Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kính trình Bộ Chính trị những nội dung chủ yếu của Ðề án tổng kết Nghị quyết 20 như sau:
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 20
1. Thành tựu
a. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội thành phố
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, những phức tạp trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong khu vực, TP.HCM đã chủ động phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động đấu tranh và đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, gây rối, không bị bất ngờ, không để hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập, giải quyết tốt các yếu tố gây mất ổn định chính trị, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chung của cả nước.
b. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô kinh tế mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển, góp phần cùng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; vị trí, vai trò của thành phố đối với khu vực và cả nước ngày càng được khẳng định (1)
- Về chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2001-2005 là 11%, giai đoạn 2006-2010 là 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 54,3% GDP, công nghiệp - xây dựng chiếm 44,5% GDP, nông nghiệp chiếm 1,2% GDP (2), tăng dần tỉ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao; các nguồn lực xã hội được phát huy; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng (năm 2011 bằng 2,61 lần năm 2002), ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Trong điều kiện quy mô dân số (thường trú) thành phố năm 2011 bằng 1,33 lần năm 2002 (7,5 triệu người/5,6 triệu người), nhưng GDP bình quân đầu người năm 2011 bằng 2,94 lần năm 2002 (3.286 USD/1.116 USD).
+ Lĩnh vực dịch vụ: bốn trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố (tài chính - ngân hàng, du lịch, vận tải - dịch vụ cảng - kho bãi, bưu chính - viễn thông) tăng trưởng mạnh, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ đúng hướng. Vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư phát triển (3). Hình thành ba chợ đầu mối, 34 trung tâm thương mại, 97 siêu thị và hệ thống bán lẻ rộng khắp địa bàn, bước đầu phát triển thương mại điện tử, giao dịch qua mạng Internet, bán hàng tự động... Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm, dụng cụ học sinh, sữa và thuốc chữa bệnh thông thường có tác dụng thiết thực.
Thị trường tài chính và các dịch vụ tài chính phát triển mạnh, các tổ chức tín dụng, ngân hàng gắn kết với các chương trình phát triển thành phố như cho vay kích cầu, phát triển nông thôn. Thành phố đang từng bước khẳng định vai trò của một trung tâm tài chính đối với khu vực và cả nước (4). Thành phố đã chủ động đề xuất, xây dựng, thực hiện cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để phát triển; tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn năm 2011 tăng gấp 2,5 lần so năm 2002 (giá so sánh); tốc độ tăng tổng vốn đầu tư xã hội bình quân giai đoạn 2002-2011 đạt 10,8%/năm; tỉ trọng vốn ngân sách Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn giảm dần qua các năm (năm 2002 là 17,1%, đến năm 2011 chỉ còn 10,9%). Thành phố đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước; đi đầu về cải cách hành chính trong thủ tục kê khai thuế, hải quan.
+ Lĩnh vực công nghiệp: các ngành công nghiệp công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh chiếm tỉ trọng ngày càng cao; các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường ngày càng giảm. Sản xuất của bốn ngành công nghiệp trọng yếu: điện - điện tử, cơ khí, hóa - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm được tập trung đầu tư đã phát triển nhanh, có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của khu vực công nghiệp, chiếm khoảng 42,4% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp giai đoạn 2005-2010 là 7,5% so với giai đoạn 2000-2005. Tỉ lệ phần đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp của thành phố vào sự tăng trưởng GDP giai đoạn 2000-2005 là 37,41% (cả nước: 23,28%); giai đoạn 2005-2010 là 37,27% (cả nước: 28%). Triển khai đề án quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, thành phố đã bố trí lại các cơ sở sản xuất phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp (5); có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp di dời, đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao và 15 khu công nghiệp - khu chế xuất theo quy hoạch (6).
+ Lĩnh vực nông nghiệp: cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; việc đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao (7), Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sinh học bước đầu phát huy ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống cây trồng, giống vật nuôi mới phù hợp với yêu cầu nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái; các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển.
- Các loại thị trường trên địa bàn thành phố được phát triển và mở rộng, từng bước khẳng định vai trò trung tâm tài chính, dịch vụ - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của thành phố đối với khu vực và cả nước.
- Các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng: chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế Nhà nước được nâng lên; việc hình thành, phát triển Công ty Ðầu tư tài chính Nhà nước thành phố góp phần huy động các nguồn vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế (8); kinh tế tập thể (9) phát triển khá đa dạng, góp phần cùng kinh tế Nhà nước kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động giá cả, hỗ trợ, giúp đỡ những người sản xuất nhỏ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; kinh tế tư nhân (10) ngày càng phát triển nhanh và chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế thành phố (chiếm 40,4% GDP); kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng lên (chiếm 24,6% GDP), đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển thành phố (11).
- Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển với 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, phát huy được vai trò động lực của TP.HCM đối với khu vực và cả nước (12).
c. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
- Quy hoạch: chất lượng công tác quy hoạch được nâng lên, gắn quy hoạch thành phố với quy hoạch Vùng đô thị TP.HCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Ðông Nam bộ, gắn quy hoạch xây dựng chung với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch các ngành - lĩnh vực; tổ chức thi tuyển quy hoạch - kiến trúc và thuê tư vấn quốc tế lập đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, tăng cường đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch, kiến trúc đô thị.
- Kết cấu hạ tầng đô thị: được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước; hệ thống đường vành đai, trục xuyên tâm từng bước được đầu tư xây dựng (13). Chú trọng đầu tư thực hiện các dự án phát triển nguồn cung cấp nước và mạng lưới cấp nước (đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 93,75% hộ dân nội thành và ngoại thành), thoát nước từng bước khắc phục tình trạng ngập nước trên địa bàn.
- Phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chung cư cao tầng để tạo quỹ nhà ở; tạo vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, chung cư hư hỏng nặng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, triển khai xây dựng các khu đô thị mới (Khu Nam, Thủ Thiêm, Tây Bắc); đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, khu lưu trú công nhân, nhà ở xã hội,... góp phần nâng diện tích nhà ở đến nay đạt bình quân 15,44m2/người.
- Di dời hệ thống cảng biển: đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển thuộc thành phố và các tỉnh trong khu vực; quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5, quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Ba Son; đầu tư xây dựng cảng thành phố tại Cát Lái và Hiệp Phước. Việc quy hoạch, xây dựng mới, di dời cảng biển không ảnh hưởng đến hoạt động xuất - nhập khẩu, đã tăng thêm công suất cảng, bảo đảm hoạt động vận tải biển thông suốt, an toàn.
- Công tác quản lý, bảo vệ và xử lý môi trường: được chú trọng thực hiện; hoàn thành cơ bản việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp theo quy hoạch; tất cả các khu chế xuất - khu công nghiệp đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; thực hiện việc trồng cây ở các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư,... phát triển mảng xanh ở vùng ven; quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ; tăng cường việc quản lý tài nguyên nước mặt, nước ngầm, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải y tế,... tổ chức nạo vét khơi thông kênh rạch, tiếp tục giải tỏa các nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch; phối hợp các tỉnh có liên quan xử lý ô nhiễm môi trường.
d. Ðẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên
TP.HCM đã tập trung triển khai thực hiện bảy chương trình nhánh thuộc chương trình phát triển nguồn nhân lực; hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận - huyện đến năm 2020, bố trí quỹ đất và tăng đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo (14); chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra,... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn thành phố (15); triển khai quy hoạch xây dựng khu đại học Tây Bắc và Ðông Bắc thành phố; đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao, Viện khoa học công nghệ tính toán; thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Khoa học xã hội và nhân văn được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt kết quả thiết thực; cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng; việc phát triển các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài và một số cơ sở y tế kỹ thuật cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh ngày càng tăng của nhân dân thành phố và các địa phương trong khu vực.
Thể dục - thể thao được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa; phong trào thể dục - thể thao, rèn luyện thân thể ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thể chất của nhân dân.
e. Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân
Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; định hướng phát triển báo chí, xuất bản, văn học - nghệ thuật gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội, từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn.
Thực hiện các chính sách xã hội như giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo,... đạt kết quả thiết thực; tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm đến nay còn 3,79%.
f. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp và đối ngoại
Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về quốc phòng, an ninh, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh toàn diện, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Chủ động luyện tập, diễn tập các phương án, đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ "khiếu kiện đông người"; đẩy mạnh chương trình mục tiêu 3 giảm, đấu tranh phòng, chống, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Công tác cải cách tư pháp được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, tranh tụng tại phiên tòa, thi hành án được nâng lên; tòa án nhân dân quận, huyện thực hiện khá tốt thẩm quyền được tăng thêm và mở rộng; tình trạng truy tố, xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm từng bước được khắc phục; nhiều vụ án và thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý. Thực hiện tốt thí điểm tổ chức thừa phát lại, xã hội hóa hoạt động công chứng.
Hoạt động đối ngoại của thành phố được triển khai đồng bộ và tích cực trên các mặt, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế của thành phố, tạo thêm thế và lực, uy tín của TP.HCM trên trường quốc tế.
g. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố
- Xây dựng Ðảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Tập trung lãnh đạo nâng cao tính chiến đấu, sức thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Ðẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống chính trị và xã hội, bước đầu đạt một số kết quả thiết thực trong việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, công tác kết nạp đảng trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản và văn nghệ sĩ. Việc thực hiện thí điểm chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, phường - xã, thị trấn bước đầu đạt một số kết quả trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, quản lý địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình đưa cán bộ trẻ về cơ sở, chương trình đào tạo 300, 500 thạc sĩ, tiến sĩ; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp thuộc thẩm quyền thành phố; chỉ đạo các địa phương, đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý và kiến nghị trung ương bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, chế độ, chính sách cần thiết.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy và các cấp ủy; qua đó, tăng cường vai trò hạt nhân, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng bộ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp
Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận - huyện, phường; triển khai chủ trương thí điểm khẩn trương, chặt chẽ, nhất là việc sắp xếp cán bộ, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ và quy trình bổ nhiệm nhân sự thành viên ủy ban nhân dân quận - huyện, phường. Qua ba năm thực hiện thí điểm đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Khi thực hiện thí điểm, việc lãnh đạo được bảo đảm và thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường, như đẩy mạnh hoạt động giám sát của tổ đại biểu Quốc hội và tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; hội đồng nhân dân xã, thị trấn và vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai thủ tục hành chính; chú trọng hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Việc thực hiện chủ trương thí điểm này được nhân dân đồng tình; bước đầu thực hiện được tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở; không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chăm lo tốt đời sống nhân dân trên địa bàn, tôn trọng, phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Hội đồng nhân dân xã, thị trấn chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Qua triển khai chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đã tạo chuyển biến tích cực trên năm lĩnh vực: thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Thành phố tăng cường phân cấp quản lý cho quận, huyện; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền.
- Quan tâm công tác vận động nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Chỉ đạo thực hiện có kết quả các chương trình hành động về công tác vận động nhân dân, xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, công tác thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh..., các chính sách về dân tộc, tôn giáo phù hợp với điều kiện của thành phố, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động, kiện toàn bộ máy tổ chức, chăm lo đội ngũ cán bộ mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; tạo điều kiện để mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ, tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; cấp ủy các cấp thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, các giới xã hội, nắm bắt tình hình, phát hiện và chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tổ chức nhiều cuộc vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo ổn định đời sống các gia đình diện chính sách, hộ nghèo, công nhân, nông dân, sinh viên.
h. Quan tâm phối hợp với các ban Ðảng trung ương, bộ, ngành trung ương tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, nội dung được phép thực hiện thí điểm nêu trong nghị quyết 20 và kết luận 15 của Bộ Chính trị.
2. Về hạn chế, yếu kém
- Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP.HCM. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp; quy mô, tỉ trọng của khu vực kinh tế tập thể còn nhỏ; kết quả hợp tác phát triển với các địa phương còn hạn chế.
- Kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, ngày càng gây bức xúc cho nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân; quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển và còn nhiều yếu kém. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước nội thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, có mặt ngày càng gay gắt hơn.
- Phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; khoa học - công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; một số vấn đề văn hóa - xã hội bức xúc chậm được khắc phục; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa ngày càng nghiêm trọng; thể thao thành tích cao bị suy giảm.
- An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn; cải cách tư pháp còn hạn chế, chưa đồng bộ ở một số lĩnh vực.
- Kết quả công tác xây dựng Ðảng trên một số mặt còn hạn chế, yếu kém; hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa cao, tính chiến đấu, sức thuyết phục còn hạn chế; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái tư tưởng chính trị, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, mất niềm tin, suy thoái đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng; công tác quản lý, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém; quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ trong giải quyết công vụ vẫn còn tồn tại. Ðổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị còn chậm, xây dựng hệ thống chính trị chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ.
Những tồn tại, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan), nhưng chủ yếu là do:
- Năng lực lãnh đạo của Ðảng bộ, công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền thành phố còn hạn chế. Thành phố chưa quan tâm đúng mức việc tổng kết thực tiễn; chưa kiên trì, đeo bám kiến nghị với các cơ quan trung ương về cơ chế, chính sách có tầm chiến lược, đặc thù trong xây dựng, phát triển thành phố; chưa có được các chủ trương, biện pháp mang tính đột phá để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân.
- Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại đặc biệt; chưa có cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, tạo sức mạnh liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bố trí vốn đầu tư quá ít so với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được duyệt (16) và chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn (các hình thức đầu tư BOT, PPP...) đầu tư các công trình giao thông trong khi thành phố có điều kiện huy động nguồn lực; chưa thực hiện chủ trương "tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố". Một số bộ, ngành trung ương chưa chủ động phối hợp với TP.HCM để triển khai thực hiện nghị quyết 20 và kết luận 15 của Bộ Chính trị để giải quyết một số vấn đề cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của trung ương.
(còn tiếp)
Chú giải (1) Xu hướng ngày càng tăng trên các lĩnh vực: - Tỉ trọng GDP của thành phố so với cả nước năm 2000 là 17,2%; năm 2005 là 19,7%; năm 2010 là 21,3%. - Tỉ trọng thu ngân sách của thành phố so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5%; năm 2010 là 27,81% (thành phố thu ngân sách năm 2005 gấp 2,31 lần năm 2000; năm 2010 gấp 2,73 lần năm 2005; giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 gấp 2,5 lần giai đoạn 2001 - 2005). - Tỉ trọng huy động vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố so với cả nước năm 2000 là 16,1%; năm 2005 là 16,71%; năm 2010 là 20,48%. - Tỉ trọng giá trị GDP các ngành dịch vụ của thành phố so với cả nước (giá thực tế) năm 2002 là 24,1%; năm 2005 là 26,2%; năm 2010 là 29,8%. - Tỉ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố so với cả nước (giá thực tế) năm 2002 là 21,9%; năm 2005 là 23,1%; năm 2010 là 23,5%. (2) Tỉ trọng tương ứng vào năm 2002 là 51,6%; 46,7%; 1,7%. (3) Đến nay, thành phố có 3.250 xe buýt hoạt động trên 212 tuyến đường thành phố và các tỉnh lân cận, vận chuyển bình quân 1,5 triệu lượt hành khách/ngày, đáp ứng trên 10% nhu cầu của người tham gia giao thông. (4) Từ năm 2002 đến nay tổng doanh số cho vay trong năm tăng bình quân 35,1%/năm, năm 2011 gấp gần 15 lần so với năm 2002; vốn huy động tăng bình quân 29,7%/năm, năm 2011 gấp 10,39 lần năm 2002; dư nợ tăng bình quân 29,6%/năm, năm 2011 gấp 10,29 lần so với năm 2002. (5) Có hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia đề án, được tư vấn các giải pháp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực thiết kế chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, phát triển tài sản trí tuệ. Thành phố đã hỗ trợ đầu tư 24 dự án khoa học công nghệ cho các lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin với vốn đầu tư 54,378 tỉ đồng, cho thiết kế chế tạo 75 thiết bị, đã chuyển giao được 532 sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất với giá tương đương 60-70% so với giá nhập khẩu, hiệu quả đầu tư trung bình từ năm 2006-2010 ước đạt 3,36 lần, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu của bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố. (6) Tất cả các khu công nghiệp - khu chế xuất đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy 75% diện tích đất, có 1.216 dự án đầu tư còn hiệu lực (483 dự án vốn đầu tư nước ngoài, 733 dự án vốn đầu tư trong nước), tổng vốn đầu tư 6.680 triệu USD (4.020 triệu USD vốn nước ngoài, 2.660 triệu USD vốn trong nước). Khu công nghệ cao đã lấp đầy 95% diện tích đất giai đoạn I; cấp 56 giấy phép với tổng vốn đầu tư 2,03 tỉ USD (356,48 triệu USD vốn trong nước và 1,67 tỉ USD vốn nước ngoài); năm 2011 khu công nghệ cao xuất khẩu 1 tỉ USD. (7) Khu nông nghiệp công nghệ cao đã lấp đầy 86,8% diện tích đất, cấp 12 giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 20 triệu USD. (8) Đến nay, công ty đã huy động được 6.067 tỉ đồng từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài, từ hợp vốn với các ngân hàng trong nước, nhận ủy thác cho vay từ các nguồn khác; đã cho vay đầu tư và góp vốn vào doanh nghiệp để đầu tư lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật 2.617 tỉ đồng (chiếm 41,9% tổng vốn đầu tư), đầu tư lĩnh lực hạ tầng xã hội 2.812 tỉ đồng (chiếm 45% tổng vốn đầu tư). (9) Đến nay, có 9 liên hiệp hợp tác xã, 489 hợp tác xã, 3.823 tổ hợp tác, 55.775 xã viên với 53.648 lao động. (10) Đến nay, có trên 100.000 doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và trên 300.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể. (11) Đến nay, có 4.136 dự án vốn đầu tư nước ngoài hoạt động với tổng vốn đăng ký 31,5 tỉ USD và vốn thực hiện 14 tỉ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 5 năm 2006 - 2010 gấp 5,2 lần 5 năm 2001 - 2005. (12) Đến nay, có 898 doanh nghiệp của thành phố đầu tư 1.165 dự án, với tổng vốn khoảng 279.503 tỉ đồng tại 34 tỉnh, thành phố. (13) Giai đoạn 2002-2011 tổng chiều dài cầu, đường được sửa chữa, nâng cấp là 523,5km, diện tích cầu, đường tăng thêm là 4.204.800m2. (14) Chi cho giáo dục chiếm 27,7% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. (15) Năm 2011 so với năm 2002 số lớp học tiểu học và trung học tăng 21%, số giáo viên tăng 36%; số học sinh cả ba cấp tăng 16%; trong đó số học sinh tiểu học tăng 19%, số học sinh trung học cơ sở tăng 6%, số học sinh trung học phổ thông tăng 31%, số sinh viên tăng 2,4 lần (704.118/212.833 sinh viên). (16) Từ năm 2007 đến nay, vốn đầu tư cho giao thông (cầu, đường) trên địa bàn thành phố khoảng 45.000 tỉ đồng (trong đó, vốn trung ương khoảng 12.000 tỉ đồng, vốn thành phố khoảng 33.000 tỉ đồng), chỉ chiếm khoảng 5,08% nhu cầu vốn theo quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận