03/12/2024 08:14 GMT+7

Để bảo vệ trẻ em khi chơi game online: Giới hạn giờ chơi, nội dung lành mạnh đã đủ chưa?

Lời tòa soạn: Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước, giám đốc công nghệ Công ty Gianty Việt Nam, cho rằng hai mức độ đó là khung pháp lý chặt chẽ (điều kiện cần) và khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo (điều kiện đủ).

Hai mức độ bảo vệ trẻ em trong môi trường game - Ảnh 1.

Các bạn trẻ trải nghiệm game trên điện thoại dưới sự kiểm soát của phụ huynh - Ảnh: TỰ TRUNG

Các doanh nghiệp game cần tích cực phát triển nội dung lành mạnh, cài đặt giới hạn giờ chơi. Cơ quan quản lý nhà nước nên giám sát chặt chẽ nội dung game cùng các nền tảng trực tuyến để đảm bảo môi trường mạng an toàn hơn cho trẻ em…
Ông VŨ NGỌC SƠN (giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS)

Ở mức độ cần là sự kết hợp của nhiều quy định pháp luật cũng như hoạt động thực thi, quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Cụ thể là việc giám sát nhà phát hành game và các nền tảng UGC (User-Generated Content - người dùng tạo ra nội dung, như Facebook, YouTube, TikTok...) phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ khung pháp lý quốc gia hoặc quốc tế.

Các quy định buộc phải tuân thủ bao gồm: bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em, yêu cầu sự đồng ý từ phụ huynh; kiểm duyệt nội dung phù hợp với trẻ em; cung cấp tính năng giám sát cho phụ huynh giám sát hoặc giới hạn thời gian chơi.

Nhiều nước yêu cầu tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy để tự động phát hiện và xử lý nội dung không phù hợp, ngăn chặn các rủi ro như bắt nạt trực tuyến hay nội dung độc hại.

Ở mức độ đủ, cơ quan quản lý cần tạo không gian cho các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào việc phát triển giải pháp bảo vệ trẻ em thông qua game.

Chẳng hạn, Ngân hàng Sparkasse (Đức) dùng trí tuệ nhân tạo để dạy trẻ về giá trị của đồng tiền trong game, hay nền tảng game Roblox Education (Mỹ) có dạy trẻ về lịch sử thông qua các game nhập vai...

Những sáng kiến này không chỉ bảo vệ trẻ em mà còn góp phần giáo dục và phát triển kỹ năng sống thông qua game.

Ở Nhật Bản có một "liên minh" vô hình được hình thành giữa các nhà sản xuất game, các nhà sản xuất phần cứng như thiết bị chơi game, các bên quản lý nền tảng game và các bậc cha mẹ.

Theo đó, nhà sản xuất game hoặc nội dung game có trách nhiệm cung cấp thông tin về giới hạn tuổi chơi game cho nền tảng game; xác nhận độ tuổi của người dùng khi đăng ký chơi game; giới hạn trả thẻ tín dụng chính chủ, hoặc dựa theo tuổi người dùng cung cấp để hạn chế khả năng hoặc phương thức thanh toán.

Nhà sản xuất thiết bị chơi game có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tài khoản trẻ em, cha mẹ là người quản lý.

Trong đó, cha mẹ có quyền quản lý tài khoản của trẻ, thiết định giờ giới nghiêm cho thiết bị, hạn chế các nội dung không phù hợp với trẻ... Còn các nền tảng game có trách nhiệm đưa ra những quy định rõ ràng giúp sàng lọc game hay ứng dụng dựa theo thông tin nhà phát hành game cung cấp.

Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm đăng ký các tài khoản game cho con chơi; quản lý và giới hạn thời gian sử dụng smartphone trong ngày; đồng thời cùng tham gia các hoạt động khác với con để con không dành toàn bộ thời gian cho game…

Hai mức độ bảo vệ trẻ em trong môi trường game - Ảnh 2.

Lừa đảo trong những trò chơi trẻ em yêu thích

Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất nhắm vào game thủ trẻ hiện nay là lời chào mời nhận "skin" mới cho nhân vật. "Skin" thường là trang phục hoặc áo giáp giúp nâng cao kỹ năng hoặc sức mạnh.

Những kẻ lừa đảo lôi kéo các nạn nhân vào bẫy, yêu cầu nạn nhân cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân.

Chiêu trò lừa đảo phổ biến khác mà game thủ dễ mắc phải là những lời mời hấp dẫn về việc nhận được tiền ảo miễn phí dùng trong game.

Những kẻ lừa đảo sử dụng vỏ bọc của trò chơi để dẫn dắt người dùng tham gia vào một trò lừa đảo hoặc các lời đề nghị khác nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm và chủ động tìm kiếm các giải pháp để quản lý và bảo vệ an toàn cho con em mình.

Ở Việt Nam hiện đã có các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp quản lý, bảo vệ an toàn Internet dành cho các gia đình, như Kaspersky, VNPT, SafeGate…

Mới đây, Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) cũng đã ban hành một bộ tiêu chuẩn về "Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng". Bộ tiêu chuẩn cũng là một căn cứ để người tiêu dùng có thể lựa chọn được các giải pháp đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu.

Cắt cơn nghiện game online: chỉ là khởi đầu

Việc Chính phủ ban hành nghị định 147 với nội dung hạn chế thời gian chơi game online của trẻ em dưới 16 tuổi là một bước đi cần thiết để giải bài toán nghiện game online nơi giới trẻ.

Tuy nhiên, tính hiệu quả cao hay thấp trên thực tế cần nhiều nỗ lực phối hợp từ các bên. Cụ thể như sự giám sát từ cơ quan quản lý, sự hợp tác của những công ty cung cấp trò chơi và nhất là sự chung tay từ phía gia đình.

Nếu chỉ ban hành quy định mà không kèm theo những bước triển khai cụ thể và quyết liệt thì cũng khó có thể đạt được mục tiêu mà tất cả chúng ta đều mong muốn đạt đến, đó là giảm thiểu tình trạng nghiện game online vốn đã được chứng minh là mang lại nhiều tác động tiêu cực đến trẻ em hơn là những tác động tích cực.

Mặt khác, theo chúng tôi, tình trạng nghiện game online chỉ là một trong các vấn đề của giới trẻ hiện nay mà thôi. Thật vậy, bên cạnh game online, tình trạng nghiện mạng xã hội có thể nói là còn phổ biến hơn nữa.

Những tác động tiêu cực của việc nghiện mạng xã hội đến sức khỏe tinh thần, đến hiệu quả trong học tập, làm việc và các mối tương tác giữa con người với con người trong đời sống thực cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm.

Chính vì lẽ đó mà hiện nay nhiều quốc gia đã bắt đầu ban hành các quy định cấm trẻ em, học sinh sử dụng mạng xã hội như Úc, Pháp và Bỉ chẳng hạn.

Cần nhìn nhận một sự thật là hiện nay chúng ta gần như chưa có những hạn chế thật sự mạnh mẽ đối với việc sử dụng mạng xã hội, những nền tảng này có tác động đến trẻ em và giới trẻ thậm chí còn lớn hơn cả game online.

Vì thế chúng tôi mong rằng sau thời gian nghị định 147 có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước nên có những nghiên cứu đánh giá sự hiệu quả của nó và từ đó tiếp tục xây dựng những quy định mới hướng đến việc quản lý việc sử dụng mạng xã hội.

Hai mức độ bảo vệ trẻ em trong môi trường game - Ảnh 3.Trẻ em không được chơi game online quá 3h/ngày: Cơ hội để trẻ phát triển lành mạnh hơn

Nhiều phụ huynh rất mừng trước quy định người dưới 18 tuổi không được chơi game online quá 180 phút/ngày. Quy định mới nhằm bảo vệ sự phát triển của trẻ, giảm lạm dụng thời gian chơi game và giữ an toàn cho người chơi nhỏ tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên