Mùa khô 2020, người dân Bến Tre xếp hàng trăm chiếc can để hứng nước về xài - Ảnh: M.TRƯỜNG
Trong mùa khô 2020, nước mặn bao phủ toàn bộ tỉnh Bến Tre. Hai tỉnh Tiền Giang và Long An cũng trong tình trạng tương tự. Người dân bức xúc vì nước máy cũng nhiễm mặn.
Nguồn nước thô nhiễm mặn
Tại tỉnh Bến Tre, trong mùa khô năm 2020 hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh phải sử dụng nước máy bị nhiễm mặn từ 5-10 phần ngàn. Có những chỗ độ mặn vượt quá 10 phần ngàn. "Mặn đến nỗi khi nếm thử thì đầu lưỡi cảm nhận vị mặn chát như nước biển" - anh Huỳnh Thanh Hiệp, 43 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhận xét.
Tuy nhiên, đây là tình trạng bất khả kháng của các nhà máy cấp nước vì toàn bộ nguồn nước thô trên địa bàn đều bị nhiễm mặn. Nếu như những năm trước, độ mặn sẽ giảm vào lúc nước triều rút thì năm nay độ mặn hầu như không thay đổi trong suốt mùa khô.
Ông Lê Hoàng Lam - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre - cho biết do mùa khô năm 2020 thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn đổ về nên nước mặn không bị đẩy ra biển, kể cả khi thủy triều rút như mọi năm. Trong những tháng mùa khô, sông Hàm Luông và sông Tiền giống như hồ chứa nước mặn.
Đây cũng là lý do khiến nhiều người dân bức xúc khi đơn vị cung cấp nước mặn cho họ sử dụng nhưng không chịu giảm giá.
Dự án giải mặn cho nước sinh hoạt
Để đảm bảo nước ngọt cho ba tỉnh, ông Huỳnh Hữu Quyền - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang - cho biết Tiền Giang, Bến Tre và Long An đã thống nhất đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước Sông Tiền 1 và tuyến đường ống truyền tải liên tỉnh cung cấp nước ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện đề xuất này đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ.
Theo ông Quyền, dự kiến nhà máy nước thô này lấy nguồn nước mặt từ sông Tiền, khu vực gần cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nước từ nhà máy này sẽ được bơm đi và các trạm bơm tăng áp, truyền tải nước thô đến các địa bàn tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre.
Tùy vào nhu cầu sử dụng của các địa phương, nguồn nước thô sẽ được phân bổ đến tận nơi với giá dự kiến khoảng 3.000 đồng/m3.
Theo lãnh đạo một đơn vị cấp nước tại Bến Tre, do Bến Tre không có nguồn nước thô thay thế khi bị nước mặn xâm nhập nên nhu cầu mua nguồn nước thô này là rất cần thiết.
"Nếu dự án này được triển khai, nhà máy chúng tôi sẽ mua nước tùy theo mùa. Theo đó, mùa khô sẽ lấy nguồn nước này 100% công suất nhà máy, còn mùa mưa mua ít hơn" - vị này cho hay.
Ông Cao Văn Trọng - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết hiện tỉnh đã giao cho hai đơn vị cấp nước tại Bến Tre là Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre và Công ty cổ phần sản xuất và thương mại N.I.D mua khoảng 70.000m3/ngày đêm.
Ông Phạm Văn Cảnh - chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết đây là dự án đã được tính toán từ khá sớm, nằm trong mục tiêu liên kết vùng Long An - Tiền Giang để phát triển kinh tế, phục vụ sinh kế cho người dân.
Theo ông Cảnh, nhà máy này rất cần nếu tình hình mặn diễn biến khốc liệt. "Dù đã có một số dự án nhà máy cấp nước nhưng tới mùa hạn, khả năng vẫn phải lấy nước từ sông Tiền, thông qua trạm bơm Cái Bè mới đủ" - ông Cảnh nói thêm.
Khắc phục nhiễm mặn, giảm nguồn nước ngầm
Theo nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án (Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP), trạm bơm nguồn của dự án sẽ đặt tại huyện Cái Bè; trạm bơm tăng áp đặt tại huyện Cai Lậy và Châu Thành; hệ thống tuyến ống truyền tải nằm trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre.
Công suất dự án giai đoạn 1 (năm 2021) là 300.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (năm 2025) là 500.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 2.095 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là cung cấp nguồn nước mặt đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế cho nguồn nước ngầm đang suy giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận