Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn bị thư viện Hà Nội lấy trưng bày không xin phép và chú thích sai - Ảnh: Na Sơn cung cấp |
Tuy nhiên, lời xin lỗi này dường như chưa đủ để khép lại vấn đề khi vợ chồng anh Dương Trung Kiên - Trịnh Thu Hường, nhân vật chính trong bức ảnh, lên tiếng khẳng định họ mới là chủ sở hữu của bức ảnh, vì chính họ đã trả tiền để nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp bộ ảnh cưới trên mà không kèm theo bất cứ thỏa thuận riêng nào.
Như vậy, liệu vợ chồng anh Kiên có được nhận lời xin lỗi từ phía thư viện, như động thái họ đã sửa sai với nhiếp ảnh gia Na Sơn?
Ông Nguyễn Mạnh Quý - trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Cục Bản quyền tác giả - phân tích: “Trong trường hợp này, việc Thư viện Hà Nội xin lỗi tác giả (Na Sơn) là đúng. Nhưng khi vợ chồng chủ sở hữu bức ảnh (anh Kiên - chị Hường) đã lên tiếng thì thư viện vẫn có trách nhiệm phải xin lỗi chủ sở hữu này”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh cũng đồng tình chia sẻ: “Nếu thư viện đã mời Na Sơn đến để ngỏ lời xin lỗi thì cũng không thể không mời đôi vợ chồng trong ảnh. Họ không phải được Na Sơn thuê hay trả tiền để làm mẫu mà chính họ bỏ tiền ra để thực hiện bộ ảnh, nên họ là chủ sở hữu bức ảnh”.
Như vậy, từ việc sử dụng trái phép tác phẩm đến cách xử lý sai phạm của Thư viện Hà Nội cho thấy sự hiểu biết về bản quyền của cơ quan này còn khá lơ mơ khi bỏ qua người có quyền sở hữu.
Chưa kể việc sử dụng ảnh mà không tìm hiểu ngọn ngành như vậy có thể dẫn đến hành vi xâm hại riêng tư của người được chụp ảnh nếu như người đó không muốn những hình ảnh riêng tư được công bố.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh cho biết: “Về điều này, các cơ quan xét duyệt văn hóa đã làm rồi. Những bức ảnh chụp chân dung khi triển lãm phải có sự đồng ý của người được chụp. Theo thông lệ thì các nhiếp ảnh gia khi chụp ảnh ai đó (người mẫu, diễn viên hay người thường...) thì cũng nên chuẩn bị một mẫu điền sẵn về lý do chụp, mục đích khai thác bức ảnh là gì, thời hạn khai thác bức ảnh bao lâu... để người được chụp ký vào. Đó là cách làm chuyên nghiệp để không tạo ra những tranh cãi về sau”.
Mặt khác, ảnh cưới không chỉ liên quan đến vấn đề bản quyền. Nó còn là quyền nhân thân, quyền đời tư nên cần được quản lý và sử dụng cẩn thận.
Nhà nhiếp ảnh Hoàng Trưởng - người làm ảnh cưới lâu năm ở TP.HCM - cho biết một người làm ảnh cưới từng lâm vào hoàn cảnh bị kiện tụng vì hình ảnh một cô dâu do người này chụp bị sử dụng làm hình ảnh quảng cáo cho một sản phẩm “thầm kín” của phụ nữ.
Để quản lý hình ảnh tốt và tránh hình ảnh bị “thất lạc” vào mục đích khác, Hoàng Trưởng nói: “Nguyên tắc người khách hàng trả tiền là chủ sở hữu tác phẩm, nên muốn làm gì thì anh nên hỏi ý kiến khách hàng trước”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Quý đúc kết: “Trong thời đại Internet hiện nay, người sử dụng ảnh nên cẩn thận vì mỗi bức ảnh đều có thể có bản quyền. Riêng ảnh cưới, tôi nghĩ các studio nên có những thỏa thuận về hình ảnh với khách hàng trước. Điều này đơn giản, chỉ vài quy định trên hóa đơn cũng rõ ràng, tránh tranh cãi về sau”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận