Bệnh có triệu chứng thường bắt đầu với cảm giác ngứa hoặc nóng tại vùng sắp bị viêm loét. Sau vài ngày các đốm đỏ hình thành, sưng lên và loét ra. Vết loét thường xuất hiện ở trên lưỡi, môi, lợi hay bên trong thành má.
Kích thước vết loét có thể rộng hoặc hẹp, có thể có 1 hoặc nhiều vết và thường có hình bầu dục màu trắng hay màu vàng. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường kéo dài từng đợt, rất đau đớn. Người bị nhiệt miệng thường gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống.
Nhiệt miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như do vi rút, do tình trạng suy giảm miễn dịch ở vùng niêm mạc miệng và lưỡi, do phản ứng nhạy cảm của cơ thể đối với liên cầu khuẩn (Streptococcus)…
Nguy cơ bị nhiệt miệng sẽ tăng lên nếu niêm mạc miệng bị tổn thương do ngoại lực tác động như khi đánh răng bị trợt lợi, răng cắn vào má trong hoặc nếu cơ thể bị dị ứng, phụ nữ sắp đến kỳ kinh nguyệt hoặc gia đình tiền sử có nhiều người bị nhiệt miệng.
Trong dân gian có nhiều cách để chữa nhiệt miệng nhanh chóng và hiệu quả. Đứng đầu trong các cách sử dụng là mật ong, củ cải, rau ngót. Những loại rau, củ, quả này được coi là khắc tinh của chứng nhiệt miệng.
- Mật ong
Chỉ cần buổi tối trước khi đi ngủ lấy một ít mật nguyên chất bôi lên các vết loét và cứ để nguyên như vậy. Sáng hôm sau điều kỳ diệu sẽ xảy ra, các vết loét se lại, đau nhức giảm hẳn. Người bệnh có thể nói chuyện, ăn uống dễ dàng. Tiếp tục sử dụng thêm 1 đến 2 ngày là các vết loét lành hẳn. Mật ong có tác dụng nhanh là nhờ có tính kháng khuẩn, kháng viêm cao. Đó cũng chính là lý do mật ong được sử dụng khi bị ho hay viêm họng.
- Củ cải, rau ngót
Giã nát củ cải hoặc rau ngót, vắt lấy nước. Dùng nước nguyên chất để ngậm và súc miệng nhiều lần mỗi ngày. Sau 2 -3 ngày các vết loét sẽ hoàn toàn biến mất.
Một số loại rau, quả khác cũng có tác dụng với nhiệt miệng như rau má, râu ngô, khế chua, cam, bột sắn dây. Tuy nhiên, dùng những thứ này phải kiên trì trong một thời gian mới thấy hiệu quả rõ rệt. Uống vitamin C liều cao, vitamin A hoặc cả hai cũng rất tốt, vì các loại vitamin này giúp cơ thể tái tạo niêm mạc miệng.
Nhiệt miệng tuy dễ mắc nhưng cách phòng ngừa cũng không khó. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiệt miệng, cần tránh làm tổn thương niêm mạc miệng khi đánh răng, tránh ăn đồ ăn quá cứng, nhai quá nhanh dễ khiến răng cắn vào môi; cần hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu, các thực phẩm có tính nhiệt như thịt chó và nên ăn nhạt, ăn các loại thực phẩm trung tính hoặc có tính hàn, tăng cường các món luộc, rau, củ, quả và trái cây...
Vệ sinh răng miệng cũng rất cần thiết để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng, họng. Súc miệng bằng nước muối nhạt 3 lần một ngày cũng giúp phòng được nhiệt miệng. Ngoài ra cần duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, ngủ đủ giấc và hạn chế stress.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận