20/12/2018 09:49 GMT+7

Để bóng đá là môn thể thao quốc gia: Cần chiến lược dài hơi

NGUYỄN QUỐC HỘI
NGUYỄN QUỐC HỘI

TTO - Mở đầu bài viết tham gia diễn đàn, theo chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội: “Tiền đâu để làm bóng đá trẻ là vấn đề của nhiều CLB. Nhưng tôi nghĩ cứ làm với cái tâm, với tất cả nhiệt huyết thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể làm tốt bóng đá trẻ”.

Để bóng đá là môn thể thao quốc gia: Cần chiến lược dài hơi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hội (giữa) gặp gỡ đại diện CLB Bayern Munich để tiến tới việc hợp tác - Ảnh: QUỐC TUẤN

CLB Hà Nội đã và đang làm tốt công tác đào tạo trẻ, khi cung cấp một loạt cầu thủ tài năng từ các tuyến trẻ quốc gia đến đội tuyển VN. Và chúng tôi âm thầm mà làm. Ngay như chuyện tuyển sinh, CLB cũng chưa bao giờ thông báo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông khắp cả nước.

Với CLB Hà Nội, làm công tác đào tạo trẻ trước hết là cung cấp cầu thủ tài năng kế cận cho CLB và sau đó là cống hiến cho bóng đá VN. Chúng tôi có những vệ tinh của mình trải dài từ Nghệ An trở vào Hà Nội để sàng lọc ban đầu từ lứa U-11, trước khi trải qua một vòng tuyển chọn gắt gao nữa để đưa các em về Hà Nội đào tạo chuyên sâu.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm tới những tỉnh thành có phong trào bóng đá nhi đồng phát triển nhưng họ lại không làm tuyến trẻ hay có đội bóng thi đấu ở giải quốc gia như Thái Bình, Tuyên Quang... để chiêu mộ những cầu thủ tài năng về đào tạo theo con đường chuyên nghiệp.

Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu của tìm kiếm tài năng. Tìm kiếm tài năng là quan trọng, nhưng việc ươm mầm cho các tài năng có thể phát triển lại là một giai đoạn gian nan không kém. Nói vậy bởi có được hạt giống tốt nhưng thầy không giỏi, không tận tâm truyền nghề và giáo án cho các lứa U không xuyên suốt theo lối chơi mà CLB xây dựng thì cũng hỏng trong việc cho ra những cầu thủ giỏi.

Nhìn nhiều cầu thủ CLB đào tạo được gọi vào đội U-23, Olympic, đội tuyển VN và góp công vào những thành công lớn của bóng đá trong năm 2018, chúng tôi rất vui và tự hào. Nhưng để có được lứa cầu thủ tài năng đó đâu phải dễ dàng, vì ngoài chuyên môn cũng cần sự may mắn. 

Thật vậy, từ 100 cầu thủ nhí được chọn vào đội có khi chỉ đào tạo được 1 cầu thủ xuất sắc mà thôi. Chưa kể là có em thi đấu xuất sắc nhưng đến độ tuổi 17, 18 thì tài năng đi xuống dần.

Vậy thì làm cách nào để các CLB khác ở VN có thể đào tạo được một loạt cầu thủ xuất sắc gần như cùng thời điểm như CLB Hà Nội đã làm với lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Huy?

Chúng ta cần có một chiến lược dài hơi, tìm kiếm kinh phí và điều quan trọng nhất là quyết tâm thực sự cho công tác đào tạo trẻ. Kinh phí cho đào tạo trẻ dĩ nhiên là cần phải có, vì nếu không tiền thì các CLB làm sao cho các em ăn sáng, uống sữa hằng ngày để nâng cao thể hình và thể lực.

Tại CLB Hà Nội, các em đều được lo hết mọi thứ, chỉ tập trung tập luyện và thi đấu. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải có tâm, có nhiệt huyết. Các CLB Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp cũng khó khăn về kinh phí nhưng tại sao họ vẫn làm tốt đào tạo trẻ? Do đó, tài chính chỉ là một yếu tố. Nếu có tâm và nhiệt huyết, chúng ta sẽ tìm kiếm được tài chính để làm bóng đá trẻ.

Các CLB đều có doanh nghiệp lớn đóng tại địa phương của mình. Nếu xây dựng được kế hoạch đào tạo trẻ bài bản và khoa học, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào là điều không khó. Càng làm tốt bóng đá trẻ hoặc có nhiều học viện bóng đá liên kết với các CLB lớn của nước ngoài, bóng đá VN sẽ càng hưởng lợi với nguồn cầu thủ kế cận dồi dào.

CLB Hà Nội muốn vươn xa hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hội cho biết CLB Hà Nội vẫn chưa hài lòng với những gì họ làm được trong công tác đào tạo trẻ.

Ông Hội chia sẻ: "Ngoài việc nhà tài trợ của đội - Ngân hàng SHB - hợp tác với CLB Manchester City (Anh), chúng tôi còn đang thương thảo với một "ông lớn" khác của bóng đá thế giới về đào tạo trẻ là Bayern Munich (Đức) để làm bóng đá trẻ tốt hơn nữa. Hiện chúng tôi đang thương thảo để tiến tới hợp tác toàn diện với CLB Bayern Munich.

Ngoài việc hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong bóng đá, chế độ dinh dưỡng, chữa trị chấn thương, chúng tôi còn muốn liên kết để mở Học viện bóng đá Bayern Munich tại Hà Nội để đào tạo cầu thủ trẻ chuyên nghiệp hơn".

Thăm dò ý kiến

Bạn có đồng ý với đề xuất chọn bóng đá làm môn thể thao quốc gia?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Ông Đoàn Nguyên Đức: Nên mở thêm nhiều học viện bóng đá

TTO - Tham gia diễn đàn 'Để bóng đá là môn thể thao quốc gia', ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho rằng đây là thời điểm chín muồi để có thêm nhiều vườn ươm tài năng.

NGUYỄN QUỐC HỘI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên