Phóng to |
Một lớp học tiếng Việt tại Chemnitz - Ảnh: N.V.T. |
CHLB Đức có tới 120.000 người Việt sinh sống, trong đó thế hệ thứ hai và thứ ba chiếm hơn 30.000 người và được báo chí Đức đánh giá là “cụm sắc tộc có tỉ lệ số trẻ vào Gymnasium (hệ giáo dục tiếp tục đào tạo lên đại học) cao hơn cả người Đức” (“Huyền thoại học sinh Việt Nam” giữa lòng châu Âu, theo Die Zeit của tác giả Martin Spiewak). Nhưng cũng như tình trạng trẻ em Việt ở nhiều nước, do sinh ra ở nước ngoài nên nhiều em mù tiếng mẹ đẻ.
Trong nhiều năm nay, cộng đồng người Việt tại Đức đã tự phát tổ chức dạy tiếng Việt cho con em mình. Tại Leipzig, ngay từ năm 2001, theo kiến nghị của Hội người Việt, chính quyền tiểu bang đã quyết định tiếng Việt trở thành môn học chính thức trong thành phố Leipzig.
Từ năm 2002, ở Leipzig có chín trường phổ thông với 11 lớp tiếng Việt. Song theo bà Phan Ý Nhi - trưởng ban công tác cộng đồng sứ quán Việt Nam tại Đức, tài liệu sử dụng vẫn là sách giáo khoa trong nước nên việc dạy gặp không ít khó khăn, bởi đặc thù địa phương trẻ ở nước ngoài không như trong nước.
Tại hội nghị, các chuyên gia của đoàn đề án đã giới thiệu hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt, được đa số học viên đánh giá cao. Chị Hoàng Thị Kim Thúy - thạc sĩ ngữ văn, nguyên cán bộ giảng dạy tại Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang, nay là giáo viên tại Potsdam - nói: “Hai bộ sách bao gồm hệ thống mẫu câu được soạn công phu từ thấp tới cao, theo từng ngữ cảnh, chủ đề thật sự là một công trình khoa học, rất thích hợp với việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở xứ người, được nhìn như một ngoại ngữ thứ hai. Về ngôn ngữ, nó không thua kém các công trình dạy ngoại ngữ của nước ngoài mà chúng tôi từng học”.
Các giáo viên tại Đức đều cho rằng hai bộ sách là những công trình hữu ích, song việc triển khai dạy thử với thời lượng tám giờ không đủ cho người nghe lĩnh hội được, mà phải có lớp tập huấn tối thiểu từ mười ngày.
Chị Thúy nói: “Tôi dạy cao đẳng sư phạm đã 20 năm, nhưng khi bắt tay vào việc dạy trẻ ở Đức không hề dễ dàng. Đội ngũ giáo viên tại Đức có người không qua đào tạo, không nắm được phương pháp sư phạm, dù họ rất tâm huyết nên việc triển khai hai bộ sách với hơn chục cuốn chỉ có hơn ngày là cưỡi ngựa xem hoa. Các giáo viên ở Đức đã quen với lối dạy từng âm và từ ngữ tách rời, không thể tiếp nhận ngay được phương pháp học tiếng Việt theo phương pháp hiểu và thuộc các mẫu câu theo ngữ cảnh trong sách mẫu”.
Ông Bùi Quang Huy, chủ tịch Hội người Việt tại Leipzig, cho biết thêm: “Ngoài 11 lớp học chính khóa trong trường Đức, hội còn có bốn lớp học khác dành cho các cháu thuộc diện gia đình khó khăn không tham gia chính khóa. Chúng tôi sẵn sàng cử giáo viên về Việt Nam tập huấn. Chỉ có điều với cách làm việc ở Đức, kế hoạch mở lớp phải trước ít nhất một năm để chúng tôi có dự án cho tiểu bang giúp đỡ kinh phí đào tạo”.
Nhiều ý kiến cho rằng đề án trên mang tính mở, giáo viên có thể dựa vào bài mẫu sáng tác ra các cảnh huống dạy thích hợp cho học sinh từng nước, từng khu vực ngoài nước. Song việc cung ứng sách và tài liệu do quy định cung cấp miễn phí là thiếu thực tế, khi cả nước Đức có tới vài trăm lớp học, trong khi sao chép và in lại sách lại vướng vấn đề bản quyền chưa giải đáp được ở hội nghị.
Đại diện cho nhiều phụ huynh đến từ thành phố Brandenburg, ông Hoàng Thanh Hải cho rằng đề án nên in sách trong các DVD thích hợp hơn là in sách cung cấp cho giáo viên, như thế mới đáp ứng được nhu cầu về tài liệu cho giáo viên không chỉ riêng nước Đức.
Hội nghị tập huấn dạy tiếng Việt bước đầu triển khai ra nước ngoài tại Đức, sau đó là Ba Lan và CH Czech, diễn ra đúng thời gian châu Âu đang kỳ nghỉ hè nên không có dạy mẫu thực tế trong các lớp học tiếng Việt cũng là bước cản trở khi triển khai đề án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận