Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: ĐHQGHN
Sáng 11-6, Bộ GD-ĐT họp với các bộ, ngành kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục Đại học.
Trong hội nghị, PGS.TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết: "Về cơ bản chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam lâu nay không thống nhất, có nơi chương trình dành cho cử nhân, cao đẳng được thiết kế còn to hơn cả chương trình đào tạo thạc sĩ. Khi không thống nhất thì khó đánh giá được chất lượng đào tạo và chất lượng người học".
Năm 2016, Thủ tướng đã ra quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị tương đối dài, đến năm nay Bộ GD-ĐT mới chính thức triển khai thực hiện.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam (gọi tắt là VQF) là thước đo để thống nhất về chuẩn đầu ra của ĐH Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết khi VQR được triển khai thì người học biết được họ có thể làm được gì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, doanh nghiệp có thông tin rõ ràng về các loại nhân lực họ cần sử dụng.
Còn cơ sở đào tạo thiết kế và phát triển chương trình đào tạo dựa trên "Chuẩn chương trình đào tạo", trong đó đảm bảo sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá, đảm bảo chất lượng trên cơ sở các chuẩn tối thiểu do nhà nước quy định gắn với VQF. Và cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo sự tương đồng về chuẩn mực đào tạo giữa các chương trình đào tạo cùng ngành ở cùng trình độ.
Theo lộ trình từ nay đến cuối năm, tháng 9 Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để triển khai VQR, ban hành Thông tư Chuẩn chương trình đào tạo với các trình độ. Tháng 10-2020, các bộ sẽ triển khai kế hoạch và hướng dẫn chi tiết xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. Tháng 12-2020 các bộ sẽ thành lập hội đồng tư vấn khối ngành, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết VQR sẽ "đi từ cấp dưới lên". Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng VQR, chuẩn chương trình và hệ thống đảm bảo chất lượng. Còn trường ĐH, các hiệp hội, đơn vị sử dụng lao động sẽ phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn chương trình, trong đó "chuẩn đầu ra" được quy định cho các ngành theo từng lĩnh vực.
Chuẩn chương trình đào tạo
Là cơ sở để các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức xây dựng, phát triển, thực hiện và quản lý chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành.
Làm căn cứ để cơ sở giáo dục ĐH thực hiện công khai, minh bạch thông tin về chương trình đào tạo và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định.
Làm căn cứ để các tổ chức kiểm định chất lượng thực hiện đánh giá ngoài đối với các chương trình đào tạo; các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.
Công nhận và xác định sự tương đương văn bằng của Việt Nam cũng như giữa các quốc gia về giáo dục ĐH.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận