01/04/2012 15:56 GMT+7

ĐBSCL: hơn 450 căn nhà sập và tốc mái

ĐÔNG HÀ - L. T. NHÃ - VĨNH TRÀ
ĐÔNG HÀ - L. T. NHÃ - VĨNH TRÀ

TTO - Trưa 1-4, vị trí tâm bão số 1 cách bờ biển Bình Thuận – Bến Tre khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa và gió to khắp các tỉnh Nam bộ. Đã có những thiệt hại đầu tiên.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ĐBSCL trong hai ngày 31-3 và 1-4, do ảnh hưởng của bão số 1, gió lốc đã làm sập hơn 450 căn nhà của người dân ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, trong đó có hơn 40 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và cột điện gãy đổ.

Hiện này chính quyền địa phương các tỉnh tập trung lực lượng giúp dân dựng lại nhà cửa, hỗ trợ kinh phí giúp các hộ khắc phục thiệt hại.

Vĩnh Long là địa phương bị gió lốc gây thiệt hại nặng nhất với 321 căn nhà ở 15 xã thuộc 3 huyện Bình Tân, Bình Minh và Long Hồ bị sập và tốc mái; trong đó có 25 căn nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, gió lốc còn làm gãy và đổ 10 trụ điện, thiệt hại 1,8 ha rau màu ở huyện Bình Tân. Ước thiệt hại ban đầu hơn 2,1 tỉ đồng.

Theo thống kê đến chiều nay, số nhà bị sập và tốc mái tại thành phố Cần Thơ là 40 căn, Trà Vinh là 32 căn, tỉnh Sóc Trăng 4 căn nhà. Hậu Giang có 25 căn nhà bị sập và tốc mái. Không chỉ làm thiệt hại tài sản, những cơn mưa vừa qua đã gây tử vong 2 người dân do bị sét đánh.

Nhằm giúp người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các hộ bị thiệt hại. Tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho các hộ có nhà sập hoàn toàn 6 triệu đồng, nhà bị xiêu vẹo, tốc mái từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Xem video lốc xoáy làm 120 nhà sập, tốc mái do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Đến 19g ngày 1-4, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Khẩn trương phòng chống bão số 1 ảnh hưởng đến Bến Tre, lãnh đạo các địa phương ven biển của tỉnh túc trực 24/24g cùng lực lượng bộ đội, dân phòng di dời, hỗ trợ người dân chồng chắn nhà ở và kêu gọi tàu thuyền tránh bão.

Đến 4g ngày 1-4, huyện Bình Đại và Ba Tri đã di dời 1.700 người dân ở các cồn biển, cù lao và một số địa bàn xung yếu giáp biển đến nơi trú ẩn an toàn.

Huyện Bình Đại còn 262 tàu đánh bắt thủy sản chưa vào bờ, tất cả đều kết nối liên lạc với đất liền và đang ở ngoài vùng ảnh hưởng của bão.

Tại huyện Ba Tri, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão ở đây còn có thông báo yêu cầu các trường học ngưng toàn bộ các hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Tại huyện Đất Đỏ, ông Tạ Văn Bửu, phó chủ tịch UBND huyện cho biết, sau bão số 1, thống kê tạm thời trên địa bàn huyện có 45 căn nhà (chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp 4) bị tốc mái, hai căn nhà bị sập (một căn sập hoàn toàn, một căn sập một phần). Ngoài ra, hàng chục ha trồng thuốc lá, bắp, đu đủ, lúa của bà con ngư dân bị thiệt hại. Tại huyện Long Điền cũng có 30 căn nhà tốc mái và ba căn bị sập.

Ông Ngô Văn Nở, Bí thư huyện ủy Xuyên Mộc cho biết, hầu như xã nào cũng có thiệt hại về nhà cửa và cây công nghiệp (cao su, điều). Tại xã Tân Lâm, theo báo cáo đến 17g ngày 1-4 đã có 30 căn nhà tốc mái. Bà Lê Kim Lựu, Bí thư xã Bình Châu cho biết, tính đến 18g, xã đã thống kê được 320 căn nhà tốc mái, 16 căn nhà bị sập, 11 ghe nhỏ bị chìm, 17 người bị thương nhẹ, 15 ha cao su, điều bị gãy, nhiều ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước.

Tại TP Vũng Tàu, có nhiều cây lớn đổ ngã ở đường 30-4, gây ùn tắc giao thông. Một số nhà dân ở P.11 bị tốc mái. Đáng chú ý, trong buổi sáng 1-4, mặc dù các bãi tắm đã cấm tắm biển nhưng vẫn có một số du khách xuống biển. Hậu quả, có một du khách bị đuối nước, rất may, đã cứu kịp thời.

Ông Lê Tình, phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, theo thống kê sơ bộ đến chiều 1-4, toàn huyện có 195 căn nhà tốc mái, 5 căn bị sập và nhiều ha cao su tại các xã Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Xà Bang bị gãy.

44SBdMg1.jpgPhóng to
Mặc mưa to kèm gió lớn tại thị xã Bà Rịa, hai người đàn ông này dọn sạp hàng tránh bão - Ảnh: Tiến Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại lúc 13g ngày 1-4, bà Lê Kim Lựu, bí thư đảng ủy xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc, cho biết bắt đầu từ hơn 12g, gió thổi mạnh dần lên làm bay nóc hai phòng học của ngôi trường tiểu học cấp 4 Nguyễn Thị Định. Ngoài ra, gió còn thổi tung nóc nhà của 10 hộ dân khác.

Tại thị trấn Phước Hải, ông Trần Văn Tài, chủ tịch UBND thị trấn, cho biết toàn thị trấn có chín điểm cho người dân tránh bão, gồm các trường học, trạm biên phòng, dinh thờ...

UGY0u2lI.jpgPhóng to
Ngư dân đưa đá ra ủ cá tại cảng cá Phước Tĩnh sáng 1-4 - Ảnh: Đông Hà

Vào sáng 1-4, có mặt tại cảng cá Phước Tĩnh, gió và sóng cũng rất mạnh. Trên các ghe cá neo đậu tại đây không có người. Tại cảng ở ấp Phước Tân, có khoảng 10 người đang chuyển đá ra ghe để phủ lên cá, chống ươn thối. Chủ ghe cho biết ghe vừa vô bờ nhưng vì trời dông bão phải ủ cá, chờ mai mốt chủ hàng đến lấy cá.

Vào khoảng 12g30 ngày 1-4, nhiều xã của các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã bị cắt điện.

Trong khi đó, tại Vũng Tàu, gió và sóng biển mạnh dần lên nhưng không mạnh bằng các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Trí, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cảnh báo: “Chỉ khi bão suy yếu và vào đất liền mới suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Trong khi bão số 1 vẫn ở ngoài biển và ven biển thì rất nguy hiểm. Bà con và mọi người không nên chủ quan”.

Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Do ảnh hưởng bão số 1, mưa lớn, nên khoảng 18g ngày 1-4, trên tuyến đường Khánh Lê- Lâm Đồng, tại Km 42+800 thuộc địa phận xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã xảy ra vụ sạt lở núi làm rất nhiều ôtô kẹt lại.

Thông tin ban đầu từ Hạt quản lý cầu đường Diên Khánh - Khánh Vĩnh, có khoảng 15 xe, trong đó có 10 xe khách từ Đà Lạt về Nha Trang đang bị mắc kẹt giữa đèo. Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Khánh Vĩnh cũng cho biết, mới nhận được điện thoại báo tin của một số tài xế bị mắc kẹt, và đang cho người tiếp cận điểm bị sạt lở. Tuy nhiên công việc xử lý, giải phóng đường đang gặp khó khăn do mưa quá lớn, trời tối, không có đèn đường.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa đã điều một xe múc lên địa điểm trên để có thể khai thông tạm thời đoạn sạt lở. Hiện các ngành chức năng vẫn chưa xác định được quy mô của của vụ sạt lở núi này.

ĐÔNG HÀ - L. T. NHÃ - VĨNH TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên