Tỉnh Cà Mau huy động lực lượng vũ trang tham gia cứu hộ đê biển Tây - Ảnh: THANH MINH
Biển cũng có chu kỳ bồi, lở. Nhiều vùng biển phía Nam hiện đang giai đoạn lở. Sức tàn phá của sóng biển rất khắc nghiệt. Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau từ khoa học và kinh nghiệm thế giới.
Cố tiến sĩ hải dương học Trương Đình Hiển
Xóm làng tan tác
Ngày trước, ven biển Tây được bao bọc bởi vành đai rừng ngập. Ông Châu Phước Thừa (huyện U Minh, Cà Mau) kể hồi đó dân xứ này mỗi năm lội ra biển càng thêm cực khổ. Bởi rừng thì cứ lấn xa ra, nhà thì bị bỏ lại sâu trong đất liền.
"Lúc chưa có con đê, ruộng rẫy làm chẳng được bao nhiêu. May nhờ có rừng nên dân ra đó mò cua bắt ốc sống được. Gặp như bây giờ chắc đói…" - ông Thừa kể trước nhà mình ngày xưa rừng nối ra cả cây số. Giờ thì trước nhà chỉ còn loe hoe vài cây mắm oằn mình trong sóng gió. Tháng trước, sóng gió lớn đã làm một trong những cây đước hiếm hoi còn lại, dấu tích cuối cùng của cánh rừng phòng hộ ven biển, bị bật gốc. Dải rừng một thời phủ xanh vùng bờ biển cong qua những vùng đất mới coi như bị xóa sổ.
Năm 2018, gặp chúng tôi khi đang sống trong nỗi thấp thỏm vì biển sẽ tấn công đến xóm nhà, bà Bành Kim Hía (71 tuổi, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang) than thở: "Hồi xưa, giặc giã có đuổi đi thì dân ở đây cũng bám trụ để giữ đất. Giờ hòa bình rồi mà không giữ được đất, phải chạy để giữ mạng sống. Nghĩ lạ đời!".
Trước đây, cũng có con đê "quốc phòng" chạy ven biển Tây che chắn cho các xóm dân. Đó là khi biển dã còn hiền. Những năm trở lại đây, theo các bậc cao niên địa phương, biển đã "đổi tánh", thay vì bồi đất thì quay ngược trở lại "gặm" hết rừng, đến đất đai và nhà cửa của dân cũng không yên.
Khi đó, nơi bà Hía sống là xóm dân ven biển đông đúc, người làm nghề biển, người nuôi cá tôm, dịch vụ nghề cá… Bà Hía có mười mấy công đất, sống quây quần bên các em, chòm xóm. Đây là địa phận giáp ranh giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang. Nếu như trên địa bàn Cà Mau, phía biển là bờ kè "tạo bãi" chắn sóng, trên là con đê ôtô tới nơi, thì bước qua địa phận Kiên Giang, đoạn giáp ranh Cà Mau hầu như không còn công trình nào bảo vệ cuộc sống của dân.
Cuối năm 2020, khi chúng tôi trở lại nơi này thì xóm làng biến mất. Hỏi thăm bà Hía, gia đình bà Nguyễn Thị Kềm cho hay sóng đánh mất hết đất đai, bà Hía cùng nhiều hộ dân ở đây đã đi nơi khác sinh sống. Ngoài gia đình bà Hía còn có nhà Út Dừa Khô, Ba Dân, Huế Cường, Tấn, Bành Nơi… cũng chung cảnh ngộ. Nhà bà Kềm là hộ dân cuối cùng còn trụ lại của xóm này, nhưng cũng không biết lúc nào lại bị biển đuổi.
"Nhà tui trước ở xa biển. Sau khi biển đuổi hết mấy hộ bên ngoài, người ta bỏ chạy hết, đất nhà tui thành lòi ra "mặt tiền" biển đối mặt với sóng gió" - bà Kềm kể thêm chỉ trong một thời gian, sóng biển đã lấy đi mất 10 công đất, còn lại 10 công không biết bao giờ mất. "Cái đà này thì đến tui cũng phải bỏ chạy thôi" - bà Kềm lo âu.
Từ An Minh, An Biên, chạy dọc lên Châu Thành, Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang, người dân sống ven biển cũng đang điêu đứng do sạt lở. Sóng đánh trôi rừng phòng hộ, tàn phá đất đai của dân. Những người bao đời sống yên ổn ven biển xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cũng phải "chạy sóng".
Ấp 6, xã Thổ Sơn ngày trước là nhà dân đông đúc chạy theo bờ biển với những ao nuôi cá, đời sống dân cư ổn định cho đến khi biển quay đầu, "trở tánh trở nết". Nhiều người mất nhà cửa đã bỏ xứ đi. Lão nông Bùi Chí Thanh nói ngày xưa bờ biển xa ngoài kia gần cây số, nhưng hiện trạng đã khác khi 300m rừng mắm, rừng đước ven biển bị sóng đánh bay. Khi rừng "thất thủ" thì hàng trăm mét đất vuông tôm phía sau rừng cũng chịu trận, chẳng mấy hồi cũng bị đẩy lùi dần...
Gia đình ông Nguyễn Đình Ngàn có 40 công đất nuôi tôm. Đời sống một thời sung túc, nhưng rồi rơi vào cảnh trắng tay. Biển lấy mất hết đất nhà ông. Căn nhà tường cũng bị sóng đánh tan nát. Mất đất, mất nhà, ông Ngàn phải dọn lên phía núi cất lại căn nhà nhỏ để tá túc.
Dấu tích cuối cùng của một vạt rừng phòng hộ ven biển Tây - Ảnh: THANH MINH
10 năm mất đi một xã
Tình trạng sạt lở cứ kéo dài thêm những cánh rừng mất đi, những xóm làng tan tác, những cảnh đời điêu đứng. Hình ảnh ấy cứ chất chồng thêm những mối lo dọc theo trên 300km bờ biển Tây.
Một báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy chỉ trong 10 năm trở lại đây, tỉnh này đã mất đến 8.870ha rừng phòng hộ ven biển, diện tích đất bị mất tương đương diện tích một xã. Đê biển Tây bị xói lở đến 57km. Cùng với đó là cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển bị đe dọa.
Còn tại Kiên Giang, chiều dài vùng ven biển bị sạt lở khoảng 37km, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Tại các huyện Hòn Đất, An Biên, An Minh trong 10 năm đã có trên 300ha đất ven biển biến mất. Tại xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp 120 hộ dân.
Còn tại huyện An Minh, sạt lở đoạn từ rạch Tiểu Dừa đến rạch Mương Ðào với chiều dài khoảng 9km, lở rộng 75-90m, phạm vi xói lở sát chân đê biển Tây, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của 70 hộ dân.
Ðoạn từ ranh giới xã Ðông Hưng A đến kênh 30 - Thứ 8 (xã Thuận Hòa), bãi lở chia thành hai đoạn, tổng chiều dài khoảng 11km, rộng 60-150m, 40 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là khu vực Xẻo Nhàu có mức độ lở rất nghiêm trọng…
Trước đó, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng mất đất ở bờ biển tỉnh Cà Mau cũng như những vấn đề liên quan đến việc mất rừng ngập mặn và xâm nhập nước mặn vào kênh rạch trong khu vực. Dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy bờ biển bị thụt vào từ 100-1.400m trong 20 năm qua.
Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nói hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là tình trạng sạt lở diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Tỉnh có ba mặt giáp biển thì cả ba mặt đều có nơi bị sạt lở nghiêm trọng.
"Chúng tôi đã tính nát nước để tìm cách ứng phó sạt lở. Từ các giải pháp phi công trình ở những nơi thích hợp, đến giải pháp công trình xây dựng kè, trồng rừng, tạo bãi… Tuy nhiên, thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, chỉ tính một giải pháp đôi khi lại không phù hợp" - ông Nam nói.
"Tình trạng sạt lở bắt đầu từ khoảng năm 1997. Ngày trước đai rừng giáp biển nơi mỏng nhất cũng trên 500m. Giờ thì nhiều nơi không còn rừng" - ông Tô Quốc Nam nói việc nâng cấp tuyến đê biển Tây, kết hợp xây dựng tuyến kè ngầm tạo bãi để khôi phục rừng được xem là giải pháp toàn diện. "Nhiều nơi màu xanh đã trở lại" - ông Nam khoe.
"Tôi bám đê đã 30 năm nay, nhưng lần đầu thấy sóng úp khỏi mặt đê. May lúc đó đàn ông, trai tráng ở nhà. Nếu không là chết nhiều lắm".
Dọc theo con đê phòng hộ biển Tây vùng vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau), trước đây những cánh rừng mắm, rừng đước kéo dài ra biển như một lớp giáp che chở cho những ngôi làng. Rừng cây dày kịt đến mức đứng trên đê không nhìn thấy biển.
Bây giờ, người ta ngó ra biển chỉ thấy lốm đốm những vạt rừng "da beo". Nhiều nơi rừng "thất trận" chỉ còn lại những xác cây trơ ra trước sóng. Nhiều nơi chẳng ai nghĩ trước đó từng là rừng, từng là một hệ sinh thái, vuông tôm, nhà dân trù phú…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận