Để bước qua hoài nghi...

PHẠM THỊ LY 05/03/2016 18:03 GMT+7

TTCT - Tuyển sinh ĐH đã làm cả xã hội sôi sùng sục trong năm qua, năm nay tiếp tục nóng bỏng với nhiều quy định mới.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Vấn đề nổi bật đang thu hút sự chú ý của công luận là chủ trương ưu tiên xét tuyển đối với học sinh trường chuyên của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và một vài trường khác thông qua bài luận và thư giới thiệu. Xu hướng này sẽ tác động ra sao và có ý nghĩa như thế nào?

Trâu tìm cọc hay cọc tìm trâu?

Bức tranh tuyển sinh trong vài năm gần đây đã khác rất nhiều so với thập kỷ trước. Trước kia, cuộc chạy đua tìm một chỗ ngồi trong giảng đường rất quyết liệt, và chỉ có thành phần xuất sắc (kể cả phải có lý lịch “tốt” nếu là trong thập niên 1980) mới có chỗ trong nền giáo dục ĐH có tính chất tinh hoa.

Giờ mọi việc đã khác: tuyển sinh vào ĐH hiện nay chỉ còn là cuộc chạy đua vào các trường tốp trên mà thôi. Các trường công hạng trung, tầm thấp và các trường ngoài công lập thì ngược lại, phải làm công việc “cọc đi tìm trâu”, cạnh tranh nhau và khó khăn lắm mới giữ vững được số lượng.

Vì sao trong khi vẫn là mục tiêu cạnh tranh của thí sinh, các trường công tốp trên này vẫn phải nỗ lực đầu tư và đổi mới hoạt động tuyển sinh, thay vì ngồi chờ sung rụng, dù với họ có vẻ “sung” luôn có sẵn?

Tương tự, vì sao những trường công hàng đầu nước Mỹ, dù là niềm mơ ước của sinh viên nhiều nước, vẫn rất tích cực tìm kiếm những người học phù hợp với kỳ vọng của nhà trường? Đơn giản bởi “thương hiệu” nhà trường vẫn có giá trị quan trọng đối với sản phẩm giáo dục.

Khi người người có bằng cử nhân thì câu hỏi không phải là anh có bằng cấp hay không, mà là bằng cấp của trường nào. Các trường, để duy trì uy tín thương hiệu của mình, có động cơ tuyển chọn những người xuất sắc nhất vào học.

Câu hỏi đặt ra là: ưu tiên xét tuyển thông qua bài luận và thư giới thiệu có phải là một đổi mới đáng khích lệ trong bối cảnh Việt Nam? Nó có giúp nhà trường đạt được mục đích tìm kiếm những người xuất sắc mà họ muốn?

Theo một báo cáo của ĐH Harvard do David Hawkin thực hiện, cho dù có nhiều phương thức khác nhau, sự thật thì các trường vẫn coi điểm thi như một yếu tố cơ bản và dùng nó trước hết cho vòng loại. Đã có nghiên cứu cho thấy tương quan rõ rệt giữa hoàn cảnh kinh tế và thành tích học tập của học sinh phổ thông. Vì thế, dựa vào điểm thi sẽ tạo ra rào cản với những em thuộc tầng lớp thu nhập thấp và làm giãn rộng khoảng cách trong cơ hội vào ĐH, cũng như tạo ra một áp lực gây tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh nói chung. Điểm đầu vào cao cũng giúp cải thiện vị trí của các trường trong bảng xếp hạng, điều này càng khiến các trường dựa vào điểm thi và làm tăng thêm áp lực với học sinh.

Những chuẩn mực quốc tế 

Tuyển sinh qua hồ sơ, bài tự luận (essay) và thư giới thiệu không phải là phát hiện gì mới mẻ, mà là một thực tế phổ biến ở Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Đó là một trong nhiều thành tố hợp thành phương thức tuyển sinh mà các trường sẽ lựa chọn theo nhu cầu của mình, bao gồm kết quả học tập, rèn luyện ở bậc học phổ thông, hồ sơ thành tích các hoạt động ngoại khóa, phục vụ cộng đồng, kết quả bài thi kiểm tra năng lực (ở Mỹ là SAT hay ACT) nhằm mục đích đánh giá mức độ phát triển của tư duy, thư giới thiệu và bài tự luận cá nhân; phỏng vấn trực tiếp và bài thi năng khiếu.

Không phải trường nào cũng áp dụng đầy đủ các hình thức nói trên mà có thể lựa chọn một hay một số trong đó, tùy theo nhu cầu cụ thể của họ. Cũng như những lĩnh vực khác, giáo dục ĐH ở Mỹ có tính chất “thượng vàng hạ cám”.

Có những trường tuyển chọn ngặt nghèo, có trường nhận với yêu cầu rất thấp. Cách tuyển sinh của trường cũng nói lên rất nhiều về việc nhà trường đang tìm kiếm những sinh viên như thế nào.

Có những trường thì thành tích hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong xét tuyển, đặc biệt là trong trường hợp trao học bổng.

Lý do là vì nhà trường muốn chọn những người không chỉ có năng lực học tập xuất sắc mà còn có phẩm chất và tiềm năng lãnh đạo cộng đồng cũng như đóng góp tích cực cho xã hội. Một học sinh vùi đầu vào sách vở như một con mọt sách, không quan tâm đến những gì xảy ra ngoài xã hội, không dành thời gian cho những hoạt động công ích có thể sẽ không phải là đối tượng để họ trao học bổng, bởi những em như vậy có khả năng là hạn chế về kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo.

Trong lúc đó, ở Việt Nam từ xưa đến nay, việc tuyển sinh ĐH - CĐ gần như chỉ dựa trên tiêu chí duy nhất là điểm thi. Tuyển sinh dựa trên điểm thi đầu vào của một kỳ thi quốc gia có rất nhiều nhược điểm.

Trước hết, bài thi chủ yếu đo lường được kiến thức, khả năng ghi nhớ, năng lực tư duy, và trong nhiều trường hợp là khả năng “luyện tủ”, mà không đo được phẩm chất, tính cách, đặc điểm tâm lý, khả năng lãnh đạo.

Thêm vào đó, dễ thấy hệ quả của cách tuyển qua một kỳ thi viết là học sinh phổ thông chỉ tập trung toàn lực vào học vài môn mà không quan tâm các môn khác, những hoạt động khác. Chưa nói đến sự gian lận có thể xảy ra ở tất cả công đoạn từ thi đến coi thi, chấm điểm và phúc khảo.

Bởi những nhược điểm đó, hiện nay chỉ còn một vài nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là còn duy trì kỳ thi tuyển sinh đầu vào như trên, trong đó Nhật đã có kế hoạch và lộ trình để thay đổi hệ thống thi cử của họ. Những đổi mới như bài thi năng lực năm ngoái của ĐHQG Hà Nội hay xét tuyển qua thư giới thiệu và bài tự luận của hai ĐHQG năm nay chính là chuyển sang một hệ thống gần hơn với kinh nghiệm của Hoa Kỳ và châu Âu.

Lo ngại có cơ sở

Trong bối cảnh trên đây, cách tuyển sinh dựa vào thư giới thiệu và bài tự luận của thí sinh cần được xem là một cố gắng rất đáng khích lệ. Tuy vậy, có hai câu hỏi nảy sinh.

Một là: Thư giới thiệu và bài tự luận “đáng tin cậy” tới mức độ nào, trong bối cảnh gian lận tràn lan ở Việt Nam? Liệu có chăng, có tới mức độ nào, những bài luận viết thuê hay những thư giới thiệu giống nhau như một bản sao và chứa đầy những lời có cánh? Có cách nào hạn chế những khả năng tiêu cực ấy? Nếu không có cách nào hạn chế tiêu cực, cách tuyển sinh này sẽ tạo ra những hệ quả gì?

Hai là: Tại sao tuyển thẳng đối với học sinh trường chuyên? Điều này có tạo ra bất bình đẳng về cơ hội, thúc đẩy cuộc chạy đua vào trường chuyên và làm tăng xu hướng học lệch?

TS Nguyễn Quốc Chính, trưởng ban đào tạo ĐHQG TP.HCM, cho rằng mặc dù những lo ngại về sự không trung thực là có cơ sở, nhưng nhà trường vẫn có niềm tin vào thầy cô và học sinh.

Ông nói: “Nhà trường không vì lo mà không làm. Chúng tôi xác định phải làm để xã hội có cái nhìn tích cực hơn. Đây là nét văn hóa cần xây dựng ở Việt Nam - văn hóa tự chủ của học sinh, văn hóa giới thiệu người tốt của giáo viên.

Về thư giới thiệu của giáo viên, tôi cho rằng không thầy cô nào muốn viết quá lố hay quá hay cho một học sinh, vì họ có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Không có giáo viên nào muốn lạm dụng quyền hạn của mình”.

E rằng niềm tin vô điều kiện nói trên khó mà chứng minh được trong nhiều trường hợp thực tế. Viết thuê bài tự luận và thư giới thiệu là một tình trạng phổ biến ở Trung Quốc đối với những thí sinh nộp đơn vào các trường nước ngoài.

Một bài báo cho biết, để viết hộ bài luận xin học, có sinh viên đã phải trả 4.000 USD, chưa kể khoản 3.300 USD bồi dưỡng luyện các bài thi chuẩn hóa. 90% có thư giới thiệu mạo danh, 70% có người viết hộ bài tự luận, 50% gian dối với bảng điểm, 10% liệt kê những giải thưởng và danh hiệu mà học sinh đó chưa hề nhận.

Dù vậy, nếu vì lo mà không làm thì ta sẽ không bao giờ có đổi mới. Câu hỏi không chỉ là chúng ta làm gì, mà là làm như thế nào. Đặt niềm tin vào học sinh và giáo viên là điều tốt, nhưng niềm tin cần phải có cơ sở và những thiết chế làm bệ đỡ cho nó.

Chính vì vậy, ở những trường uy tín của Mỹ, phỏng vấn trực tiếp vẫn là không thể thiếu. Đối với sinh viên quốc tế, trước đây khi Skype chưa phổ biến, họ phỏng vấn qua điện thoại, ngày nay thì phỏng vấn trực tiếp xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xem xét hồ sơ là cách để thực hiện vòng loại, và phỏng vấn trực tiếp là khâu quyết định cuối cùng.

Thật ra, ĐHQG TP.HCM đã tiến hành chủ trương này qua từng bước thận trọng, vì năm 2015 họ đã thực hiện thí điểm quy trình xét tuyển dựa trên hồ sơ, thư giới thiệu và bài tự luận. Rủi ro do gian lận dẫn đến tuyển nhầm người đã được kiểm soát ở mức chỉ 10% chỉ tiêu được thực hiện theo cách này.

Tuy cách làm hiện nay không thể loại trừ gian lận dù đã bổ sung phương thức xét điểm theo quá trình, nhưng có thể coi đó như những bước đi ban đầu trong việc tiến gần hơn với thực tiễn quốc tế, làm giảm nhẹ áp lực thi cử và hướng tới những cách tuyển chọn có tính chất toàn diện hơn.

Có một sự hiểu lầm rằng hễ là học sinh trường chuyên, chỉ cần có thư giới thiệu và bài tự luận là được tuyển thẳng. Thật ra tuyển thẳng chỉ áp dụng cho học sinh trường chuyên có thành tích quốc gia hay quốc tế, theo chính sách chung của Bộ GD-ĐT đã áp dụng nhiều năm nay, và đối với ĐHQG TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh cho đối tượng này cũng chỉ hạn chế trong phạm vi 10%.

Thêm 10% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển qua hồ sơ đối với học sinh trường chuyên. Vì số đơn nộp có thể nhiều hơn số dự định tuyển, sẽ có sàng lọc qua tiêu chí định lượng, tức tính điểm trung bình cả quá trình học phổ thông theo tổ hợp môn tương ứng. Vì thế, chọn nhầm đối tượng là điều không thể hoàn toàn loại trừ, nhưng tỉ lệ sẽ không thể quá lớn.

Câu hỏi còn lại là những hệ quả không mong muốn khi hình thức này chỉ áp dụng cho trường chuyên, vì nó có thể kích thích chạy đua vào trường chuyên hay tạo ra thêm bất bình đẳng về cơ hội. Xét tuyển qua bài tự luận và thư giới thiệu là cách làm mới ở Việt Nam, vì vậy có thể coi cách làm của ĐHQG TP.HCM là thí điểm từng bước, và bắt đầu từ trường chuyên trước khi mở rộng đại trà là điều hợp lý.

Vấn đề là chúng ta cần lựa chọn một vài mắt xích ưu tiên để thử nghiệm những cách làm mới trên con đường hướng tới mục tiêu cải cách tuyển sinh. Cải cách tuyển sinh là vấn đề rất quan trọng, không chỉ giúp các trường chọn đúng đối tượng phù hợp cho mình mà còn định hướng cách học tập và rèn luyện của học sinh phổ thông.

Cách thi chỉ dựa vào điểm số sẽ khích lệ học sinh học tủ, học gạo, học vẹt, học lệch. Cách thi dựa vào xem xét toàn diện tính cách, phẩm chất sẽ khích lệ học sinh tham gia các hoạt động cộng đồng, qua đó phát triển khả năng giao tiếp, lãnh đạo và khích lệ tinh thần phục vụ. Cách thi không thể loại trừ gian lận sẽ khích lệ người khác gian lận và tạo ra bất công cho người trung thực.

Tất cả những vấn đề này sẽ nhẹ đi khi chúng ta coi tuyển sinh chỉ là bước đầu tiên của chặng đường ĐH, quá trình sàng lọc sẽ tiếp diễn ở những năm tiếp theo nhằm bảo vệ giá trị của tấm bằng tốt nghiệp và bảo đảm chất lượng đào tạo.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận