẽ tiến hành những mục tiêu công tác cho việc du lịch làng nghề, trong đó sẽ kết nối với ngành công thương tỉnh xây dựng một số làng nghề theo dự án.

* Một trong những làng nghề truyền thống quanh thành Hoàng Đế là làng dệt Nam Phương Danh hiện sống rất khó khăn nhưng lâu nay vẫn chưa được vay vốn lần nào để có thể làm ăn khá lên. Người dân ở đây nói với chúng tôi rằng làng dệt truyền thống của họ bị chính quyền địa phương bỏ quên?

- Ông Lê Minh Toán (phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn): Đây là một thiếu sót đáng tiếc.

Chúng tôi sẽ làm việc sớm với UBND phường Đập Đá để 20 hộ nghề ở làng dệt Nam Phương Danh của phường này được vay nguồn vốn ưu đãi từ mức tối thiểu 75 triệu đồng/hộ nghề đến mức tối đa 150 triệu đồng/hộ nghề.

“Toàn thị xã An Nhơn hiện có 24 làng nghề truyền thống, mỗi làng có hơn 1.000 lao động tham gia sản xuất các sản phẩm làng nghề, tính ra hơn 2 vạn lao động của lĩnh vực này.

Điều đáng buồn là hiện giờ nguồn kinh phí hỗ trợ bà con chỉ khoảng 250-300 triệu đồng mỗi năm là quá ít ỏi

Ông Hồ Quốc Dũng

Các kỳ trước của hồ sơ:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3:  

>> Kỳ 4: 

>> Kỳ 5: 

BẢO TRUNG - HUỲNH VĂN MỸ THựC HIệN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên