Đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng vào mùa khô năm 2016 - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Đó là những cụm từ được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại nhiều khi bàn về tương lai của vùng đồng bằng non trẻ này, đặt người dân nơi đây bước vào "cuộc chiến" thích nghi để sinh tồn.
Đất lún và nước biển dâng
"Kịch bản phát triển do con người tác động cần được thích hợp với kịch bản biến đổi khí hậu do tự nhiên gây ra để có được một kịch bản phát triển thực nhất. Ví dụ, kịch bản phát triển hợp lý là tạo ra một vùng chuyên trồng lúa ở ĐBSCL nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Trên thực tế, do tác động của biến đổi khí hậu mà một số vùng này sẽ bị ngập mặn do nước biển dâng quá cao.
GS. ĐẶNG HÙNG VÕ
Giữa năm 2013, tại Cần Thơ, Viện Địa chất Na Uy (NGI) đã đưa ra kết quả nghiên cứu dựa vào quá trình quan trắc lún thí điểm ở Cà Mau, khiến mọi người không khỏi lo lắng.
Các phân tích sơ bộ cho thấy, phần lớn tỉnh Cà Mau có thể đã lún từ 30 đến 80cm, tốc độ lún nằm trong khoảng 2 – 3cm/năm.
Với tốc độ này, trong vài thập kỷ tới phần lớn diện tích của tỉnh Cà Mau có thể dưới mực nước biển. Lún không những tác động đến dòng chảy và xâm nhập mặn mà còn làm cho dòng chảy bị xói mòn. Các chuyên gia NGI lo ngại các tỉnh phía Nam và TP.HCM cũng gặp các vấn đề tương tự.
Mới nhất, giai đoạn 2 nghiên cứu về tình trạng sụt lún đất đã có sự tham gia của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Trung tâm ứng phó thiên tai châu Á (ADPC), Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia NGI với vai trò chịu trách nhiệm kỹ thuật, lập kế hoạch và đánh giá kết quả. Kết quả giai đoạn 2, được công bố vào năm 2017 cho thấy hiện tại trên toàn tỉnh Cà Mau, tốc độ lún từ 1,5 – 4,5cm/năm. Tổng lún xảy ra có thể từ 20 – 50cm. Nhóm nghiên cứu kết luận, ngay cả khi tốc độ hạ thấp nước ngầm trong các tầng cát chứa nước ổn định ở mức hiện tại, lún sẽ tiếp tục xảy ra trong các lớp đất sét do cố kết. Dự báo lún có thể đạt đến 1m trong những thập niên tới. Nếu hạ thấp nước ngầm trong các tầng cát chứa nước tiếp tục gia tăng, lún sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ông K. Karlsrud - đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng: nguyên nhân chính gây lún là do tình trạng bơm hút nước ngầm. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ biển đến 1,4km mà các chuyên gia đã đưa ra trong kết luận ở giai đoạn 1.
Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, với mức độ lún như vậy, phần lớn diện tích của Cà Mau sẽ nằm dưới mực nước biển trong vài thập niên tới. Đến năm 2100, mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đến khoảng 60cm sẽ làm cho cuộc sống và sinh kế của người dân trong khu vực trở nên nghiêm trọng hơn.
Gần đây, dự án nghiên cứu "Rise and Fall" do các chuyên gia của ĐH Cần Thơ và ĐH Utrecht – Hà Lan cũng công bố kết quả tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL ở mức 1 – 2cm ở vùng nông thôn và 2,5cm ở khu vực thành thị và khu công nghiệp.
Chồng chất những nguy cơ
Các vấn đề ảnh hưởng môi trường sống đặt ra ở vùng ĐBSCL không chỉ là sụt lún. Vấn đề phụ thuộc vào nguồn nước cũng đã và vẫn là câu chuyện gây nhiều lo ngại cho các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân trong vùng.
Theo PSG - TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL thì 85% lượng nước ĐBSCL đến từ 5 nước thượng lưu sông Mekong. Các công trình thủy điện, hệ thống thủy nông và hình thành khu công nghiệp dọc theo các nước thượng nguồn sẽ làm thay đổi thủy văn dòng chảy, hạn hán trầm trọng hơn vào mùa khô và nguồn nước mang các hợp chất ô nhiễm từ thượng lưu sẽ khiến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước về số lượng, thoái hóa về chất lượng và bất thường về thời gian sẽ tạo nhiều khó khăn cho VN hiện tại và tương lai.
Theo các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, ngoài nguy cơ đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sụt lún đất nền có xu hướng tiếp tục gia tăng với biên độ lớn, vùng ĐBSCL còn đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, bờ sông, việc xây dựng hạ tầng, gia tải trên bề mặt đất nền gia tăng trên các hành lang sông, kênh, bờ biển và khai thác cát còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Vùng ven biển, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau có thể bị ngập sâu đến vài ba mét vào cuối thế kỷ 21; sóng biển gia tăng, xói lở tăng tốc làm cho rừng ngập mặn bị suy thoái và có nguy cơ biến mất trong tương lai. Hành lang kênh, sông và bờ biển không còn đủ để củng cố, nâng cấp thích ứng trong điều kiện mới.
Bởi vậy, một kế hoạch hành động toàn diện cả quản lý và kỹ thuật với bước đi thích hợp cần được tiến hành ngay từ bây giờ, trước khi mọi cố gắng đều trở nên quá muộn và trả giá đắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận