TTO - Năm ngoái, vào khoảng thời gian này đã sớm nổi lên những tiếng kèn thắng trận, không chỉ thắng COVID mà thôi. Một năm sau, cục diện đang phần nào cân bằng trở lại, cho thấy không có một mẫu mực quản trị đại dịch độc nhất.
Câu chuyện nguồn gốc dịch COVID-19, vẫn chưa thể loại trừ khả năng xuất phát từ một sự cố phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mà tờ Le Monde 14-5 khui lại qua báo cáo của một số nhà khoa học trên đặc san Science 14-5, sẽ rất "ăn khách" nếu được công bố vào năm ngoái, bất kể tháng nào. Cũng thế, cuộc điều tra cơ sở này của WHO đầu tháng 2 năm nay không được chú ý mấy, không chỉ vì độ xác thực và độ "mỏng" của các kết quả!
Nay khi cuộc chiến chống COVID đã sang trang tại một số nước, khu vực, vấn đề đặt ra là "khôn sống, mống chết" trong cuộc sinh tồn không chỉ mang tính sinh học hay y học hiện giờ.
Cuộc chiến với COVID-19, có thể thấy, còn là cuộc chiến giành quyền bá chủ trong một thế giới của đại dịch. Ai cũng rõ vai trò của các chính phủ là gì trong cuộc chiến đó, bất luận nhìn từ góc độ nào. Những quả quyết của các tác giả Trung Quốc Jinrui Zhang (Trương Tân Thụy, Đại học Hà Hải, Nam Kinh) và Ruilian Zhang (Trương Tuệ Liên, Đại học Queensland, Úc), rằng "một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn là "nền tảng" để xác minh hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị đó" thật đáng chú ý.
Nghiên cứu của họ, tựa đề: "COVID-19 in China: Power, Transparency and Governance in Public Health Crisis" (tạm dịch: COVID-19 ở Trung Quốc: Quyền lực, sự minh bạch và quản trị công trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng) còn khẳng định: "Trong cuộc khủng hoảng này, sự thiếu nhận thức, kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ khiến người dân và nhân viên y tế gặp rủi ro". Hay như người Pháp vẫn nói: "Cai trị là tiên liệu".
Song trong thực tế đã có không ít trường hợp không tiên liệu gì được, hoàn toàn bị bất ngờ, hoặc biết rồi mà không phản ứng đủ. Hôm 9-3-2020, tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump còn cho rằng "bọn truyền thông giả mạo và cánh hẩu của chúng, Đảng Dân chủ, đang làm tất cả để thổi phồng tình hình virus corona".
Một phần bởi thế mà nghiên cứu nói trên viết: "Năm 2020 sẽ đi vào sử sách như một năm không chỉ cho thấy sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng, mà còn đánh dấu kỷ nguyên suy thoái về địa chính trị và thời điểm sụp đổ của hệ thống tân tự do trong thế kỷ mới này". Từ chống dịch tới ý thức hệ, và ngược lại, do đó, là một sự liên tưởng rất gần. "Cuộc khủng hoảng cho thấy những sai sót của sự thiển cận, sự bóc lột thái quá do lòng tin vào chủ nghĩa cá nhân".
Quả thật, không gì có thể nằm ngoài chính trị. Một hệ thống quản trị nhà nước khác là điều mà báo chí Trung Quốc cũng đã không ngớt nhắc đến, như lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez hôm 14-4 vừa rồi: "Sự bùng phát COVID-19 là một thử nghiệm lớn đối với mô hình và năng lực quản trị của tất cả các quốc gia" (Tân Hoa xã).
Global Times thì còn hùng hồn: "Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng sâu sắc trong hệ thống của phương Tây. Tuy nhiên, với một số nhân vật trong giới tinh hoa Hoa Kỳ… chẳng hạn như [Francis] Fukuyama, dù đã thừa nhận những thành tựu của Trung Quốc trong cuộc chiến COVID-19, nhưng họ lại coi những thành tựu này tách rời hệ thống của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện thái độ chung của giới tinh hoa Hoa Kỳ, rằng thành tựu của Trung Quốc không phải là chiến thắng về thể chế. Mặc dù số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 được xác nhận là cao nhất trên thế giới, giới tinh hoa Hoa Kỳ vẫn không sẵn lòng thừa nhận rằng chế độ "dân chủ tự do" đã không giúp họ chống lại đại dịch một cách hiệu quả".
Song đó cơ bản đã là chuyện năm ngoái. Giờ thì ở Mỹ và châu Âu, sau hơn một năm "cấm túc", tuần này, dân Pháp được đi quán xá, nối gót người Anh vừa được đi bar và ăn nhà hàng, trong khi dân Mỹ đang lần lượt bỏ khẩu trang. Tất cả nhờ vaccine.
Tiến sĩ Ayoade Olatunbosun-Alakija, thành viên Liên minh cung cấp vaccine cho Liên hiệp châu Phi, đã mô tả sự xuất hiện như nấm sau mưa của các vaccine COVID hiện nay: "Phép mầu của khoa học hiện đại, nghiên cứu và đổi mới đã đưa vaccine đến với chúng ta sớm hơn nhiều so với dự đoán, sự kết hợp giữa ý chí chính trị ở cấp cao và những ưu đãi tài chính khổng lồ. Các mối quan hệ đối tác công tư hiếm hoi và hợp tác quốc tế đã trở thành một viễn cảnh trong mơ đối với các nhà khoa học, khi họ cùng nhau nỗ lực hết mình và đưa một số "ứng viên" vaccine ra thế giới trong thời gian kỷ lục", theo trang chủ của Diễn đàn OECD.
Nhưng bào chế được vaccine mới là bước thứ nhất, còn rất nhiều bước nối tiếp nữa. WHO ngay từ đầu đã căn dặn cả thế giới rằng "không phải vaccine sẽ ngăn chặn đại dịch, mà là tiêm chủng". Vấn đề là làm sao "đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng", đồng thời "đảm bảo cho mọi quốc gia đều nhận được vaccine và có thể triển khai vaccine để bảo vệ người dân của họ, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất".
Điều đó cần đặt trong bối cảnh là ngay cả nếu sở hữu bản quyền vaccine được cung cấp miễn phí, không đồng nghĩa là các nước tự dưng sẽ có năng lực sản suất? Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala trả lời: "Nếu bạn định sản xuất vaccine, bạn cần nhiều thứ hoạt động cùng lúc. Nếu không có chuyển giao công nghệ, việc sản xuất sẽ không hiệu quả". WTO đang là nơi mà trái banh "miễn sở hữu trí tuệ vaccine" được đá tới đá lui.
Trên một bình diện khác, châu Âu và Hoa Kỳ có những chuẩn mực đăng ký vaccine và dược phẩm khác biệt, trên cơ sở các cơ quan cấp phép - FDA ở Mỹ và EMA ở châu Âu - đều độc lập, ít ra là tương đối, với nhà nước. Đó cũng là lý do họ không công nhận vaccine của Nga và Trung Quốc, vốn do nhà nước kiểm soát sản xuất.
Nghiên cứu "COVID-19 Vaccines And The Competition between Independent And Politicised Models of Regulation" (tạm dịch: Vaccine COVID-19 và cuộc cạnh tranh giữa các mô hình quản trị độc lập và bị chính trị hóa) của hai tác giả Eva Heims và Slobodan Tomic, Trường Kinh tế London, tóm tắt tình hình: "Trong khối các nước "không phải phương Tây", việc thiếu độc lập trong hoạch định chính sách quản lý đã cho phép sử dụng vaccine để củng cố quyền lực và tính chính danh trong nước… Ở các nước đang phát triển vaccine dưới sự chỉ đạo của nhà nước - Trung Quốc và Nga - thiếu cơ chế quản lý độc lập đã dẫn đến việc ra quyết định cho phép phê duyệt vaccine nhanh chóng, sau đó được sử dụng cho việc "đi trước" nhằm cạnh tranh với phương Tây".
Từ những điều đó, có hai kết luận rút ra từ tình hình mới năm nay: (1) không thể chống giặc bằng tay không; và (2) trật tự thế giới mới "theo COVID-19" vẫn chưa đến. Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là lâu dài.
TTO - Tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng được xem là chiến thuật hiệu quả nhất để kiểm soát đại dịch. Chích ngừa cho cả thế giới là một nỗ lực toàn cầu với quy mô lớn vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng đầy những thách thức và hình ảnh tương phản.
Theo The New York Times ngày 17-5, có 11 loại vaccine khác nhau đã được cấp phép sử dụng chính thức hoặc khẩn cấp tại ít nhất một quốc gia.
Tuy nhiên, các nước giàu đang hưởng phần lớn lợi ích từ vaccine. Chỉ 0,3% số liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu là ở 29 quốc gia nghèo nhất, nơi chiếm khoảng 9% dân số thế giới.
Tốc độ đó, và tổng lượng vaccine đã được sản xuất cho đến nay (1,7 tỉ liều theo ước tính của Hãng Airfinity), chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của thế giới - khoảng 11 tỉ liều để tiêm cho 70% dân số toàn cầu - ngưỡng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, theo ước tính của các nhà nghiên cứu Đại học Duke.
Việc sản xuất đang được tăng tốc, nhưng vấn đề là nguyên liệu thô và các trang thiết bị quan trọng thì lại thiếu. Và nhu cầu vaccine trên thế giới sẽ còn lớn hơn các con số ước đoán hiện tại, vì mục tiêu của vaccine COVID-19 là một mục tiêu di động: nếu các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện, cần phải chích thêm liều nhắc lại hoặc thậm chí thay đổi công thức vaccine.
Lúc đó nhu cầu sẽ tăng, và các nước sẽ có thêm động lực giữ nguồn cung sẵn có lại dành cho nội địa thay vì chia sẻ. Giải pháp duy nhất là phải tăng nguồn cung ứng vaccine toàn cầu, một bài toán không dễ giải.
Trên trang web của bang Minnesota (Mỹ) có thông tin chi tiết về quy trình vaccine đi từ kho của chính phủ liên bang đến bắp tay công dân ở bang, theo cơ chế phân bổ mỗi tuần.
Nói ngắn gọn, đầu tiên ngành y tế Minnesota phải tính toán số vaccine cần cho đợt triển khai kế tiếp, cũng như tiêm cho ai, nên giao đến đâu, rồi đặt hàng lên chính quyền liên bang vào thứ năm hằng tuần. Việc vận chuyển sẽ mất 1 - 5 ngày. Vaccine được chuyển đến các trung tâm tiêm chủng hoặc cơ sở y tế công, trước khi được phân phối tiếp cho các đơn vị cơ sở để tiêm cho nhân viên y tế và công dân. Nghĩa là mỗi đợt giao - nhận, một lô vaccine sẽ đi qua 3 điểm: kho của chính phủ => điểm tập kết ở Minnesota => điểm tiêm chủng.
Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng phần lưu ý cho mỗi khâu mới là quan trọng. Mỗi khi có vaccine được chuyển đến địa điểm cuối trong hành trình, các đơn vị phụ trách tiêm phải thiết lập các điểm tiêm nhanh chóng nhưng phải an toàn. Người trực tiếp cầm ống tiêm phải được huấn luyện đầy đủ.
Sở dĩ phải đặt hàng đúng số lượng cần cho từng đợt là vì vaccine được chích rộng rãi ở Mỹ là của Pfizer, vốn phải được tiêm trong vòng 6 tiếng kể từ khi mở lọ và lấy mũi đầu tiên. Mỗi điểm tiêm cũng phải tính toán số lượng người được chích ngừa để tránh lãng phí. Các điểm tiêm, bao gồm hiệu thuốc, phải báo cáo số lượng tiêm về Sở Y tế Minnesota.
Mỗi khâu nói trên đều đòi hỏi cơ sở vật chất sẵn có, năng lực quản trị, nhân lực và vật lực để mỗi thứ diễn ra trơn tru như ý. Đó là chưa tính đến có sẵn nguồn cung vaccine để phân bổ hay chưa. Không phải quốc gia nào cũng có điều kiện như Mỹ, chưa kể tình hình dịch bệnh các nước cũng khác nhau.
Các nước thu nhập thấp và trung bình thiếu đủ thứ, không chỉ tiền mua vaccine mà còn để đảm bảo cơ sở hạ tầng, nhất là nếu dùng vaccine phải trữ cực lạnh theo yêu cầu chuẩn như Moderna (-20°C) và Pfizer (-70°C). Việc vận chuyển và phân phối vaccine Pfizer là một thách thức lớn về hạ tầng và chi phí cho các hệ thống cung ứng y tế, vốn chỉ xử lý vaccine trữ ở nhiệt độ 2°C đến 8°C.
Các nước nghèo dĩ nhiên sẽ gặp trở ngại lớn hơn. Tại Peru có 30 tủ siêu lạnh có thể trữ vaccine Pfizer, nhưng chúng đều nằm ở thủ đô Lima. Những tủ đông này muốn sản xuất mới phải chờ 4-6 tuần, trong khi nhập về thì giá cực đắt: 10.000 - 25.000 USD/chiếc.
Ngoài tiền nong ra còn chuyện năng lực; đến một nước y tế tiên tiến, bảo hiểm toàn dân như Nhật vẫn bị động trước việc triển khai vaccine COVID-19. Theo Hãng tin AP, Nhật đã chắc chắn có 344 triệu liều vaccine, đủ để dùng cho toàn dân từ đây đến cuối năm. Số này gồm 194 triệu liều Pfizer, 120 triệu từ AstraZeneca và 50 triệu của Moderna. Các lô hàng đã chuyển đến Nhật từ tháng 5 này, và khoảng 7 triệu liều hiện vẫn nằm yên trong tủ đông, chưa hề được sử dụng, theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật.
Nguyên nhân, theo giới chức Nhật, là vì không có đủ nhân sự để chích ngừa. Trong khi ở Mỹ, người dân có thể ghé tiệm thuốc tây để dược sĩ tiêm cho, hay ở Anh huy động tình nguyện viên không cần nền tảng y khoa, chỉ cần tập huấn ngắn là được làm người tiêm, thì văn hóa bảo thủ của Nhật không cho phép điều đó. Chỉ có bác sĩ và y tá Nhật được phép là người tiêm vaccine.
Theo AP, các nha sĩ đã tình nguyện được tham gia, thậm chí đã được cấp phép, nhưng chưa có ai được huy động. Ngay cả khi có thêm lực lượng bổ sung này, Chính phủ Nhật vẫn cần phải nới lỏng quy định về nhân sự tiêm chủng hơn nữa, theo tiến sĩ Yasuharu Tokuda - giáo sư y khoa Đại học Tsukuba.
"Chính phủ hành động quá chậm và kém hiệu quả khi đối mặt với đại dịch - Tokuda nói với báo The Japan Times ngày 16-5 - Giờ là lúc tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để phòng hậu quả thảm khốc sau này. Dược sĩ và sinh viên y khoa có thể được tập huấn để làm nhân sự tiêm chủng khẩn cấp".
Tính đến ngày 13-5, hơn 5,59 triệu liều vaccine (đến nay Nhật mới chỉ dùng Pfizer) đã được tiêm ở Nhật, trung bình 65.000 mũi/ngày tính từ khi chiến dịch tiêm chủng diện rộng bắt đầu vào ngày 17-2. Tokyo đặt mục tiêu chích đủ 2 mũi cho khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên trước ngày 31-7, nhưng nhiều chính quyền địa phương cho biết sẽ không đạt được tiến độ này.
TTO - Hiện tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 trung bình trên thế giới là 19/100 người và con số này có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước. Tuy nhiên, với những nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao vẫn đang đau đầu với số ca nhiễm mới gia tăng đáng lo ngại.
Theo dữ liệu của dự án "Thế giới qua dữ liệu" của Đại học Oxford (Anh), hiện có ít nhất 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 với hơn 1,43 tỉ liều. Tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới thuộc về thiên đường du lịch Seychelles, ở Đông Phi, với 71% người dân được tiêm (tương đương 131.068 người), trong đó 63% người dân được tiêm đủ 2 liều. Những quốc gia rộng lớn và đông dân như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về số người được tiêm.
Có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới nhưng Seychelles cũng đang có tỉ lệ gia tăng số ca nhiễm mới trong số những người được tiêm, theo CNN. Ngày 11-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ kiểm tra số liệu về dịch bệnh COVID-19 của Seychelles, sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận có 1/3 số người đã được tiêm vaccine đầy đủ lại dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần đầu tháng 5.
Đến cuối tháng 4-2021, Seychelles vẫn được xem là thành công trong việc tiêm chủng diện rộng, chủ yếu bằng vaccine Sinopharm (Trung Quốc) mà WHO cho phép sử dụng khẩn cấp ngày 7-5 và vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất (43%). Nhưng ngày 10-5, Bộ Y tế Seychelles thông báo số ca nhiễm tăng vọt bất thường. Từ 120 ca ghi nhận ngày 30-4, một tuần sau, ngày 7 và 8-5, mỗi ngày nơi này có hơn 300 ca nhiễm.
Trong số những ca nhiễm mới, 63% là những người chưa hoặc đã được tiêm một liều vaccine Sinopharm hay AstraZeneca, 37% còn lại xảy ra ở những người đã tiêm đủ liều. Trong số những người phải nhập viện điều trị, 80% là chưa tiêm vaccine và có bệnh lý nền. Không có bệnh nhân đã tiêm đủ vaccine nào tử vong. Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê cụ thể trong số những người đã tiêm đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 được tiêm vaccine gì. Bộ Y tế Seychelles xác nhận tỉ lệ lây nhiễm cao và dương tính ở những người đã tiêm vaccine là điều đáng lo ngại.
Bác sĩ Kate O’Brien, giám đốc bộ phận miễn dịch - tiêm chủng và sinh phẩm của WHO, nhận định đây là "tình huống phức tạp" và cho biết đang liên lạc với Bộ Y tế Seychelles. Bà O’Brien nói: "Ở Seychelles, hơn 80% người trưởng thành đã được tiêm vaccine nhưng nhiều trường hợp mắc COVID-19 sau mũi tiêm thứ nhất, sau mũi tiêm thứ hai". Theo bà, cần xác định chủng virus nào đang lưu hành ở Seychelles, các trường hợp mắc COVID-19 ở người được tiêm xảy ra khi nào và mức độ nghiêm trọng của bệnh. "Chỉ khi có đánh giá này mới có thể kết luận các trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm là do vaccine không hiệu quả hay do đặc thù của mỗi ca bệnh", bà O’Brien nói.
Cassie Berry, giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Murdoch (Úc), nói rằng những gì Seychelles đang trải qua không hẳn sẽ xuất hiện ở các quốc gia khác. Tỉ lệ nhiễm bệnh sau tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại vaccine được tiêm, đặc điểm di truyền của dân số... Với dân số 97.000 người, Seychelles chỉ ghi nhận 9.118 ca dương tính và 32 ca tử vong từ đầu dịch đến nay. Tuần trước, Seychelles đã hạn chế một số hoạt động tập trung đông người ở không gian công cộng nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.
Trong nhóm 10 nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao, Chile và Maldives xếp ở vị trí thứ 6 và thứ 7, cũng là những bằng chứng sống động về trường hợp đã tiêm nhiều nhưng số ca nhiễm mới cũng lắm. Tỉ lệ người đã được tiêm ít nhất 1 mũi của Chile là 48%, của Maldives là 57%, tỉ lệ đã tiêm đủ 2 mũi của Chile là 39% và của Maldives là 26%. Theo BBC, Chile đã ngủ quên trong chiến thắng ban đầu, sau khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cuối tháng 12-2020 diễn ra thuận lợi.
Sự gia tăng số ca nhiễm ở Chile do nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố quan trọng là biến thể mới của virus dễ lây lan hơn. Dư luận cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của vaccine khi hơn 93% liều vaccine được triển khai ở Chile là vaccine CoronaVac, do Công ty Sinovac (Trung Quốc) sản xuất. Hiệu quả của vaccine này chỉ đạt 50,4% tại Brazil nhưng đạt 65% ở Indonesia và 83% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, dịch bệnh tăng còn do Chile nôn nóng mở cửa lại từ tháng 11-2020 để đón du khách quốc tế; khẩu trang, rửa tay bị lơ là.
Tương tự, Maldives là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch vào tháng 7 năm ngoái. Cập nhật mới nhất cho thấy quốc gia này có 443.176 người được tiêm, tương đương 57% dân số. Maldives ghi nhận mức tăng kỷ lục 1.572 ca trong một ngày vào 12-5, trong khi tháng trước chỉ gần 100 ca. Bộ Du lịch Maldives đã tạm ngừng cấp thị thực du lịch cho khách đến từ các quốc gia Nam Á và những người quá cảnh tại các quốc gia này để né biến thể từ Ấn Độ.
Trong khi đó, tình hình lại có vẻ sáng sủa ở các nước Âu, Mỹ. Với hơn 55,4 triệu liều vaccine đã được tiêm, tương đương 54% dân số, từ ngày 17-5 phần lớn người dân Anh được trở về những thói quen thân thương cũ: ôm chào bạn bè khi gặp mặt, uống bia tại quán, ngồi ăn tại nhà hàng, đi xem phim… sau 4 tháng phong tỏa toàn quốc do COVID-19. Theo Reuters, người dân mừng vui đến độ nhiều người muốn ôm tất cả mọi người họ gặp. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người phải 3 lần ra lệnh phong tỏa toàn quốc, kêu gọi người dân lạc quan một cách thận trọng, ôm nhau cẩn trọng vì biến thể ở Ấn Độ vẫn là mối đe dọa không thể bỏ qua.
Đứng thứ 10 trong nhóm các nước tiêm vaccine nhiều nhất thế giới, Mỹ cũng đang tận hưởng vị ngọt của thành công khi chứng kiến số ca bệnh giảm nhiều và có thể bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, theo CNBC.
Những nước đội sổ về tỉ lệ tiêm vaccine thấp chủ yếu là các nước châu Phi, một số nước ở Mỹ Latinh và châu Á. Theo tờ báo Đức Deutsche Welle, ở Pakistan, đằng sau tỉ lệ tiêm chủng 1,4% dân số của nước này (tính đến ngày 16-5) là sự mờ nhạt về truyền thông khuyến khích tiêm chủng và hạn chế về nguồn cung vaccine. Kết quả là Pakistan, với hơn 224 triệu dân, lại chứng kiến đến 9.883 ca nhiễm mới trong ngày 17-5. Tổng ca nhiễm từ đầu dịch đến 17-5 ở Pakistan là 877.130 với 19.543 người tử vong. Càng chậm tiêm vaccine, các biến thể mới từ Brazil, Nam Phi, Anh, Ấn Độ càng có thể làm tình hình thêm phức tạp.
Theo một nghiên cứu mới công bố dựa trên giải trình tự gen từ các mẫu thu thập từ tháng 2-2021 đến nay, biến thể có nguồn gốc từ Anh chiếm 90% trong làn sóng dịch thứ 3 hiện nay tại Pakistan. Mặc dù chính quyền trung ương lẫn chính quyền các địa phương đều thành lập hàng trăm điểm tiêm chủng nhưng với tốc độ tiêm chủng "rùa" hiện nay, theo bác sĩ Abdul Ghafoor Shoro thuộc Hội Y học Pakistan, đất nước này sẽ cần một thập niên để tiêm vaccine cho toàn bộ người dân.
Khó khăn của Pakistan là tin đồn về hiệu quả của vaccine, đặc biệt là vaccine AstraZeneca, đang rầm rộ trên mạng xã hội, trong khi nỗ lực cung cấp thông tin khoa học, giải thích vì sao người dân cần tiêm vaccine, kể cả của AstraZenaca, của chính phủ là không đủ. Một số giáo sĩ và cá nhân có ảnh hưởng công khai kêu gọi người dân không đi tiêm vaccine. Những lời xuyên tạc này không mới. Nhiều năm qua, các giáo sĩ và những người Hồi giáo cực đoan vẫn phản đối vaccine bại liệt khiến Pakistan là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới vẫn còn lưu hành căn bệnh này.
Hệ thống đăng ký tiêm chủng chập cheng càng không giúp cải thiện tốc độ tiêm chủng ở Pakistan. Chưa nói đến việc hệ thống đăng ký tiêm chủng được triển khai quá chậm, cách thức đăng ký trên web khó khăn... Nếu có lý do khiến người Pakistan cảm nhận tầm quan trọng của vaccine thì đó chính là nỗi đau mất đi người thân của họ ở Ấn Độ - quốc gia bị dịch bệnh COVID-19 tàn phá từ tháng 4-2021 đến nay.
Nguyên nhân cuối cùng và lớn nhất khiến việc triển khai chậm ở Pakistan, theo bác sĩ Abdur Rashid, thuộc Cơ quan Quản lý thuốc của Pakistan, là do thiếu vaccine trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tranh giành nguồn cung. Một số chuyên gia y tế hi vọng Pakistan sẽ sớm giải quyết được tình trạng này, họ đang liên hệ với Trung Quốc và các nhà sản xuất vaccine khác.
Tuần đầu tháng 5-2021, chính quyền liên bang Pakistan cho biết tốc độ tiêm vaccine đang tăng lên với khoảng 200.000 người được tiêm mỗi ngày. Họ cũng tổ chức các đơn vị tiêm chủng di động để phục vụ những người bị bệnh liệt giường và người khuyết tật.
Tháng 1-2021, Nam Phi là nước đầu tiên ở châu Phi đảm bảo được nguồn cung vaccine. Nhưng đến nay, tốc độ tiêm chủng của nước này đang chậm hơn các nước Senegal, Ghana, Nigeria, Kenya, Zimbabwe và Botswana với chỉ 0,8 người được tiêm trên 100 dân. BBC nhận định: nếu nhà chức trách chuẩn bị tốt hơn, có lẽ hàng triệu người dân Nam Phi đã được tiêm vaccine chứ không phải chỉ gần 500 ngàn người (tính tới ngày 18-5).
Chiến lược vaccine của Nam Phi ban đầu chủ yếu dựa hoàn toàn vào cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do WHO hậu thuẫn. Nhưng chính COVAX cũng lâm vào thế kẹt khi không được cung ứng đầy đủ vaccine, khiến Nam Phi và hàng loạt quốc gia bị "bể kế hoạch". Vấn đề chưa dừng lại ở đó, tháng 1-2021 Nam Phi đạt được thỏa thuận mua vaccine của AstraZeneca từ Viện Serum của Ấn Độ. Nhưng đến tháng 2-2021, một nghiên cứu trên khoảng 2.000 người kết luận rằng vaccine này chỉ bảo vệ tối thiểu với các trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ và trung với biến thể Nam Phi, vốn phổ biến ở quốc gia này. Hậu quả là chương trình tiêm chủng bị tạm ngừng và Nam Phi bán 1 triệu liều vaccine cho tổ chức Liên minh châu Phi (AU).
Giáo sư Shabir Madhi, người đứng đầu thử nghiệm vaccine AstraZeneca ở Nam Phi, cho biết đây là quyết định sai lầm vì lượng vaccine này vẫn cần với những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao. Sai lầm này đã làm chiến dịch tiêm chủng của Nam Phi bị đẩy lùi nhiều tháng.
Tháng 2-2021, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine COVID-19 một liều do Hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất sau khi có nghiên cứu cho thấy vaccine J&J cung cấp sự bảo vệ tốt hơn trước biến thể Nam Phi. Tuy nhiên, một lần nữa, việc sử dụng vaccine J&J bị ngừng ở Nam Phi sau khi Mỹ tạm dừng triển khai vaccine này để nghiên cứu về 6 trường hợp bị biến chứng đông máu hiếm, mặc dù sau đó Nam Phi tiếp tục sử dụng J&J.
Thách thức hiện nay của Chính phủ Nam Phi là cần giải tỏa tâm lý e ngại vaccine cho người dân để đẩy nhanh tốc độ tiêm. Trong năm 2021, Nam Phi đã đảm bảo được 51 triệu liều vaccine COVID-19 của J&J (31 triệu liều) và Pfizer/BioNTech (20 triệu liều). Từ đầu tháng 5, tất cả các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine. Từ ngày 17-5, người trên 60 tuổi và có bệnh lý nền được tiêm vaccine và đến tháng 11-2021 sẽ tiêm vaccine đại trà. Nam Phi đặt mục tiêu đến tháng 3-2022 sẽ tiêm chủng cho 40 triệu dân - khoảng 2/3 dân số cả nước.
TTO - Cho tới ngày 18-5, Việt Nam nằm trong số các nước có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp: khoảng 1% dân số. Vấn đề đáng lo nhất là nguồn vaccine hạn chế.
Đến ngày 17-5, gần 1 triệu người Việt (khoảng 1% dân số) đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Phần lớn là mới tiêm 1 mũi, số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là 23.000 người. Loại vaccine đang sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay là AstraZeneca, với tỉ lệ gặp phản ứng phụ loại nhẹ sau tiêm khoảng 30%. Đây là một tỉ lệ tiêm vaccine ở mức rất thấp trên thế giới.
Trong các cuộc họp gần đây, Bộ Y tế liên tục trấn an rằng đã tìm các nguồn để có vaccine nhưng chuyện này không dễ dàng. "Câu hỏi hóc búa là từ nay đến cuối năm có bao nhiêu vaccine? AstraZeneca đến nay có thể bán cho Việt Nam 30 triệu liều, đã về lô 117.200 liều, còn lại về trong quý cuối năm. Vaccine do Liên minh COVAX điều phối là hơn 38 triệu liều. Nguồn từ Pfizer (Mỹ) đang đàm phán mua 31 triệu liều mặc dù đang có những vướng mắc do vaccine phải bảo quản -75 độ C, nhưng Chính phủ rất quyết tâm mua", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc giao ban với báo chí vào tuần trước.
Tổng cộng ba nguồn kể trên, Việt Nam có khoảng 100 triệu liều. Xét theo nhu cầu cần khoảng 150 triệu liều trong năm nay để tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên thì số lượng nói trên mới đáp ứng khoảng 2/3. Tuy nhiên, đây vẫn là dự kiến và khó nói được chính xác bao giờ vaccine về.
Tháng 3 vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cảnh báo vaccine sẽ về chậm hơn so với dự kiến. Theo kế hoạch ban đầu, tháng 4 và 5 sẽ có khoảng 5 triệu liều vaccine về Việt Nam nhưng thực tế chỉ hơn 2,5 triệu liều, thời gian giao cũng chậm hơn dự kiến.
Từ tháng 2-2021 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 3 lô vaccine, tổng số khoảng 2,6 triệu liều. Trong tình huống hiện nay, thời điểm vaccine tiếp tục về Việt Nam và số lượng vaccine sẽ luôn thay đổi, do nhu cầu vaccine trên thế giới đang tăng cao, phải tranh nhau để mua vaccine. "Đáng lẽ vaccine đến Việt Nam trước, nhưng dịch COVID-19 nóng ở Campuchia nên vaccine được COVAX chuyển sang Campuchia. Ở đâu dịch nóng thì vaccine được ưu tiên chuyển tới nơi đó, nhằm tăng hiệu quả của vaccine đối với nơi đang cần", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích.
Để phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước, Bộ Y tế đã đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ở Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh... Nhưng nhà sản xuất vaccine Nga và Trung Quốc đều không cam kết số lượng. Các nguồn khác có cam kết số lượng nhưng đặt ra nhiều yêu cầu: không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng, Chính phủ phải đứng ra đàm phán… và vaccine thường về chậm.
Theo nghị quyết 21 của Chính phủ, 20% dân số cả nước thuộc nhóm nguy cơ cao, tuyến đầu chống dịch, người nghèo, cận nghèo sẽ được đảm bảo nguồn và chi phí tiêm chủng. 80% dân số còn lại thuộc đối tượng tiêm chủng, khả năng cao sẽ xã hội hóa việc tìm nguồn vaccine. Nguồn này có thể từ các nhà tài trợ, đóng góp từ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tiêm chủng cho cán bộ, công nhân viên của công ty mình.
Hiện nay, ngoài các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh thông báo sẽ tiêm chủng miễn phí toàn bộ công dân có chỉ định tiêm chủng trong địa phương mình thì TP.HCM thông báo mua thêm 5 triệu liều vaccine.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội là một trong số ít các địa phương (cùng Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…) công bố sẽ dành ngân sách mua vaccine tiêm cho tất cả những người dân có chỉ định tiêm. Theo ông Hạnh, ngoài ngân sách của thành phố, Hà Nội dự định sẽ kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc. Hà Nội đã đăng ký với Bộ Y tế nhờ hỗ trợ tìm nguồn mua, tuy nhiên tìm nguồn mua vaccine cực kỳ quan trọng.
Hiện đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 của Chính phủ khoảng trên 19 triệu người nhưng đến nay mới tiêm được gần 1 triệu, chưa có nguồn để tiêm rộng rãi.
Trong khi nguồn cung vaccine nhập khẩu đang khó khăn, hi vọng đang đặt vào nguồn vaccine nội địa. Dự kiến cuối tháng 5 này, vaccine nội bắt đầu bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu việc thử nghiệm suôn sẻ thì cuối tháng 7 sẽ xong, sau đó là đánh giá cuối kỳ và chuẩn bị hồ sơ đăng ký lưu hành. Công suất vaccine nội chỉ riêng Công ty Nanogen (đơn vị thử nghiệm giai đoạn 3 đợt này) là 6 triệu liều/tháng, đủ nhu cầu sử dụng trong nước.
TTO - Ở một khía cạnh nhất định, Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không khác gì dưới thời Donald Trump. Là nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 thứ nhì thế giới, Mỹ vẫn mua thêm vaccine và muốn trước hết phải bảo đảm nhu cầu trong nước đã. Washington cũng hứa hẹn 80 triệu liều đóng góp (bán) cho thế giới, nhưng việc triển khai thì phải từ từ. Và ngay cả 80 triệu liều đó cũng như muối bỏ biển mà thôi.
Anh, một trong những nước làm ra lượng vaccine lớn nhất thế giới, cũng chỉ nhập thuốc mà không chịu bán ra. Ấn Độ, hiện là điểm nóng bi thảm nhất với 4.000 người chết mỗi ngày, cũng khóa mọi nguồn xuất khẩu với lý do tương tự.
Nếu Mỹ, Anh và Ấn Độ duy trì biện pháp này, phần thế giới còn lại sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào vaccine từ Đức, Nga và Trung Quốc. Chính Liên minh châu Âu (EU) cũng thiếu thuốc sau khi xuất đi 77 triệu liều vaccine cho 33 quốc gia, trong đó có Anh và cả Mỹ. Chương trình nghị sự của họ nay bao gồm việc nước nào không xuất khẩu thuốc cũng sẽ không được mua thuốc. Nếu cuộc chiến vaccine này không chấm dứt sớm, tất cả sẽ cùng thua.
Tháng 3 bắt đầu với những chỉ dấu lạc quan. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ở Amsterdam cho biết đã bắt đầu quy trình thẩm định cuốn chiếu để cấp phép cho Sputnik V. Từ nay trở đi, các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng sẽ được Nga cấp tốc nộp cho Amsterdam nhằm bảo đảm cấp phép sớm nhất cho thị trường EU.
Quả là một tín hiệu đáng mừng, ngay cả khi EU biết Nga sẽ không thể tạo bước đột phá đáng kể vì tiềm lực sản xuất còn chưa đủ cho nhu cầu trong nước. Nhưng khi mỗi mũi tiêm có tiềm năng cứu một hay nhiều mạng người thì người ta nên vui mừng với mỗi cái bắt tay, ngõ hầu tách cuộc chiến chống dịch ra khỏi mọi mối xung đột địa chính trị chưa bao giờ hạ nhiệt.
Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen hứa với 27 nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh rằng đến tháng 9 châu Âu sẽ có chừng 1,1 - 1,8 tỉ liều vaccine, đủ cho mọi người dân EU trưởng thành được tiêm phòng đủ hai mũi.
Tiếc rằng đó là tín hiệu đáng mừng cuối cùng của nửa đầu năm 2021, bởi vì sau đó dồn dập toàn tin dữ.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tìm đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanjahu để tạo ra mối làm ăn theo hướng "không phụ thuộc vào EU nữa" về vaccine. Trước đó, Hungary đã đơn phương đặt mua Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc từ lâu. Thủ tướng Czech Andrej Babis thì qua mặt EMA để tự đặt kế hoạch ưu tiên cấp phép sớm cho Sputnik V, hầu như chắc chắn Croatia sẽ làm theo. Cùng hội cùng thuyền còn có Úc, Na Uy, Hi Lạp, New Zealand, Israel... - những nước tự coi mình thuộc "nhóm đi đầu" trong chiến dịch tiêm chủng nhưng trên con đường riêng!
Chiến tranh vaccine là có thật. Đơn cử, Ý vận dụng ngay cơ chế kiểm soát xuất khẩu mà EU vừa ký chưa ráo mực hồi tháng 1 để chặn 250.000 liều AstraZeneca của nhà sản xuất Anh - Thụy Điển toan gửi sang Úc. Rồi khi Ủy ban EU đàm phán xong để mua 1,8 tỉ liều vaccine từ BioNTech/Pfizer cho đến năm 2023 thì một nước thành viên duy nhất lại không chịu ký. Pháp làm mình làm mẩy vì BioNTech/Pfizer (Đức/Mỹ) sản xuất vaccine rất thành công ở Bỉ và Đức, Moderna (Mỹ) có xưởng ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, trong khi Pháp chưa có sản phẩm nào trình làng và cũng không ai chọn nước này làm nơi sản xuất, khiến Tổng thống Emmanuel Macron chịu áp lực lớn từ dư luận trong nước.
Không có bộ luật nào trên thế giới cấm được con người cố gắng bảo toàn sự sống, do đó nhiều quốc gia chưa dám hình sự hóa các mẹo vặt để được tiêm chủng ngoài thứ tự ưu tiên, thậm chí còn không phạt vi cảnh. Dù khó thông cảm nhưng cũng dễ hiểu, khi ai nấy đều muốn vớ lấy cái phao gần nhất khi tàu chìm.
Nhưng những gì cá nhân làm không nhất thiết được đánh đồng với nhà nước, vốn có trách nhiệm quản lý và điều tiết. Ở đây có lẽ nên nhớ đến khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Mặc cho người ngoài lắc đầu ngán ngẩm, dân Mỹ cho chuyện đó là dĩ nhiên. "Người không vì mình, trời tru đất diệt" là đây!
Hơn một năm trước, khi vaccine COVID đầu tiên lờ mờ hiện ra nơi chân trời, hay đúng hơn là tại Công ty CureVac ở Tübingen (Đức), ông Trump lập tức triệu tập họp kín ngày 2-3 tại Nhà Trắng với các công ty dược lớn nhất Hoa Kỳ. Tình cờ, rất tình cờ, trong cuộc họp đó có mặt Daniel Menichella - chủ tịch CureVac.
Xin kể lại vụ này một cách ngắn gọn: theo nguồn tin từ chính quyền Đức, Trump mời Menichella 1 tỉ USD để CureVac bán sản phẩm cho một mình Hoa Kỳ. Chính phủ Đức vội đàm phán với CureVac và tăng tài trợ nghiên cứu, nhưng không thành. Rốt cuộc, người ta phải dựa vào luật pháp để áp đặt vaccine của CureVac là "vấn đề an ninh quốc gia" nhằm tạm cấm xuất khẩu. Đến ngày 11-3, Menichella bay ghế chủ tịch hội đồng quản trị và 27 nước thành viên EU được quyền ưu tiên mua thuốc. Không ai biết với giá nào và nhờ những mánh lới chính trị nào.
Theo Tổ chức phân tích dữ liệu Anh Airfinity, tới cuối năm 2020 các quốc gia công nghiệp với 14% dân số thế giới đã đặt mua 53% lượng vaccine trên thị trường, trong khi các nước nghèo chưa có lấy một hợp đồng lận lưng. "Đặt mua" ở đây cũng chỉ là cách nói lịch sự. Trên thực tế, đây là một quá trình gây áp lực hoặc một cuộc tranh cướp công khai hay bí mật. Với sức mạnh tài chính của mình, các nước lớn có điều kiện đàm phán giá và tài trợ nghiên cứu để được ưu tiên mua thuốc. Những ai thấp cổ bé họng thì đành chấp nhận luật chơi trong bể cá mập.
Nhật báo De Tijd (Bỉ) nhận xét: "Trung Quốc và Nga vui mừng sử dụng vaccine của họ để đặt một chân vào khe cửa châu Âu và gây chia rẽ châu Âu trong cuộc chạy đua tìm vaccine. Họ tận dụng sự bất bình sẵn có, bởi Anh và Mỹ rõ ràng đã nhận được vaccine sớm, còn châu Âu thì lúng túng. Vì vậy đã xuất hiện một trò chơi quyền lực xoay quanh vaccine. Sự thống nhất của châu Âu bị lung lay, bởi các nước thành viên tự đi tìm mối hợp tác. Qua đó, lòng tin vào sự hợp tác châu Âu bị xói mòn thêm".
Trung Quốc và Nga không chỉ tận dụng hoàn cảnh để len vào EU. Họ còn đang nâng cao vị thế ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ bằng nỗ lực lấp đầy "khoảng trống vaccine". Ở đây EU đã thực sự thất bại. Chính sách mua thuốc của họ là một bi kịch. Quá trình cấp phép quá lề mề, gián tiếp tạo cơ sở cho Nga, Trung Quốc, và bây giờ cả Israel, tiến hành cái gọi là "nền ngoại giao vaccine". Nhận thuốc của ai thì ít nhiều phải nghe người ta nói.
Chưa bao giờ trên thế giới có một tốc độ lẫn quy mô nghiên cứu và phát triển thuốc tiêm chủng vĩ đại như hôm nay. Hơn 240 dự án nghiên cứu đang được tiến hành, và cứ cho là 75 - 80% thất bại thì ta vẫn hoàn toàn có quyền lạc quan. Tính toán thuần lý thuyết cho thấy chỉ riêng BioNTech/Pfizer có khả năng làm ra đủ thuốc cho cả thế giới trong vòng 3 năm. Nhưng mọi thành tựu ấy sẽ chỉ còn đọng trên giấy, khi biện pháp bế quan tỏa cảng chặt đứt chuỗi cung ứng bán thành phẩm. Ví dụ: 100% các nhà máy vaccine của Mỹ và châu Âu hiện phải mua lipid từ Anh, vốn là thành phần cơ bản của thuốc tiêm dạng mRNA. Brussels mà cấm bán thuốc cho Anh, London sẽ không thể không trả đòn.
Phía thua cuộc chắc chắn có các nước nghèo. Hiện tại 36 quốc gia trên thế giới chưa hề nhìn thấy dù chỉ một liều vaccine. Để cứu họ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thành lập sáng kiến COVAX nhưng không có tiền, bởi các nước "thừa" vaccine không biếu không mà đang đòi "ăn bánh trả tiền". Kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ lực lượng y tế ở các nước nghèo trong năm 2021 chắc chắn đổ bể, một phần vì sự cố ở Ấn Độ không ai lường trước được. Viện Serum của Ấn Độ, vốn dự định cung cấp cho COVAX 90 triệu liều thuốc vào cuối tháng 4, nay giữ lại để dùng trong nước. Tất nhiên không ai trách được "Ấn Độ trên hết", khi nước này còn không đủ củi thiêu xác. LHQ năn nỉ Hoa Kỳ, hiện đang có một lượng lớn AstraZeneca, nhưng chính quyền Joe Biden giả điếc và khóa chặt kho lạnh để bảo đảm mỗi người Mỹ được tiêm chủng lần hai.
Hiện LHQ đang tìm một lối thoát mới: tổ chức thượng đỉnh về tiêm chủng với sự tham gia của G6 (Hoa Kỳ, Anh, Đức, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc), cùng với EU, nó sẽ là một G7 mới của các "cường quốc vaccine". Tổ chức này sẽ phải có quy định rõ ràng nhằm bảo đảm vật liệu đầu vào, không quốc gia thành viên nào được phép chặn xuất khẩu chai lọ, dây chuyền đóng chai, lipid... Và tất cả phải tình nguyện đăng ký với một ngân hàng dữ liệu trung tâm để xác định hai câu hỏi then chốt: Ai cần gì? Ai có gì?
Liệu G7 thời corona có thành hình? Trong mấy tháng mùa hè này, dường như vận động tranh cử quan trọng hơn tinh thần quốc tế.
TTO - Nhiều người, sau bao tháng ngày chờ đợi và phải trả một số tiền không nhỏ, cuối cùng chẳng nhận được gì ngoài một mũi tiêm vô bổ. Họ đã bị lừa bởi những kẻ làm giả vaccine COVID-19.
Chính sự tuyệt vọng muốn mau chóng được chích ngừa đã tạo ra một "thị trường chợ đen" vaccine COVID-19 ở Mexico, theo phóng sự của tạp chí Slate ngày 12-5.
Gọi thế cũng không hẳn chính xác, vì thị trường chợ đen ít ra cũng bán đồ thật dù lấy giá cắt cổ. Đằng này, thứ được bán còn chẳng phải là vaccine.
Vào đầu tháng 2-2021, cơn sốt vaccine tăng cao ở thành phố Monterrey (bang Nuevo León, Mexico). Ai có điều kiện thì bay sang các thành phố như Houston, Dallas và San Antonio của nước láng giềng Mỹ để được tiêm ngừa ngay, gọi sang chảnh là "du lịch vaccine".
Những người khác, cũng tuyệt vọng không kém, đã mua "vaccine Pfizer" từ một phòng khám tư với giá từ 500 đến 1.200 USD/liều, theo trang web chính thức của Chính phủ bang Nuevo León.
Giữa tháng 2, cơ quan y tế của Monterrey đột kích phòng khám này và phát hiện vaccine giả bên trong một tủ mát - chỗ chỉ dành cho những chai bia. In trên các lọ vaccine là hạn sử dụng bị lỗi và số lô không trùng khớp với số lô mà Hãng Pfizer đã phân phối cho Chính phủ Mexico.
Khoảng 80 người đã bị lừa. Họ đã được chích, song chẳng hề được tăng khả năng miễn dịch trước virus corona. Tiền mất nhưng may mắn tránh được tật mang, vì họ chỉ rước một giọt nước cất siêu đắt đỏ vào người.
Theo Cơ quan Quản lý y tế quốc gia - COFEPRIS, vaccine giả chủ yếu được rao bán trên mạng, đặc biệt là qua mạng xã hội. Tổ chức này cũng khuyến cáo người dân không mua vaccine tại bất kỳ hiệu thuốc, bệnh viện, cửa hàng nào hoặc qua điện thoại. Theo Slate, từ đầu đại dịch đến nay, Chính phủ nước này đã gỡ bỏ ít nhất 2.300 trang web và trang mạng xã hội "chợ đen" liên quan đến các sản phẩm y tế thiết yếu, trong đó có vaccine.
Về nguyên tắc, không có chuyện mua bán vaccine COVID-19 ở Mexico, vì chỉ có chính phủ mới được phép tiêm chủng cho người dân. Nhưng quãng thời gian chờ đợi mòn mỏi của người dân và nguồn cung hạn chế từ phía chính phủ đã tạo điều kiện lý tưởng cho các nhóm lừa đảo, đặc biệt nhắm tới những người ít tiếp cận thông tin nhất hoặc những người tuyệt vọng nhất.
Người này đã rao bán kết quả xét nghiệm âm tính giả và vaccine BioNTech-Pfizer giả trên darknet - mạng Internet "ẩn", nơi người ta có thể truy cập các trang web đa số là phi pháp một cách ẩn danh. Thành phần chính của những lọ vaccine này hóa ra là một chất chống nếp nhăn. May mắn không có nạn nhân trong vụ lừa này.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) từng báo cáo về tình trạng vaccine giả hoặc vaccine bị đánh cắp ở Argentina và Brazil. Cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi hồi tháng 3 cũng đã thu giữ hàng ngàn liều vaccine COVID-19 giả và bắt giữ hàng chục người, theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Theo Tony Pelli, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Tiêu chuẩn Anh, phân phối vaccine giả dễ hơn chuyện ăn cắp rồi đem bán các lọ thuốc thật bởi các chính phủ và hãng dược đang triển khai các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.
"Với hàng giả, bạn có thể chỉ cần xuất hiện và nói: đây là vaccine COVID, chúng tôi đang có một ít, đừng hỏi bằng cách nào - và rồi bắt đầu phân phối chúng" - Pelli nói với báo The Wall Street Journal.
"Những cách làm giả vaccine kể trên, như sử dụng nước cất hay nước muối, có thể không gây hại sức khỏe ngay lập tức nhưng có thể giết chết lòng tin của người dân vào hiệu quả của vaccine" - bác sĩ Judy Stone, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Pennsylvania (Mỹ), viết trên Forbes.
Vaccine giả khiến người ta ngỡ rằng họ đã được bảo vệ và tự tin quay trở lại các hoạt động dễ lây bệnh như tụ tập đông người, cởi bỏ khẩu trang. Vaccine giả cũng có thể làm sứt mẻ các mối quan hệ quốc tế, khi nước này cáo buộc nước nọ tội phá hoại chất lượng vaccine của họ. "Một trong những rắc rối của những vụ gian lận này là chúng không chỉ làm tổn thương các cá nhân, mà còn làm tổn thương tất cả chúng ta" - Stone viết.
Theo The Wall Street Journal, các chuyên gia nói rằng rất dễ để phân biệt vaccine thật với vaccine giả. Lý do đơn giản chính là hiện nay vaccine hợp pháp chỉ được bán cho các chính phủ. Vậy nên bất kỳ vaccine nào rao bán trên Internet cũng là hàng giả và có thể gây hại cho bạn.
Để giải quyết nạn thuốc giả nói chung còn cần sự tham gia của ngành công nghiệp dược phẩm. Các hãng dược cần giám sát đường đi của các sản phẩm của họ trên thị trường và nhờ đó phát hiện những điểm bất thường.
"Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc giả" - Slate dẫn lời Josue Bautista, chủ tịch Hiệp hội Cảnh giác dược của Mexico. Ông tin rằng thông tin sẽ ngăn mọi người khỏi bị lừa đảo và khuyến khích họ tố cáo các hoạt động bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận