Trong khi đó, một số cộng đồng con người lại dùng luật đạo, luật đời để cấm việc kết hôn với người bên ngoài, dẫn tới những thảm họa di truyền mà phải hàng thế kỷ sau mới nhận ra. Tại sao lại như vậy?
Khi các ả thích tìm… “trai lạ”
Nếu bạn từng nghe chuyện trai làng nọ, làng kia dựng đủ thứ rào chắn, lệ làng… hòng ngăn cản tất cả “trai lạ” léo hánh tới làm quen, thăm viếng các nàng con gái trong làng mình, bạn càng dễ hình dung ra sự trớ trêu ở loài cầy mangut vằn bên châu Phi.
Cầy mangut vằn có tính chiếm hữu lãnh thổ rất cao. Chúng hiếm khi tách khỏi bầy, nơi chúng được sinh ra và lớn lên cùng các thành viên có quan hệ gần gũi về mặt di truyền. Khi tới mùa động dục, các chàng cầy mangut sẽ đứng canh, “che chắn” các nàng trong bầy, và dĩ nhiên sẽ luôn xua đuổi tất cả “tình địch”, nhất là lũ lạ ngoài bầy.
Tuy vậy, mấy ả cầy mangut vằn lại nghĩ khác. Để tránh chuyện giao phối cận huyết với những gã vốn có “quan hệ họ hàng” trong bầy, mấy ả luôn cố ý… gây sự với bầy khác, để nhân lúc nhiều tên lao vào nhau cắn cào loạn xạ thì các ả lẻn đi, tranh thủ… giao phối với những gã trai trong cái bầy đối địch kia.
Đó là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Exeter và Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh công bố hôm 9-11-2020 trên tạp chí Molecular Ecology, và tạp chí Proceedings thuộc Viện hàn lâm Khoa học quốc gia của Hoa Kỳ.
“Các đàn cầy mangut vằn thường có những trận chiến đầy bạo lực, và nay chúng tôi đã tìm ra được nguyên nhân - Michael Cant, giáo sư sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm sinh thái và bảo tồn thuộc Đại học Exeter, xác nhận - Cầy mangut cái gây ra cuộc chiến giữa các bầy để tranh thủ lợi ích di truyền khi giao phối với cá thể ngoài bầy, trong khi các con đực cùng bầy, và cả bầy của chúng, đều phải… trả giá”.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập hàng ngàn mẫu gen từ những con cầy mangut vằn ở công viên quốc gia Queen Elizabeth (Uganda), sau đó phân tích tại Đại học John Moores ở Liverpool.
“Chúng tôi đã sử dụng một số lượng lớn các dấu hiệu di truyền để xác định cha mẹ của hơn 1.500 con cầy mangut vằn. Điều này cho phép chúng tôi xác định số lượng xuất hiện của giao phối cận huyết, và điều tra các chiến thuật được cả cầy mangut đực và cái sử dụng để tránh giao phối cận huyết” - tiến sĩ Hazel Nichols ở Đại học John Moores cho biết.
Dữ liệu thu được qua 16 năm trong quần thể cầy mangut vằn hoang dã ở Uganda cho thấy chủ yếu là những con đực bị chết do “chiến tranh giữa các bầy”. Tỉ lệ tử vong ấy, gắn liền với hành vi của các ả cầy mangut vằn thích tìm “trai lạ” để mở rộng nguồn gen trong bầy, chỉ tương tự như ở một số loài hay gây chiến nhất, như sư tử, tinh tinh và… con người.
Theo tạp chí Nature (tháng 8-2007), qua theo dõi quá trình sinh sản của tám nhóm linh cẩu đốm cư trú trên tầng cao của miệng núi lửa Ngorongoro ở Tanzania, sau đó xác định di truyền quan hệ cha con của chúng trong khoảng thời gian 10 năm, các nhà nghiên cứu ở Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) và Viện nghiên cứu Liebniz (ở Berlin, Đức) tin rằng lý do khiến hầu hết những con đực rời khỏi “gia tộc” là vì những con cái thích giao phối với những kẻ mới tới nhập bầy từ những bầy khác, sau khi con cái được sinh ra.
Sở thích chọn bạn đời là những “kẻ lạ bí ẩn” giúp các ả linh cẩu đốm tránh được việc giao phối cận huyết, bởi chúng khó có thể biết cha của chúng là ai, do lũ linh cẩu đực không màng tới việc nuôi dưỡng con của chúng.
Bên cạnh đó, một số loài động vật hoang dã khác cũng có “mối bận tâm” về chuyện tránh giao phối cận huyết. Chẳng hạn, chuột nhà luôn dựa vô các protein tiến hóa đặc biệt trong nước tiểu chuột để đánh hơi và tránh giao phối với họ hàng gần của chúng.
Bi kịch của chế độ nội hôn
Trong khi đó, loài người vẫn có chế độ nội hôn - chỉ tục lệ cấm kết hôn bên ngoài giới hạn của một cộng đồng, thị tộc hoặc bộ lạc địa phương.
Ở Libăng, Ả Rập Saudi, Ai Cập và Israel, con cái của những người có cùng quan hệ huyết thống có nhiều nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, dị tật tim bẩm sinh, não úng thủy bẩm sinh và dị tật ống thần kinh. Ở Palestine và Libăng, có mối liên hệ giữa tình trạng khuyết tật và các trường hợp sứt môi - hở hàm ếch nơi các trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết. Tính tới năm 2014, khoảng 5% dân số Qatar bị mất thính giác do di truyền, hầu hết đều là hậu duệ của mối quan hệ hôn nhân cận huyết.
Ở châu Âu, nhằm tạo ra và duy trì các liên minh chính trị, các gia đình hoàng gia ở nhiều nước từng đề cao hôn nhân giữa họ với nhau. Dần dần, nguồn gen của nhiều gia đình cầm quyền ngày càng… nhỏ dần, kèm theo nguy cơ về suy thoái và rối loạn di truyền, khi tất cả các hoàng tộc châu Âu đều có quan hệ họ hàng với nhau.
Nổi tiếng “vô địch” về hôn nhân cận huyết là nhà Habsburg ở châu Âu, vốn sản sinh ra các vị vua của Bohemia, Hungary, Croatia, Galicia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cùng các nhà cai trị của một số vương quốc ở Hà Lan và Ý, các hoàng đế của Áo, Áo - Hungary và Mexico. Dù cai trị các vùng lãnh thổ khác nhau, họ vẫn duy trì quan hệ mật thiết và thường xuyên kết hôn với nhau.
Do hôn nhân cận huyết kéo dài khoảng sáu thế kỷ, trải qua quá nhiều đời, nhà Habsburg cũng nổi tiếng về… cấu trúc hàm dưới hết sức điển hình (còn được gọi là “hàm Habsburg”, hay “môi Habsburg”) nơi nhiều thế hệ, cho tới tận kẻ hậu duệ cuối cùng của nhánh Tây Ban Nha. Đó là vua Charles II của Tây Ban Nha (1661 - 1700): ông ta mắc chứng hở hàm dưới bệnh lý - một rối loạn di truyền do hôn phối cận huyết, nên không thể nhai thức ăn một cách “chính xác”. Charles II còn mắc một loạt vấn đề về di truyền khác, dẫn tới sự kém phát triển về thể chất, trí tuệ, tình dục và cảm xúc. Sự bất lực và vô sinh của ông vua này đã dẫn tới sự tuyệt chủng về dòng nam của nhánh Habsburg Tây Ban Nha sau khi ông ta qua đời.
Thảm họa di truyền ở một thị trấn đa thê
Năm 1990, bác sĩ Theodore Tarby, chuyên trị các bệnh hiếm gặp ở trẻ em, đã kinh ngạc khi tiếp một cậu bé 10 tuổi bị tàn tật về thể chất và tinh thần. Bé có trán dô, tai thấp, hai mắt cách xa nhau, và hàm nhỏ. Kết quả xét nghiệm cho biết bé bị “thiếu fumarase” - một dạng rối loạn di truyền về trao đổi chất rất hiếm gặp (tỉ lệ 1/400 triệu). Vì là gen lặn, bệnh thiếu hụt fumarase rất hiếm khi xảy ra, chỉ xuất hiện nếu một người bị thừa kế hai bản sao lỗi của gen từ cả cha và mẹ.
Điều gây sốc hơn hết là, sau đó, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 8 trường hợp, ở trẻ từ 20 tháng đến 12 tuổi, cũng bị bệnh này. Tất cả đều sống trong cùng thị xã vùng xa Short Creek, ở ranh giới giữa hai bang Arizona và Utah bên Hoa Kỳ. Các em đều có cùng nét đặc biệt khác thường trên mặt, đều chậm phát triển, và hầu hết đều không thể ngồi dậy.
Tới năm 2017, ước tính có tới hàng ngàn người mang gen thiếu fumarase ở Short Creek. Thị xã này có khoảng 7.700 dân, nổi tiếng với cách sống bảo thủ và chế độ đa thê của Mormon.
Trên lý thuyết, trong các gia đình đa thê, nếu mỗi thế hệ bao gồm 3 vợ và 30 con thì mỗi người đàn ông có thể làm “tràn ngập” cộng đồng với hơn… 24 triệu hậu duệ qua 5 thế hệ, hoặc trong hơn 100 năm một chút. Và rồi, chẳng mấy chốc, các anh chị em bà con xa, hay chẳng xa gì cho lắm, sẽ cưới lẫn nhau. Nhiều khả năng cả cha và mẹ có quan hệ họ hàng đều mang cùng một gen lặn, do đó con cái của họ có nguy cơ cao bị rối loạn di truyền lặn.
“Với chế độ đa thê, tính đa dạng di truyền tổng thể bị giảm xuống vì một vài người đàn ông có một ảnh hưởng bất cân xứng tới thế hệ tiếp theo” - nhà di truyền học Mark Stoneking, thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, nói.
Trong thực tế, vào năm 2007, ở Short Creek có tới 75 - 80% người có họ hàng huyết thống với Joseph Jessop và John Barlow - hai giáo trưởng sáng lập cộng đồng. Trong cộng đồng Mormon nhỏ và cô lập này, điều đáng sợ là khả năng sinh ra với sự thiếu hụt enzime fumarase cao gấp hơn… một triệu lần so với mức trung bình trên toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận