TTCT - Có lẽ, Trí tuệ của hoa được các tác phẩm khác của M. Henri Coupin (tác giả Những loài cây độc đáo) hay M. Henry Bocquillon (tác giả cuốn Đời sống của cây cỏ) - những tác phẩm mô tả cỏ cây ở giác độ sinh học - truyền cảm hứng. Nhưng đây là một khảo luận triết học, tinh thần phổ quát của cuốn sách mỏng này lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng Arthur Schopenhauer - xem ý chí là nguồn gốc, động lực vạn năng của vạn vật để hành động, tồn tại và tự trị trong thế giới. Người đọc sách tinh ý sẽ nhận ra một tiểu luận quan trọng của Schopenhauer có tựa “Về ý chí trong tự nhiên” (On the will in nature) đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cuốn sách này. Maurice Maeterlinck (1862-1949, người Bỉ, Nobel văn chương 1991) không làm công việc của nhà thực vật học, mô tả các trạng thái nở, tàn, các hình thức thụ phấn của những loài hoa. Ông càng không làm công việc của nhà tiến hóa, xem các loài hoa đã phải thay đổi ra sao trước các biến đổi môi trường, thời gian. Ông đứng ở vị trí một nhà văn, một nhà tư tưởng để “hiểu hoa” theo cách thức mới - coi những phản ứng tự nhiên của hoa nói riêng, giới thực vật nói chung là những khuôn mẫu trí tuệ, giúp chúng tồn tại qua thời gian và sau đó là gợi mở cho những sáng tạo, văn minh của con người. Từ sự thông đạt, Maurice Maeterlinck khẳng định rằng có một thứ quy luật nặng nề nhất đối với thực vật, đó là tự nhiên bắt chúng phải bất động với bộ rễ bám vào đất từ khi nảy mầm đến lúc chết. Trí tuệ của hoa chính là các nỗ lực tự do bay lượn trong đất trời, chống lại cái quy luật nặng nề tù túng chật hẹp đó. Tác giả đưa ra một loạt biểu hiện trí tuệ đầy bất ngờ: hoa bồ công anh bay lượn trong không gian để đưa hạt giống đi xa khi nó biết rằng nếu rụng xuống đất thì chính những hạt mầm sẽ phải cạnh tranh sự sống với cây mẹ; những hạt giống li ti trên lớp vỏ cây anh túc có thể vung ra xa ở một khoảng rộng trước một làn gió nhẹ chẳng khác nào có bàn tay vô hình gieo vãi... Và ta cũng thấy điều kỳ diệu tương tự ở tầm gửi, đỗ tùng, thanh lương... khi các hạt giống ẩn mình trong những vỏ bọc ngon ngọt chờ loài chim đến, bắt đầu những chuyến phiêu du rất xa trên địa cầu. Maurice Maeterlinck quan sát và chỉ cho người đọc biết rằng trong tự nhiên: “Tất cả đều ráng sức đạt cho được thiên chức của mình. Tất cả đều thực hiện cho được khát vọng kiêu hãnh chiếm lĩnh và khuất phục mặt đất, bằng cách phát triển đến vô cùng cái dạng thức tồn tại mà chúng là đại diện” (tr.5). Các phương pháp khuếch tán anemophily (rắc phấn theo gió) và eriophily (nhờ động vật) được ông mô tả tỉ mỉ, vi tế. Hình thức bắn hạt giống đi xa của quả đại kích được tác giả ví như những bậc thầy về pháo binh trong tự nhiên. Bìa sách Trong khi đó, nhìn hoa bồ công anh mang hạt chu du trong đất trời, ông lại cho đó là một mức độ tiến hóa quá cao mà con người khó theo kịp: “Đến bao giờ ta mới chế tạo được những chiếc dù hay máy bay nhẹ, cứng, ổn định và an toàn như cánh bồ công anh?”. Cách mà ông mô tả ý chí hay trí tuệ của hoa trong tiểu luận này gợi mở và đầy thi tính. Đoạn ông viết về cuộc hẹn hò và “ngày cưới” của những bông hoa hẹ nước như là một định mệnh đầy xa xót. Đọc sách, tôi nhận ra bên mình, ngày ngày những bông hoa mò mẫm trong bóng tối, đấu tranh với những trở ngại, những bất tri và ác tâm như trong thế giới con người chúng ta. “Chúng có cùng những quy luật, cùng những giấc mộng tan vỡ và cùng những vinh quang đầy gian khó, dài lâu mới đạt được, như chúng ta. Chúng hẳn có cả tính kiên nhẫn, tính tự ái, trí thông tuệ đa dạng và cả những hi vọng lẫn suy tưởng như chúng ta” (tr.58). Phần vĩ thanh của cuốn sách luận về mùi hương. Tác giả kéo ta về vùng Grasse, miền đất của muôn sắc hoa và công nghệ chế biến nước hoa, như một đường dẫn để nói rằng con người vẫn đang ngưỡng vọng, khoác lên mình ý chí, trí tuệ, thẩm mỹ, hương sắc của hoa. Bởi trí tuệ con người và trí tuệ của hoa là những thứ đồng thanh đồng khí! Một tác phẩm quá quý giá cho người đọc duy mỹ, yêu tự do và suy tưởng. Nhưng cũng phải nói rằng ấn bản tiếng Việt giá bìa lại cao đến mức khó cảm thông.■ (Trí tuệ của hoa, Maurice Maeterlinck, Thi Hoa dịch, Sao Bắc Media & NXB Thế Giới, 2016, 99 trang, 86.000 đồng) Tags: Để bay lượnTự do như hoaTrí tuệ loài hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.