21/10/2020 10:28 GMT+7

Dạy văn hóa trong trường nghề: Hai bộ chỏi nhau

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Trường nghề muốn dạy chương trình văn hóa 7 môn dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong khi Bộ GD-ĐT khẳng định các trường phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên.

Dạy văn hóa trong trường nghề: Hai bộ chỏi nhau - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10K19 TCK3 Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành tiện CNC - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cho phép các trường trung cấp, CĐ đủ điều kiện được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp. 

Công văn này cũng nêu rõ Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường trung cấp, CĐ giảng dạy văn hóa THPT đối với các trường không có đủ điều kiện tổ chức dạy văn hóa THPT cho học sinh tại trường.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Nội dung công văn này trái ngược với công văn ngày 31-7-2020 của Bộ GD-ĐT gửi sở GD-ĐT các địa phương hướng dẫn dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề. 

Theo hướng dẫn này, đối với người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển vào học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy. 

Việc dạy chương trình này do các trung tâm giáo dục thường xuyên đảm nhiệm. Để thuận lợi cho người học, hai bên có thể thống nhất địa điểm dạy học tại trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở đảm bảo phòng học, thực hành, thí nghiệm theo quy định. Sổ sách, học bạ do trung tâm giáo dục thường xuyên quản lý.

Trước đó, trong các công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2019 và 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có đề cập việc dạy văn hóa THPT do các cơ sở giáo dục đảm nhiệm khi được sự đồng ý của sở GD-ĐT hoặc do các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện.

Đại diện một sở GD-ĐT phía Nam cho biết theo quy định, các trường nghề chỉ được dạy các môn văn hóa và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa (4 môn) trong chương trình đào tạo nghề (học sinh không được dự thi tốt nghiệp THPT), không được đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT (7 môn). 

Để giảng dạy chương trình 7 môn (học sinh được thi tốt nghiệp THPT), cơ sở giáo dục phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.

Bất hợp lý?

Ông Lê Quang Trung - phó hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai) - cho biết trường có khoa cơ bản đào tạo văn hóa THPT cho học sinh là đối tượng tốt nghiệp THCS. 

Trường dạy theo chương trình giáo dục thường xuyên của bộ, học sinh có thể thi tốt nghiệp. Nay Bộ GD-ĐT yêu cầu phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa là bất cập.

"Trước đây chúng tôi phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa. Từ năm 2008, chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để được Sở GD-ĐT Đồng Nai cho phép dạy giáo dục thường xuyên. 

Hiện nay chúng tôi có 50 giáo viên, một tòa nhà 6 tầng với 20 phòng học, phòng chức năng, 1.500 học sinh. Thực tế trung tâm giáo dục thường xuyên không có đủ năng lực đảm nhiệm dạy cho số học sinh này. 

Hơn nữa, kết quả thi tốt nghiệp năm nay cho thấy các trung tâm giáo dục thường xuyên đều có kết quả thấp hơn trường CĐ dạy giáo dục thường xuyên. Vì các em có học lực không tốt, xong lớp 9 vào trường nghề nên chúng tôi phải tăng thời lượng học văn hóa để các em có thể hiểu bài" - ông Trung nói.

Tuy vậy, ông Trung cho biết trong trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn không cho trường đào tạo giáo dục thường xuyên, trường buộc phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất và đội ngũ của trường.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ nghề cho biết khoản 2, điều 44 Luật giáo dục 2019 quy định cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. 

Khoản 4, điều 44 Luật giáo dục quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên phải bảo đảm nhiệm vụ GD-ĐT của mình, chỉ thực hiện chương trình quy định tại điểm d, khoản 1, điều 43 (chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân) khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép.

Nhiều trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT theo luật, tại sao Bộ GD-ĐT lại không cho phép?

Nên tập trung đào tạo nghề cho tốt

Đại diện một số trường CĐ tại TP.HCM cho biết đang liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo văn hóa THPT 7 môn cho học sinh. Ông Trần Kim Tuyền - hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM - cho biết cách đây 3 năm trường đã ngừng đào tạo văn hóa (4 môn) cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp.

"Trường đã hợp tác với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa, trường chỉ tập trung đào tạo nghề cho tốt. Hơn nữa, việc quản lý cũng không chuyên nghiệp như bên thường xuyên" - ông Tuyền nói.

Doanh nghiệp đến trường nghề tuyển lao động Doanh nghiệp đến trường nghề tuyển lao động

TTO - 'Tốt nghiệp xong, có việc ngay' luôn được xem là lợi thế hàng đầu của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn bỏ công xuống tận trường 'săn' lao động ngay khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên