Các bệnh viện bắt đầu thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp… cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại đơn vị.
Quyết tâm của Bộ Y tế nhằm thay đổi nhận thức, phong cách phục vụ, củng cố niềm tin, lấy lại hình ảnh và thiện cảm của xã hội đối với ngành y tế là nỗ lực đáng ghi nhận.
Quyết tâm này đáp ứng được những bức xúc, tâm tư chất chứa lâu nay của người bệnh.
Quyết tâm này cũng được các bệnh viện ủng hộ, đồng tình bằng việc ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân.
Hai tháng nay sự đổi mới đã bước đầu tạo sự chuyển biến nhất định. Nụ cười, sự ân cần đã xuất hiện nhiều hơn. Người bệnh và thân nhân có lúc đã cảm thấy mình thật sự là “thượng đế”, là “khách hàng” cùng đồng hành với sự phát triển của ngành y tế.
Cảm giác khi bước chân đến bệnh viện như được đến nhà thương, được các nhân viên và y, bác sĩ đón tiếp trong tình yêu thương, lo lắng, được điều trị khỏi bệnh thật sự không còn gì tuyệt vời, hạnh phúc bằng.
Là người bệnh, thân nhân bệnh nhân, ai cũng mong muốn và đòi hỏi được sống trong những phút giây hạnh phúc, tuyệt vời ấy khi đến bệnh viện.
Từ xưa đến nay, chưa có cơ quan, đơn vị, ngôi nhà nào…được gọi là nhà thương, trừ bệnh viện. Phải chăng bệnh viện được gọi là nhà thương bởi ai đến đó cũng đang bị bệnh tật, đớn đau rất đáng thương và cần lắm sự thương yêu của các thầy thuốc.
Người bình thường ai cũng muốn được sống trong sự yêu thương, chia sẻ và cảm thông của mọi người. Người bệnh còn khát khao được nhiều hơn thế. Nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế cũng mong muốn được như vậy.
Mong muốn là vậy nhưng quyết tâm của Bộ Y tế, nỗ lực của các bệnh viện và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có thể thực hiện được không khi mà trước mặt họ còn nhiều khó khăn, áp lực và ai cũng có những nỗi niềm, lo toan cơm áo, gạo tiền.
Trong khi ở nhiều cơ quan. đơn vị, tổ chức…cán bộ công chức, viên chức được ngồi làm việc trong phòng máy lạnh mát rượi, phòng ốc rộng rãi thì ở rất nhiều bệnh viện, các y, bác sĩ phải làm việc trong môi trường chặt hẹp, nóng bức, căng thẳng, đông đúc người bệnh, đồng lương ít ỏi.
Phải làm việc giữa những âm thanh ồn ào, tiếng la hét vì đau đớn và giữa những áp lực sinh tử để cứu sống người bệnh…chỉ cần một phút thiếu kiềm chế trong cách ứng xử, giao tiếp cũng có thể dẫn đến “nổ tung”, xô xát.
Đã có mấy ai cảm thông, chia sẻ, chứ chưa nói là thương xót cho sự vất vả, áp lực công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế?
Dù vậy, không thể phủ nhận vẫn còn bộ phận nhỏ cán bộ, nhân viên y tế…chưa thực sự quan tâm, chăm sóc người bệnh chu đáo; chưa thực sự tâm huyết với công việc và làm việc hết trách nhiệm với tất cả tấm lòng và tình thương yêu.
Đây đó vẫn còn cán bộ, nhân viên y tế làm việc với thái độ ban ơn, trịch thượng, nói trỏng với người bệnh, cá biệt có khi còn bỏ mặc người bệnh đi ngủ, dù thân nhân đã kêu cứu.
Đây đó vẫn còn bệnh nhân chưa được bác sĩ tư vấn đầy đủ, hướng dẫn tận tình về tình trạng bệnh tật, phương pháp và kết quả điều trị, những rủi ro, tai biến có thể xảy ra… dẫn đến những khiếu nại, thắc mắc kéo dài khi tai biến, tử vong sau điều trị, phẫu thuật.
Có người còn lý giải việc phục vụ bệnh nhân chưa chu đáo, niềm nở của một số cán bộ, nhân viên y tế là do quá tải bệnh nhân, do áp lực công việc, do đồng lương ít ỏi và thậm chí do cơ chế thị trường tác động đến y đức của người thầy thuốc.
Thực tế với áp lực công việc và quá tải bệnh nhân hiện nay, bác sĩ và nhân viên y tế đã không đủ thời gian để điều trị, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh thì những lời thưa gửi, xin phép khách sáo khi chăm sóc người bệnh tuy cần nhưng vẫn chỉ mang tính hình thức, xã giao, chưa thực sự xuất phát từ cái tâm, tận tụy phục vụ bệnh nhân của cán bộ, nhân viên y tế.
Việc Bộ Y tế quyết liệt chấn chỉnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được việc này không thể chỉ bằng những lời cam kết.
Thực sự người bệnh chỉ mong không phải nằm ghép nếu phải nằm viện, chỉ mong có phòng ốc thoáng mát, yên tĩnh để dưỡng bệnh, chỉ mong được bác sĩ tư vấn đầy đủ và chữa khỏi bệnh tật…
Còn bác sĩ, nhân viên y tế, hạnh phúc lớn nhất của họ cũng đơn giản là được thấy người bệnh khỏe mạnh, xuất viện về nhà và nếu họ thực sự có tâm với người bệnh thì tự nhiên thái độ, cách ứng xử sẽ làm hài lòng bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận