11/05/2009 15:06 GMT+7

Để an toàn khi đi làm nail

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TTO - Làm móng (nail) là một dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến và dường như là một bước không thể thiếu để giúp phụ nữ trở nên sành điệu hơn.

cAFmUAu3.jpgPhóng to

Cách đây vài năm, hầu hết dịch vụ làm móng chỉ đều do các hàng cắt tóc, gội đầu “kiêm nhiệm” thêm. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều cửa hàng chuyên về làm móng đã xuất hiện với nhân viên tay nghề phục vụ cao, dịch vụ cũng đa dạng hơn.

Đối với dịch vụ cắt, tỉa và vẽ một bộ móng tay bình thường giá có thể lên tới 80.000 -100.000đ hoặc hơn nếu bạn bước vào một tiệm làm móng sang trọng. Giá cao nhưng đổi lại bạn được sử dụng loại sơn móng chất lượng, của những hãng có tên tuổi.

Còn lại các tiệm làm móng bình dân có mức giá cắt, tỉa, vẽ một bộ móng khoảng 30.000đ. Đây là mức giá chung, khá phổ biến. Các bạn trẻ nhiều lúc vẫn “rỉ tai” nhau những tiệm làm móng với mức giá thấp “kịch liệt”, chỉ 15.000đ/bộ móng tay hoặc chân.

Đó là giá cho dịch vụ cắt, tỉa và vẽ móng đơn giản. Ngoài ra bạn phải trả thêm 1.000 - 5.000đ cho mỗi hạt đá lấp lánh gắn vào móng tay. Giá cả phụ thuộc vào việc bạn muốn đính hạt đá to hay nhỏ. Và phải trả 45.000-60.000đ cho việc đắp móng bột (gắn móng giả).

Bên cạnh đó tại những tiệm làm móng chuyên nghiệp, bạn có thể đính thêm nhiều phụ kiện khác nữa vào móng như hoa, bông, dây xích… Giá cả phụ thuộc vào sự cầu kỳ của bộ móng mà bạn muốn có được.

P7uyEFvH.jpgPhóng to

Tuy nhiên, dù là tiệm làm móng sang trọng hay trung bình thì bạn vẫn cần lưu ý tới vấn đề vệ sinh và bảo vệ cho bộ móng tay của mình không bị hóa chất làm hư hại.

Một vài mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn tự bảo vệ mình:

1. Quan sát cửa hàng làm móng mà bạn vừa bước vào

Rất nhiều tiệm làm móng có vụn móng, rác làm móng... la liệt trên sàn nhà, hoặc được gom giấu vào một góc. Đôi khi bạn thấy những chai, lọ, chậu được bày đặt ngổn ngang, chồng chéo. Tường nhà hay trần nhà có thể bẩn, bụi, ít được lau dọn.

Bạn xua tay và cho rằng chuyện cửa hàng có biểu hiện bẩn hay rách nát đều không liên quan, chỉ cần họ làm tốt cho bạn. Bạn đã nhầm. Hãy nhớ rằng tất cả những dấu hiệu trên chỉ ra một điều: “Vấn đề vệ sinh không được đề cao ở đây!”.

2. Không ngâm chân, tay quá lâu trong nước

Sau khi ngâm tay lâu trong nước, bạn cảm thấy móng tay trắng ra. Tuy nhiên, đây là lúc móng tay bị ngấm nước, rất giòn và dễ gãy. Một lát sau đó móng tay sẽ nhanh chóng bị teo lại, rất xấu và yếu.

3. Hạn chế những thao tác cắt da

Nếu có thể, đừng thực hiện những thao tác cắt da. Hoặc nếu không, bạn cũng nên hạn chế nó. Việc cắt da viền quanh móng giúp móng tay trông có vẻ đẹp hơn, nhưng bạn nên biết những biểu bì tự nhiên này giúp bảo vệ móng của bạn khỏi vi khuẩn.

4. Bạn không nên chịu đựng sự đau đớn

Dù là cảm giác đau, tức, châm chích, nhức, ngứa… thì bạn cũng không nên chịu đựng nó trong quá trình làm móng. Tất cả những thao tác gây đau đớn đều có tác hại đối với bàn tay xinh của bạn. Hãy nói với nhân viên làm móng để họ điều chỉnh ngay thao tác này.

5. Hãy mang theo dụng cụ làm móng riêng của bạn

Những lưỡi dao, dao cạo, bàn xát, mài cục trai, da sần, cắt da thừa… được sử dụng chung cho những khách làm móng. Bất kể lúc nào bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ những vật dụng này cắt vào da bạn và ngay lập tức đưa vi khuẩn vào cơ thể. Bạn có thể bị nhiễm trùng, bị lây bệnh nấm móng, mụn cóc… hay đặc biệt nguy hiểm là HIV/AIDS từ những khách hàng mới làm móng trước đó.

Nhiều tiệm làm móng khử trùng dụng cụ làm móng sau mỗi lần sử dụng là chưa đúng cách. Việc cọ rửa thông thường không thể tiêu diệt hẳn vi khuẩn.

Một số phương án vệ sinh được các cửa hàng sử dụng là dùng nhiều kìm cắt khác nhau và luân phiên sử dụng để mỗi kìm cắt đều được “nghỉ ngơi” một, hai tiếng trước khi sử dụng cho người tiếp theo; luôn sẵn sàng thuốc kháng sinh để rắc ngay vào vết thương nếu lỡ cắt chảy máu tay khách hàng...

Tất cả những cách phòng tránh bệnh này đều rất mơ hồ. An toàn nhất vẫn là bạn nên tự mang theo dụng cụ riêng của mình. Càng nhiều dụng cụ làm móng bạn tự đem tới, khả năng bị lây nhiễm bệnh càng thấp. Từ kìm cắt móng, kìm cắt da, dũa, bàn chải móng… đều có giá không đắt mà lại sử dụng được lâu dài. Hầu hết các tiệm làm móng đều rất sẵn lòng sử dụng dụng cụ riêng mà bạn mang tới.

6. Luôn dùng dưỡng móng trước khi sơn

Rất nhiều cửa hàng làm móng hiện nay sử dụng thuốc sơn móng, móng giả, thậm chí cả bột đắp móng là hàng kém chất lượng của Trung Quốc, chứa rất nhiều chất độc. Hãy luôn yêu cầu bôi một lớp dưỡng bảo vệ lên móng trước khi sơn. Điều này sẽ giúp các chất độc khó ngấm vào cơ thể bạn, và rõ ràng nhất là giúp móng tay bạn không bị vàng sau một thời gian dài để sơn trên móng tay.

2Yq6YNGs.jpgPhóng to

Khi móng có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào, nơi bạn cần đến ngay không phải là các tiệm làm móng để… bắt đền, hay bôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc do các chủ tiệm giới thiệu. Hãy đến ngay các khoa da liễu ở bệnh viện để được khám chữa kịp thời.

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên