TTCT - Chuyện quy hoạch bờ sông chảy qua các thành phố lớn tại VN luôn được dư luận quan tâm. Bởi các con sông được ví như những lá phổi bao quanh các thành phố, quy hoạch không khéo, người dân sẽ thiếu đi “khoảng thở”. Hai bên bờ sông Sài Gòn, một bên là khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành và một bên là trung tâm Q.1-Thuận Thắng Là người theo dõi suốt quá trình nghiên cứu lập các quy hoạch về sông Hồng, ông Trần Trọng Hanh, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý kiến trúc quy hoạch - Bộ Xây dựng, cho biết đến nay đã có bốn quy hoạch chung thủ đô được nghiên cứu và phê duyệt vào các năm 1993, 1998, 2008, 2011. Trong đó đều xác định sông Hồng là trục cảnh quan, có ý nghĩa về mặt trị thủy, giao thông vận tải và trong lịch sử còn có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng. Trên cơ sở quy hoạch chung, hơn 20 năm qua Chính phủ, TP Hà Nội đã chỉ đạo lập một số quy hoạch chi tiết, quy hoạch dọc hai bờ sông Hồng, nhiều tư vấn trong, ngoài nước và các cá nhân đã đưa ra khá nhiều ý tưởng, nhưng mới chỉ có một số quy hoạch cục bộ như khu dự án Đầm Trấu được duyệt, còn các quy hoạch phân khu, tổng thể về sông Hồng đến nay chưa có quy hoạch nào được duyệt. Thiên về bất động sản là thất bại Ngay cả quy hoạch cơ bản do các đơn vị của Hàn Quốc lập cũng không được duyệt, hay như đề xuất của cá nhân về ý tưởng TP sông Hồng 1,2 triệu dân cũng không được xem xét. Giải thích lý do quy hoạch chung thủ đô được duyệt mà quy hoạch tổng thể, phân khu, chi tiết về sông Hồng lại không được duyệt, ông Hanh cho biết do vướng nhất là cơ sở pháp lý về đê điều. Đó là vấn đề giải quyết thực trạng xây dựng, hiện trạng hiện nay với Luật đê điều. Vấn đề này rất khó gỡ vì theo các quy hoạch chống lũ, phòng lũ theo đúng Luật đê điều thì phải giải tỏa khá nhiều, nên các nghiên cứu khó khả thi. Còn muốn trói buộc, trấn yểm dòng sông, tức là tạo ra hai con đê để nhốt sự hung dữ của dòng sông lại, nhưng cũng không thành công. Mặt khác, những tư vấn, đặc biệt là tư vấn nước ngoài yếu kém, thường không hiểu dòng sông Hồng. Có những quy hoạch “bóc lột” dòng sông, tức là muốn biến diện tích đất đó thành nguồn lợi kinh doanh, đầu tư kinh doanh để khai thác tối đa chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không vì lợi ích quốc gia, cộng đồng và dân cư, không nghĩ đến việc phát triển cân bằng. Như quy hoạch cơ bản của tư vấn Hàn Quốc từng nghiên cứu năm 2007 chủ yếu thiên về bất động sản, ý tưởng chưa thấu tình đạt lý... nên chưa được duyệt. Do vậy, việc nghiên cứu tiếp quy hoạch về sông Hồng là hết sức cần thiết. Theo ông Hanh, thời gian qua, do việc phát triển hai bờ sông Hồng thiếu quy hoạch đã dẫn đến những hệ quả rất đáng tiếc. Các vi phạm về đê điều, trật tự xây dựng đã làm thay đổi chức năng của lưu vực dòng sông mà mọi người muốn là trục cảnh quan. Hai bên sông Hồng giờ đã là các khu định cư, chủ yếu là chỗ ở, còn công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, không hiện đại. Cũng vì phát triển thiếu quy hoạch nên từ một trục cảnh quan đẹp, toàn bộ các công trình kiến trúc hiện nay đều quay lưng với dòng sông. Các công trình sản xuất, cảng, xí nghiệp khai thác cát, vật liệu xây dựng phát triển rất tùy tiện. Về quản lý đê điều, đây là vùng thoát lũ, không được phép phát triển tràn lan như vậy, nhưng hiện nay toàn bộ khu vực ven sông Hồng phía trong nội thành đã lên tới 100.000 người. Chính giá trị sinh lợi vô cùng lớn của không gian hai bên bờ sông Hàn nên ai cũng muốn sở hữu. Quy hoạch mãi chưa xong Thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh làm bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn dù chưa được lập đồ án quy hoạch nhưng dấu ấn của kiến trúc và xác định các điểm nhấn kiến trúc đã được thực hiện. Trong đó, nhiều điểm nhấn đã phát huy giá trị như hệ thống những cây cầu, các tòa nhà cao tầng... Quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng gắn với sông Hàn, dòng sông trở thành trục không gian cảnh quan và đời sống của dân đô thị. Ngay sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương năm 1997, sông Hàn đặc biệt được chú ý trong quá trình kiến thiết đô thị. Tuy nhiên tại thời điểm đó sông Hàn vẫn còn “ngủ yên”, mãi đến năm 2004 khi dự án cảnh quan đường Bạch Đằng hoàn thành, ông Nguyễn Bá Thanh (người có công lớn trong kiến tạo bộ mặt đô thị TP) và tập thể lãnh đạo TP lúc bấy giờ mới nhận ra “sông Hàn là tài sản vô giá”. Từ đó, việc xây dựng các công trình mới ở hai bên bờ sông Hàn được chú trọng về mặt kiến trúc. Kiến trúc sư Bùi Huy Trí, người gắn bó với quá trình quy hoạch của TP Đà Nẵng, cho rằng: “Quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng quá nhanh, trong khi bài toán quy hoạch không gian đô thị không theo kịp. Việc quy hoạch phát triển còn mang tính cắt khúc, chưa có đồ án quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn rõ ràng. Chính giá trị sinh lợi vô cùng lớn của không gian hai bên bờ sông Hàn nên ai cũng muốn sở hữu. Đặc biệt khi các nhà đầu tư nhảy vào Đà Nẵng, họ thường nhắm tới các khu đất sát bờ sông để khai thác nhằm đem lại giá trị lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp”. Theo kiến trúc sư Trí, do không có đồ án quy hoạch rõ ràng, không có quy định chi tiết về phạm vi cách bờ sông, kiến trúc, độ cao... ra sao dẫn đến tình trạng xây dựng hai bên sông Hàn còn nhiều bất cập. Theo các kiến trúc sư ở Đà Nẵng, nhiều dự án lấn sông Hàn như Euro Village và gần đây là các bến du thuyền đã làm bờ sông bị thu hẹp, không gian sông Hàn trở nên bát nháo. Cuối năm 2014, TP Đà Nẵng còn quyết định cho nhà đầu tư xây một khách sạn mang tên “Ngọn hải đăng” trên dòng sông Hàn khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ, buộc lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ phải dừng dự án. Hiện nay, hai bờ sông Hàn đoạn qua trung tâm TP từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn đã có các dự án gần như phủ kín: các bến du thuyền, nhà hàng, khu đô thị, khu chợ đêm, công viên... mà chưa có một đồ án thiết kế đô thị mang tính tổng thể tại khu vực nhạy cảm về cảnh quan này. Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hàn trở thành đề tài bức thiết, buộc chính quyền Đà Nẵng năm 2015 phải đứng ra thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài làm. Lúc đó khi nhà quy hoạch Hàn Quốc trình bày ý tưởng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Những ý tưởng quy hoạch, kiến trúc mới vẫn chưa chạm đến tầm phát triển mới của đô thị, chưa chạm đến trái tim của người Đà Nẵng yêu mến dòng sông. Sông Hàn là tài sản thiên nhiên quý giá nên việc tiếp cận quản lý, đầu tư phát triển đô thị phải được tôn trọng, gìn giữ, không phí phạm để sau này phải hối tiếc và cũng không có cơ hội sửa chữa”. Khi đồ án của nhà tư vấn Hàn Quốc không được TP Đà Nẵng đồng tình, cuối năm 2016 UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi quốc tế về cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Nhưng cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn” kết thúc cũng không tìm ra được đơn vị để trao giải nhất. Ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng: “Việc khai thác hiệu quả dòng sông Hàn và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Đà Nẵng. Xây dựng quỹ đất để tổ chức kiến trúc cảnh quan ven sông Hàn là then chốt. Việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị và kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn có liên quan tới nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật, đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của nhiều chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, kiến trúc phong cảnh, cây xanh, công viên”. Sông chưa được đối xử công bằng. Ảnh Thuận Thắng Bờ sông Sài Gòn bị chia cắt Tại TP.HCM hiện chưa có quy hoạch chính thức, trọn vẹn cho sông Sài Gòn, mà chỉ là những đồ án quy hoạch của các địa phương ven sông ghép lại. Trong nhiều quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chung TP.HCM, Chính phủ đều xác định sông Sài Gòn là trục cảnh quan sinh thái quan trọng của TP. Vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc sông Sài Gòn với trục cây xanh cảnh quan mặt nước dọc hai bên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè diện tích khoảng 7.000ha. Quy hoạch chung TP gần đây nhất cũng xác định sẽ di dời các cảng như Tân Cảng, Ba Son, Nhà Rồng, Khánh Hội... TP.HCM, trong thẩm quyền của mình, cũng chưa có một quy hoạch chính thức cho sông Sài Gòn. Đầu năm 2017, trước nhu cầu bức bách của nhiều nhà đầu tư muốn nghiên cứu các dự án ven sông, lãnh đạo TP mới đặt hàng cho Sở Quy hoạch - kiến trúc về việc quy hoạch sông Sài Gòn để khai thác du lịch và phát triển giao thông. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sau khi quy hoạch sông Sài Gòn, việc thực hiện quy hoạch sẽ là một thách thức lớn. Nguyên nhân vì hai bên bờ sông hiện đã và đang bị chia cắt, manh mún bởi nhiều đồ án quy hoạch của các địa phương, dự án nhà ở... Bờ đông là quy hoạch Thủ Thiêm cùng với các đồ án quy hoạch của các khu vực khác như quận 2, Thủ Đức; bờ tây là quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930ha, quy hoạch của các quận huyện 12, Bình Thạnh, Củ Chi... Đặc biệt, hai đồ án quy hoạch của khu trung tâm hiện hữu 930ha và đồ án khu đô thị mới Thủ Thiêm do các đơn vị nước ngoài tư vấn có tính đến kết nối hai bờ đông - tây và quy hoạch một phần cảnh quan sông Sài Gòn gắn với đô thị. Ở quận Bình Thạnh, đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 bán đảo Thanh Đa đang được nghiên cứu cũng đề ra tiêu chí gắn kết dòng sông với đô thị. Tuy nhiên, những đồ án quy hoạch của các địa phương mới được phê duyệt gần đây, trong khi các dự án bất động sản, dự án nhà ở ven sông đã phát triển từ hơn 20 năm trước. Nhiều đoạn bờ sông chưa kịp quy hoạch đã được Nhà nước giao cho các chủ đầu tư làm dự án. Chính vì thế, không gian hai bên bờ sông Sài Gòn đoạn chạy qua các quận 2, 9, Thủ Đức bị chia cắt bởi các bức tường giữa các dự án, không có một không gian kết nối. Thậm chí tại khu Thảo Điền (quận 2), nhiều đoạn bờ sông trở thành không gian riêng của các biệt thự thuộc tư nhân. Phía bờ tây sông Sài Gòn nhiều năm trước là khu vực “bất khả xâm phạm” với những công trình cảng kéo dài từ cầu Sài Gòn đến Ba Son và cảng Khánh Hội phía quận 4. Hiện nay các cảng đã di dời, nhưng đoạn bờ sông đi qua trung tâm TP này cũng bị các dự án chia cắt thành những không gian riêng và có nguy cơ không gian bờ sông biến thành “của riêng” của những dự án bất động sản cao cấp, nơi chỉ dành cho cư dân trong dự án. Hiện mới chỉ có dự án Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) có dải công viên cây xanh dọc bờ sông, nhưng chủ yếu phục vụ cư dân của dự án. Hiện hai dự án cao cấp tại khu Tân Cảng và Ba Son đang hình thành, với những tòa nhà cao tầng mật độ dày đặc như một bức tường bêtông ngăn bờ sông với đô thị sau lưng. Dự kiến khu cảng Khánh Hội phía quận 4 cũng sẽ là dự án cao cấp với những tòa nhà chọc trời, mật độ xây dựng cao. Khu công viên bến Bạch Đằng là khu vực công cộng duy nhất để người dân TP kết nối với bờ sông hiện đang bị bỏ trống, nhếch nhác và chưa được đầu tư. Kết nối hai bờ đông - tây sông Sài Gòn là nhiều cây cầu đồ sộ với độ tĩnh không lớn như cầu Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2, Sài Gòn, một số cầu qua Thanh Đa và một cầu đi bộ nối giữa Thủ Thiêm và khu trung tâm hiện hữu của TP. Năm 2016, UBND TP cho phép xây dựng tuyến đường ven sông dài 1,1km từ dạ cầu Sài Gòn đến đường Hàm Nghi (quận 1). Tuyến đường này trên danh nghĩa kết nối bờ sông Sài Gòn, nhưng xét cho cùng chỉ phục vụ mục đích lưu thông thuận tiện của cư dân ở các dự án cao cấp như đã kể trên và trung tâm TP. Vừa qua, một công ty đề xuất UBND TP cho nghiên cứu xây dựng tuyến đường dọc sông Sài Gòn chạy từ Củ Chi đến quận 1 dài khoảng 50km.■ Tags: Quy hoạchQuy hoạch sôngĐô thị ven sôngSông trong đô thị
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Thanh tra 18 dự án bất động sản ở Hải Phòng, xác định trách nhiệm lãnh đạo thời kỳ liên quan THÂN HOÀNG 23/12/2024 Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra 18 dự án bất động sản ở Hải Phòng, chỉ ra nhiều hạn chế, vi phạm và kết luận trách nhiệm thuộc chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố thời kỳ liên quan.
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ trần THÀNH CHUNG 23/12/2024 Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã từ trần hồi 21h09 ngày 23-12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 102 tuổi.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.