11/07/2013 07:47 GMT+7

ĐBSCL: lúa gạo tồn đọng, nông dân thua lỗ

P.NGUYÊN - N.TRIỀU - K.NAM - ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN
P.NGUYÊN - N.TRIỀU - K.NAM - ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN

TT - Ngày 10-7, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã họp HĐND bàn về những quyết sách kinh tế - xã hội thời gian qua và sáu tháng cuối năm. Những vấn đề bức xúc nhất của cử tri được mang ra thảo luận thẳng thắn.

WxSc6AcD.jpgPhóng to
Đường Lý Thường Kiệt, P.4, TP Sóc Trăng xuống cấp nặng, cử tri kiến nghị sửa chữa. Trong ảnh: người dân phải chạy xe lên bờ kè để tránh các ổ voi đầy nước - Ảnh: P.Nguyên

Trong đó, bức xúc nhất của cử tri ĐBSCL vẫn là tình trạng giao thông ì ạch và đời sống nông dân đang gặp khó.

Sóc Trăng: bức xúc chuyện bảo hiểm con tôm

Ngày 10-7, ông Nguyễn Trung Hiếu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận các kiến nghị của cử tri về việc cần tập trung vốn cho cầu đường, công trình thủy lợi, trạm bơm, nước sinh hoạt, trường học... là bức xúc và cần thiết. Ông Hiếu cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát để xem xét bố trí vốn thực hiện các công trình phù hợp với điều kiện ngân sách.

Trước đó, đại biểu đã chất vấn các ủy viên UBND liên quan đến kiến nghị của cử tri. Liên quan đến những bức xúc về việc chưa chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại tôm nuôi năm 2012, ông Quách Văn Nam, giám đốc Sở NN&PTNT, thừa nhận vừa qua việc hỗ trợ chậm do việc thống kê của các địa phương phải bổ sung nhiều lần. Đến nay có trên 26.000 hộ với trên 27.000ha bị thiệt hại, tổng số tiền đề nghị hỗ trợ trên 64 tỉ đồng. Ông Nam nói lãnh đạo tỉnh đã quyết định phân nguồn hỗ trợ về các địa phương. Riêng đề nghị triển khai bán bảo hiểm đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Nam nói Chính phủ chỉ cho phép thí điểm bán bảo hiểm cho tôm sú, nên kiến nghị của cử tri là chưa thực hiện được.

Việc chậm chi trả tiền bảo hiểm cho dân, ông Quách Pái, phó giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Sóc Trăng, cho biết hiện còn 471 hồ sơ với diện tích khoảng 206ha của năm 2012 chưa được bồi thường. Với các trường hợp này, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt đang trực tiếp xem xét tính pháp lý vì nhiều hồ sơ không đảm bảo thủ tục để chi trả. Không đồng tình với cách trả lời này, đại biểu Trần Văn Chuyện nói khâu thẩm định hồ sơ hợp lệ hay không là do công ty, đã nhận hồ sơ rồi bây giờ không giải quyết thì khó cho dân, họ trông chờ. Ông Pái thanh minh: “Hồ sơ nhiều quá, các xã nhận chuyển lên, công ty không đủ người để thẩm định chặt chẽ”.

Kiên Giang: “khất nợ” với cử tri

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10-7, nhiều vấn đề bức xúc đã được cử tri nêu ra từ kỳ họp HĐND thứ 6 vào đầu năm 2012 đến kỳ họp này vẫn giải quyết chưa xong, lãnh đạo một số sở, ngành phải tiếp tục xin “khất nợ”, hẹn cử tri kỳ họp tới.

Ông Nguyễn Văn Mau - đại biểu huyện Châu Thành - nêu thực trạng từ nhiều năm nay khoảng 20 bến đò khách ngang sông dọc kênh xáng Xẻo Rô qua hai huyện An Biên và An Minh hoạt động không có giấy phép, cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở GTVT, việc cấp phép cho bến đò khách ngang sông trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của giám đốc sở, tuy nhiên trước khi cấp phép phải được sự xác nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trên địa bàn.

Riêng tuyến kênh Xẻo Rô thuộc hệ thống đường thủy quốc gia và thuộc thẩm quyền quản lý của Đoạn quản lý đường thủy số 14. Sở đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Đoạn quản lý đường thủy số 14 xem xét cấp phép cho bến đò khách ngang sông, nhưng do tỉnh Kiên Giang chưa có quy hoạch bến khách ngang sông nên không được chấp thuận. “Hiện Sở GTVT đang lập quy hoạch cảng, bến thủy nội địa và bến khách ngang sông đến năm 2020. Quy hoạch này đã thông qua hai lần, đến cuối tháng 7-2013 sẽ thông qua lần cuối. Sau khi có quy hoạch này, ngành giao thông sẽ cấp phép cho toàn bộ bến khách ngang sông đủ điều kiện, trong đó có 20 bến dọc kênh xáng Xẻo Rô” - ông Dũng hứa.

Tiếp tục chất vấn, hai đại biểu Võ Thị Mỹ Lộc (huyện Giồng Riềng) và Phan Văn Tám (huyện Hòn Đất) lần lượt nêu tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài đã nhiều năm qua tại nhà máy đường ở xã Long Thạnh (Giồng Riềng) và nhà máy rác tại xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), lãnh đạo ngành tài nguyên - môi trường đã hứa hẹn nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ông Nguyễn Xuân Lộc - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường - khẳng định sở đã nhiều lần làm việc với nhà máy đường và nhà máy rác, trước mắt hai nơi này đã thực hiện một phần cam kết bảo vệ môi trường. “Sau kỳ họp này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả với các đại biểu và cử tri trong kỳ họp tiếp theo” - ông Lộc hứa.

Tương tự, các vấn đề cho nông dân vùng đệm U Minh Thượng vay vốn, đầu tư thủy lợi, giống lúa và giải quyết đầu ra cho vụ lúa thu đông (lúa vụ 3), đầu tư thiết chế văn hóa xã... lần lượt được lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kiên Giang hứa sẽ sớm giải quyết, báo cáo kết quả với bà con cử tri trong kỳ họp tiếp theo.

An Giang: người nuôi cá tra thua lỗ bỏ nghề hàng loạt

Theo báo cáo của UBND tỉnh, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh là gạo và cá tra đều gặp bất lợi về giá cả, thị trường nhưng sáu tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 7%.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ phân tích về tình hình phát triển kinh tế - xã hội để quyết định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết sắp tới. Trong đó tập trung vào tình trạng lúa gạo tồn đọng, nông dân không có lãi, giá cá tra nguyên liệu thấp, người nuôi cá tra thua lỗ bỏ nghề hàng loạt, trong khi việc triển khai liên kết sản xuất, hỗ trợ tín dụng chưa kịp thời...

Hậu Giang: “nóng” vấn đề điện, giao thông nông thôn

Trong kỳ họp lần này, “nóng” nhất là tình trạng người dân còn sử dụng điện câu đuôi, điện đứt đuôi, giao thông nông thôn trắc trở... Cử tri huyện Phụng Hiệp đề nghị ngành điện giảm giá thành trong việc lắp điện kế cho người dân, hiện chi phí lắp đặt trung bình mỗi hộ phải trả 3-9 triệu đồng. Cử tri huyện Long Mỹ cho hay tình trạng điện đứt khúc, câu đuôi xảy ra trong nhiều năm qua. Trong khi đó, cử tri huyện Châu Thành cho rằng việc thiết kế cống đập tại xã Nhơn Nghĩa A có bề ngang 2,5m là quá nhỏ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hôm nay 11-7, các đại biểu lấy phiếu tín nhiệm 13 chức danh do HĐND tỉnh bầu.

Cà Mau: chủ tịch HĐND đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất

Ngày 10-7, HĐND tỉnh Cà Mau đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 người do HĐND tỉnh bầu. Kết quả: ông Bùi Công Bửu, chủ tịch HĐND tỉnh, đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 49 phiếu (tín nhiệm 2 phiếu, tín nhiệm thấp 2 phiếu). Người có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất là ông Nguyễn Thanh Luận, chánh văn phòng UBND tỉnh. Ông Luận có số phiếu tín nhiệm cao là 13 phiếu (tín nhiệm 32 phiếu, tín nhiệm thấp 7 phiếu).

Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Luận cho biết ông cảm thấy “bình thường” vì số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất. “Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao tôi lại có số phiếu tín nhiệm cao thấp. Do làm công tác văn phòng nên xử lý rất nhiều công việc. Có những việc cần nhiều sở ngành tham mưu mới giải quyết được vì vậy đôi khi công việc giải quyết có chậm so với yêu cầu. Tới đây tôi sẽ cố gắng hơn” - ông Luận nói. Còn ông Bửu chia sẻ: “Kết quả lấy phiếu cho thấy đại biểu, cử tri tin tưởng tôi. Tới đây tôi sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

TẤN THÁI

P.NGUYÊN - N.TRIỀU - K.NAM - ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên