23/04/2021 09:38 GMT+7

Đề án tuyển sinh ĐH 2021: Chậm công khai vì chờ... bộ

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công khai đề án tuyển sinh 15 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên đến nay, nhiều trường đại học vẫn chưa công khai hoặc mới chỉ công khai một phần đề án tuyển sinh.

Đề án tuyển sinh ĐH 2021: Chậm công khai vì chờ... bộ - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: M.GIẢNG

Theo các trường, nguyên nhân là do bộ chưa duyệt đề án. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày, tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển.

Công khai không đầy đủ

Năm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT và xét tuyển từ ngày 27-4. Như vậy, chậm nhất ngày 12-4 trường phải công khai đề án. Đây là thông tin quan trọng để thí sinh tham khảo, đối chiếu trước khi đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên đến nay nhiều trường vẫn chưa công bố đề án hoặc chỉ công bố một phần, không có các nội dung quan trọng bắt buộc là chỉ tiêu theo ngành và danh sách giảng viên cơ hữu.

Dạo một vòng các trang web của nhiều trường ĐH như Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Sư phạm TP.HCM, Nông lâm TP.HCM, Hồng Bàng, Gia Định, Tây Nguyên, Quy Nhơn, Văn Lang, Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, Buôn Ma Thuột... đều không công bố đề án tuyển sinh đầy đủ. Phần lớn các trường chỉ có thông tin ngành, tổ hợp xét tuyển, thời gian nộp hồ sơ.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM mới chỉ đưa thông tin về ngành, các phương thức và thời gian xét tuyển. Điều tương tự cũng diễn ra ở nhiều trường. Trong khi đó, các trường như Nguyễn Tất Thành, Gia Định, Hồng Bàng, Hoa Sen tuy có công bố đề án tuyển sinh nhưng phần danh sách giảng viên cơ hữu không được công khai.

Chúng tôi đặt vấn đề vì sao trường không công bố chỉ tiêu theo ngành và danh sách giảng viên, bà Võ Thị Ngọc Thúy - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - cho biết trường đã công khai với Bộ GD-ĐT rồi mới được duyệt mở ngành và chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với giảng viên trường sẽ công khai theo thời điểm yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Chậm vì... trùng giảng viên

Đại diện nhiều trường cho biết việc chậm công khai đề án tuyển sinh vì đang chờ Bộ GD-ĐT duyệt. Theo ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, trường đã công khai đề án nhưng sau đó phải rút lại để điều chỉnh. 

"Đề án trường đưa lên bộ có hơn 60 giảng viên trùng với người của trường khác. Tiêu chí đảm bảo chất lượng (giảng viên) của trường giảm nên trường phải điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng giảm. Thực tế có nhiều người đã nghỉ việc ở nơi khác nhưng vẫn được trường đăng ký để xác định chỉ tiêu. 

Trường phải kiểm tra và yêu cầu nếu xác định làm việc tại Văn Lang, giảng viên phải bổ sung quyết định nghỉ việc của nơi làm việc cũ để trường xác định chỉ tiêu chính xác với năng lực" - ông Tuấn nói.

Tương tự, bà Trần Ái Cầm - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết nguyên nhân chưa đưa danh sách giảng viên cơ hữu vào đề án vì có nhiều giảng viên trùng với trường khác. 

"Khi đưa đề án vào hệ thống của bộ, trường có 17 giảng viên trùng với trường khác nên phải kiểm tra lại. Việc xác định giảng viên cơ hữu tính đến 31-12-2020 nên sau thời điểm này, một số người chuyển đến, cũng có người chuyển đi dẫn đến việc một giảng viên đứng tên ở hai trường. 

Trong khi đó, một số giảng viên của trường thỉnh giảng ở trường khác lại nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường đó khi đăng ký chỉ tiêu. Trường đã kiểm tra và cập nhật lại danh sách giảng viên chờ bộ duyệt để đưa vào đề án" - bà Cầm nói.

Tuyển vượt gần 400% chỉ tiêu

Theo quy chế tuyển sinh, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật khi xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Quy chế là vậy nhưng nhiều năm qua, chưa có hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng tuyển sinh nào bị xử lý.

Trường ĐH Thủ Dầu Một năm 2020 ngành thiết kế đồ họa có 50 chỉ tiêu nhưng tuyển 126 thí sinh, công nghệ kỹ thuật ôtô 90 chỉ tiêu tuyển 183, công nghệ thông tin 50 chỉ tiêu tuyển 115, logistics và quản lý chuỗi cung ứng 100 chỉ tiêu tuyển 200, du lịch 50 chỉ tiêu tuyển 102, ngôn ngữ Anh 270 chỉ tiêu tuyển 522.

Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, rất nhiều ngành tuyển vượt 100% chỉ tiêu, có ngành gần 400%. Chẳng hạn năm 2020, ngành cơ khí tự động có 60 chỉ tiêu nhưng số thí sinh nhập học là 222. Như vậy, số thí sinh nhập học vượt gần 400%. Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có 120 chỉ tiêu nhưng có đến 361 thí sinh nhập học, vượt hơn 300%.

Bộ duyệt là trường công khai

Ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết những năm trước trường vẫn công khai đề án tuyển sinh. Năm nay trường đã gửi đề án về Bộ GD-ĐT (qua cổng thông tin của bộ), sau khi bộ duyệt trường sẽ công khai. Hơn nữa, năm nay trường sáp nhập thêm Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận nên có một chút điều chỉnh về chỉ tiêu, do đó chậm hơn những năm trước.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết hiện trường đã gửi đề án tuyển sinh lên cổng thông tin của bộ. Khi bộ duyệt trường sẽ công khai trên website trường.

Nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh nửa vời Nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh nửa vời

TTO - Nhiều trường ĐH công bố đề án tuyển sinh nửa vời, không đầy đủ thông tin theo quy chế, công bố đề án khi thí sinh đăng ký xét tuyển.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên